Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước đối với hội được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; được áp dụng đối với tổ chức, công dân Việt Nam có liên quan đến thành lập, tổ chức và quản lý nhà nước về hội và không áp dụng với các tổ chức: Các tổ chức chính trị- xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Hội Cựu chiến binh Việt Nam); các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng; các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật lao động.
Theo đó, có 06 điều kiện thành lập hội: (i) Có tên gọi của hội đảm bảo các điều kiện sau: (i) Viết bằng tiếng Việt hoặc phiên âm theo tiếng Việt, nếu không phiên âm ra được tiếng Việt thì dùng tiếng nước ngoài; tên gọi riêng của hội có thể được phiên âm, dịch ra tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật; (ii) Phù hợp với tôn chỉ, mục đích, phạm vi, lĩnh vực hoạt động chính của hội; (iii) Không trùng lặp toàn bộ tên gọi hoặc gây nhầm lẫn, bao trùm tên gọi với các hội khác đã được thành lập hợp pháp trước đó; (iv) Không vi phạm đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa dân tộc. (2) Lĩnh vực hoạt động chính không trùng lặp với lĩnh vực hoạt động chính của hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trong cùng phạm vi hoạt động. (3) Có tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động phù hợp quy định pháp luật. (4) Có điều lệ, trừ trường hợp nghị quyết đại hội của hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, huyện, xã có cùng tên gọi, lĩnh vực hoạt động chính và là hội viên tổ chức của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc, thống nhất thừa nhận điều lệ của hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc thì không cần xây dựng điều lệ riêng. (5) Có trụ sở đặt tại Việt Nam trong phạm vi hoạt động của hội và có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. (6) Có đủ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác. (7) Có tài sản để đảm bảo hoạt động của hội.
Đối với điều kiện (6), Nghị định cũng quy định rõ số lượng tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội. Cụ thể là Hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh có ít nhất 100 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 50 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp huyện trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hội hoạt động trong phạm vi huyện có ít nhất 20 tổ chức, công dân tại hai đơn vị hành chính cấp xã trở lên có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hội hoạt động trong phạm vi xã có ít nhất 10 tổ chức, công dân tại đơn vị hành chính cấp xã có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hội. Hiệp hội của các tổ chức kinh tế hoạt động trong phạm vi toàn quốc có hội viên là đại diện các tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân của Việt Nam, có ít nhất 11 đại diện pháp nhân ở nhiều tỉnh; hiệp hội hoạt động trong phạm vi tỉnh có ít nhất 05 đại diện pháp nhân trong tỉnh cùng ngành nghề hoặc cùng lĩnh vực hoạt động có đủ điều kiện, tự nguyện, có đơn đăng ký tham gia thành lập hiệp hội.
Hồ sơ, thủ tục thành lập hội được quy định tại Điều 13 của Nghị định, trong đó hồ sơ đề nghị thành lập hội được lập thành 01 bộ, gồm:
Đơn đề nghị thành lập hội theo mẫu số 04 kèm theo Nghị định này (bản gốc); Dự thảo điều lệ theo mẫu số 09 kèm theo Nghị định này;
Quyết định công nhận ban vận động thành lập hội kèm theo danh sách thành viên ban vận động thành lập hội (bản chính); Danh sách và đơn đăng ký tham gia thành lập hội của tổ chức, công dân Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội (bản gốc);
Sơ yếu lý lịch cá nhân theo mẫu kèm theo Nghị định này và phiếu lý lịch tư pháp số 1 (bản chính) của trưởng ban vận động thành lập hội không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ; Ý kiến đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ đối với cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm trưởng ban vận động thành lập hội (bản chính); Văn bản chứng minh quyền sử dụng hợp pháp nơi dự kiến đặt trụ sở của hội theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có chứng thực); Bản kê khai tài sản thành lập hội (bản gốc) của ban vận động thành lập hội tự nguyện đóng góp (nếu có); Bản cam kết đảm bảo kinh phí hoạt động trong nhiệm kỳ lần thứ nhất của hội nếu được thành lập (bản gốc).
Trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đầy đủ và hợp pháp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội phối hợp với các cơ quan có liên quan đến hoạt động của hội quyết định cho phép thành lập hội; trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.
Cơ cấu tổ chức của hội gồm (i) Đại hội - cơ quan lãnh đạo cao nhất của hội là đại hội. Đại hội được tổ chức dưới hình thức đại hội toàn thể hoặc đại hội đại biểu. (ii) Ban chấp hành hội do đại hội bầu là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ đại hội. (iii) Ban thường vụ hội do ban chấp hành bầu là cơ quan lãnh đạo giữa 02 kỳ họp ban chấp hành. (iv) Ban kiểm tra hội. Các tổ chức thuộc hội bao gồm Chi nhánh, văn phong đại diện; Văn phòng, các phòng, ban chuyên môn và các tổ chức có tên gọi khác do hội thành lập để tham mưu giúp ban chấp hành, ban thường vụ hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và điều lệ hội; Liên chi hội, chi hội, phân hội, tổ hội; Tổ chức có tư cách pháp nhân được thành lập theo quy định của pháp luật để thực hiện nhiệm vụ của hội, phù hợp với tôn chỉ, mục đích, lĩnh vực hoạt động theo quy định tại điều lệ hội, do hội tự quyết định căn cứ vào tính chất, phạm vi, quy mô tổ chức hoạt động của hội, phù hợp quy định của pháp luật và điều lệ hội.
Thẩm quyền giải quyết các thủ tục về hội được quy định theo hướng Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều lệ đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc có đảng đoàn. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh, trừ trường hợp luật, pháp lệnh có quy định khác về thành lập, phê duyệt điều lệ hội. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi tỉnh. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền công nhận ban vận động thành lập hội; cho phép thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, đổi tên, phê duyệt điều lệ; đình chỉ hoạt động có thời hạn, cho phép hoạt động trở lại đối với hội hoạt động trong phạm vi huyện, xã.