Theo Báo cáo tai cuộc họp, sau hơn 13 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp (LLTP), công tác LLTP đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng trong đời sống xã hội và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác LLTP vẫn còn tồn tại, hạn chế như: Kết quả công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu LLTP còn khoảng cách lớn so với yêu cầu nhiệm vụ và bối cảnh tình hình mới; tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp Phiếu LLTP ngày càng phổ biến, gây bức xúc trong dư luận xã hội; công tác quản lý nhà nước, nhất là mô hình tổ chức quản lý nhà nước hiện nay bộc lộ nhiều vấn đề chưa phù hợp với quy định của pháp luật,…
Trong bối cảnh với yêu cầu ngày càng cao về công cuộc thực hiện chuyển đổi số, kết nối, chia sẻ dữ liệu và cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính nói chung, thủ tục cấp Phiếu LLTP nói riêng, nâng cao chất lượng dịch vụ công đang đặt ra những yêu cầu và thách thức lớn hơn, đòi hỏi công tác LLTP cần chủ động cải cách mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu bối cảnh tình hình mới. Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác LLTP trong thời gian tới, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ban hành Nghị quyết về lãnh đạo thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác LLTP, giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Đồng thời, Nghị quyết được xây dựng nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quản lý nhà nước về LLTP; nâng cao chất lượng dịch vụ thủ tục cấp Phiếu LLTP nhằm đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân, cơ quan, tổ chức; xây dựng, hoàn thiện thể chế về LLTP và pháp luật có liên quan; gắn đổi mới tổ chức, bộ máy với đổi mới công tác xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP trên nguyên tắc bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với quy định pháp luật; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin gắn với cải cách hành chính trong công tác LLTP bảo đảm thực hiện hiệu quả công cuộc chuyển đổi số, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại cuộc họp, đại diện các đơn vị cơ bản nhất trí với kết cấu về hình thức của Dự thảo Nghị quyết; đồng thời đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo sửa đổi tên Nghị quyết “Về lãnh đạo thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lý lịch tư pháp giai đoạn từ nay đến năm 2030”; rà soát, đánh giá kỹ lượng phạm vi của Nghị quyết. Một số đại biểu cho rằng, bên cạnh mục tiêu chung xây dựng Nghị quyết thì cần có các mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn; đồng thời đề nghị đánh giá các tồn tại hạn chế để sắp xếp theo thứ tự mức độ quan trọng; bổ sung nguyên nhân "nhận thức của các cơ quan, tổ chức về yêu cầu cấp phiếu LLTP còn chưa đầy đủ dẫn đến tình trạng lạm dụng việc yêu cầu cấp phiếu LLTP” vào phần nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế...
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu kết luận cuộc họp.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Dự thảo Nghị quyết. Về mặt nội dung, Thứ trưởng Đề nghị cần rà soát lại các nội dung sau: đánh giá lại phạm vi chỉ đạo của Ban cán sự Đảng về lĩnh vực LLTP là toàn ngành, xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương; rút ngắn tên của Nghị quyết thành “Nghị quyết về đổi mới và nâng cao hiệu quả Công tác lý lịch tư pháp từ nay đến năm 2030”; gói gọn mục tiêu của Nghị quyết thành 02 phần: quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công, hướng tới mục tiêu chung là phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu, phần nhiệm vụ, giải pháp tập trung chủ yếu vào 04 mục: (1) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phối hợp thực hiện; (2) Hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; (3) Tổ chức bộ máy, con người; (4) Các điều kiện để đảm bảo thực hiện.
Hiện Dự thảo Nghị quyết tập trung vào 04 nhiệm vụ và giải pháp: (1) Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ về công tác LLTP; (2) Lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế về LLTP; (3) Lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý nhà nước về LLTP; (4) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ công tác LLTP. |
Nguồn: Thu Nga
Cổng TTĐT Bộ Tư pháp