Liên kết website

Một số kết quả nổi bật trong triển khai công tác truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

23/10/2024

Ngày 30/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” (Đề án 407). Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 về tăng cường công tác truyền thông chính sách. Nhận thức được tầm quan trọng của công tác truyền thông chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong thời gian qua, công tác này luôn được Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Công tác chỉ đạo, hướng dẫn, tập huấn về kỹ năng truyền thông chính sách
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung quán triệt, chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu tại Đề án 407 thông qua việc ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo điều hành, phân công nhiệm vụ và được các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai thực hiện theo đúng yêu cầu[1]. Đồng thời, Lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung Đề án 407 bằng nhiều hình thức như: tổ chức quán triệt, phổ biến tại các hội nghị; sao gửi các văn bản; lồng ghép phổ biến quán triệt tại các lớp tập huấn, các cuộc họp, giao ban; lồng ghép với việc quán triệt chủ trương, chính sách khác của Đảng và nhà nước tới cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị. Việc quán triệt cũng được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử của Bộ: http://www.mard.gov.vn và các trang thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 03 Hội nghị tập huấn về kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách. Đối tượng tham dự tập huấn gồm: Bộ trưởng, các Thứ trưởng; Lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Trung tâm Tin học và Thống kê, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn I; đại diện Đảng ủy Bộ, Công đoàn Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Công đoàn cơ quan Bộ, Đoàn Thanh niên Bộ; công chức làm đầu mối về công tác pháp chế, công tác truyền thông của các Cục, Vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; đại diện một số cơ quan thông tấn báo chí; đại diện một số Hội, Hiệp hội, Doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp và PTNT; đại diện 63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Một số kết quả nổi bật
Hoạt động truyền thông dự thảo chính sách đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai thông qua nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp thực tiễn như: truyền thông dự thảo chính sách trên các phương tiện thông tin đại chúng thông qua việc xây dựng các chuyên mục, chiến dịch truyền thông, đưa tin vào khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả để truyền thông dự thảo chính sách trên báo, đài; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách; tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và một số hình thức khác. Cổng thông tin điện tử của Bộ đã có mục riêng đăng tải các văn bản do Bộ dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Đồng thời, dự thảo văn bản cũng đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của các đơn vị thuộc Bộ; tổ chức lấy ý kiến của nhiều đối tượng khác nhau, không chỉ bó hẹp ở các đơn vị trong Bộ, các Bộ, ngành trung ương mà đối tượng được lấy ý kiến còn là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, các doanh nghiệp, chuyên gia trong nước và các chuyên gia nước ngoài giúp cho văn bản được xây dựng có thể phù hợp với quy định của các lĩnh vực khác, phù hợp với điều kiện thực tiễn của các địa phương và áp dụng có chọn lọc các kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
Về nội dung truyền thông chính sách gồm: các dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau trong quá trình lập đề nghị, xây dựng, thông qua, ban hành chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; các chính sách liên quan đến Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các Chiến lược trong từng lĩnh vực của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; các chính sách, văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng tới mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; phát triển nông nghiệp hàng hoá tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ mới, giá trị gia tăng cao; xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi từ tư duy “sản xuất nông nghiệp” sang tư duy “kinh tế nông nghiệp”, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo ra những giá trị mới của nền nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và được tích hợp vào chuỗi giá trị ngành hàng, tạo động lực cho sự tăng trưởng; góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch nhà nước giao cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị thuộc Bộ đã tổ chức truyền thông các chính sách có tác động lớn đến xã hội tại 04 dự thảo Luật,18 dự thảo Nghị định và 35 dự thảo Thông tư.
Sáng tạo trong thực hiện công tác truyền thông chính sách
Thông thường, hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được thực hiện từ khi lấy ý kiến đối với đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến khi thông qua, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, để công tác truyền thông chính sách ngày càng hiệu quả, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn không chỉ thực hiện truyền thông chính sách mà còn tổ chức thực hiện “tiếp thị” chính sách trước khi xây dựng, lấy ý kiến đối với chính sách. Theo đó, Bộ, các đơn vị thuộc Bộ chủ động đến làm việc trực tiếp hoặc mời các doanh nghiệp, hội, hiệp hội, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách đến để trao đổi, trình bày ý tưởng, khảo sát các nhu cầu về chính sách của các đối tượng này. Qua quá trình “tiếp thị”, các đối tượng dự kiến chịu sự tác động của chính sách sẽ trao đổi, thảo luận các ý tưởng chính sách của cơ quan quản lý, sự cần thiết và tính khả thi của chính sách, đồng thời cũng đề xuất các nhu cầu của mình về chính sách cần xây dựng, hoàn thiện trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tư duy về phương thức truyền thông cũng được thay đổi theo hướng đơn giản, dễ hiểu; xây dựng kịch bản truyền thông, sử dụng hình thức truyền thông bằng hình ảnh, đồ họa đối với các chính sách cần truyền thông và các chính sách đã được ban hành. Thông qua đó các chính sách khi được truyền thông sẽ nhận được sự quan tâm, đóng góp, phản hồi tích cực của đối tượng chịu sự tác động, tăng tính khả thi của chính chính sách khi ban hành, góp phần tạo sự đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích của người quản lý, các đối tượng thụ hưởng và các đối tượng có liên quan nhằm đưa các chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đi vào cuộc sống./.
                                                                   Nguyễn Thị Tâm
                                                      Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Công văn số 2321/BNN-PC ngày 18/4/2022 về việc tổ chức truyền thông tiếp thị chính sách trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; Quyết định số 1894/QĐ-BNN-PC ngày 26/5/2022 về việc ban hành Kế hoạch truyền thông, tiếp thị chính sách có tác động lớn đến xã hội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2022; Quyết định số 697/QĐ-BNN-PC ngày 27 tháng 02 năm 2023 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, tiếp thị chính sách có tác động lớn đến xã hội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2023;  Công văn số 1895/BNN-PC ngày 28/3/2023 về thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách; Quyết định số 730/QĐ-BNN-PC ngày 13/3/2024 ban hành Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, tiếp thị chính sách có tác động lớn đến xã hội của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2024…
Các tin đã đưa ngày: