Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao xây dựng và tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020. Trong đó, dự thảo (đang được đăng tải trên Cổng Thông tin Chính phủ và Cổng Thông tin của Bộ GD&ĐT) có một số nội dung mới, sửa đổi, bổ sung cần chú ý.
Thứ nhất, về đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập, dự thảo Nghị định quy định bao gồm học sinh trường chuyên có kết quả rèn luyện và kết quả học tập đạt mức tốt trong kỳ xét, cấp học bổng có điểm môn chuyên của học kỳ xét cấp từ 8,5 trở lên hoặc đạt một trong các giải từ khuyến khích trở lên trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm đó; học sinh các trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao có kết quả rèn luyện đạt mức khá trở lên, kết quả học tập đạt từ mức đạt trong kỳ xét, cấp học bổng và đạt huy chương trong cuộc thi cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế của năm học đó...
Về nguồn học bổng khuyến khích học tập đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học công lập, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung và quy định 02 phương án về nguồn hình thành học bổng khuyến khích học tập đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học công lập. Trong đó, Phương án 1 là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục. Phương án 2 là các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy đối với trường công lập và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục. Theo Bộ GD&ĐT, phương án 1 sẽ phù hợp, bởi qua báo cáo sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 84/2020/NĐ-CP và kết quả khảo sát cho thấy, đa số ý kiến của các cơ sở giáo dục đại học công lập cho rằng mức trích lập 8% nguồn thu học phí là cao, nhất là các trường tự chủ mức độ 1. Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 109/2022/NĐ-CP ngày 30/12/2022 của Chính phủ quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, hằng năm, cơ sở giáo dục đại học trích tối thiểu 5% từ nguồn thu học phí, cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu trích tối thiểu 8% từ nguồn thu học phí cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Như vậy, tổng 13%-16% nguồn thu học phí chi cho học bổng khuyến khích học tập và hoạt động KHCN của trường là tỉ lệ lớn, trong khi cơ sở Giáo dục đại học chủ yếu chỉ có nguồn thu từ học phí. Theo phương án này, dự thảo Nghị định không có sự phân biệt học sinh, sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.
Đồng thời, dự thảo bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 8 về nguồn cấp học bổng khuyến khích học tập. Theo đó, nhà nước cấp học bổng cho đối tượng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8. Kinh phí cấp học bổng được cân đối trong dự toán chi ngân sách nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về mức học bổng, nguyên tắc hưởng và phương thức chi trả học bổng khuyến khích học tập cho đối tượng nêu trên.
Thứ hai, về miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng. Dự thảo sửa đổi, bổ sung và quy định việc miễn, giảm giá vé dịch vụ công cộng về giao thông, giải trí, tham quan viện bảo tàng, di tích lịch sử, công trình văn hóa, theo hướng bỏ quy định học sinh, sinh viên được giảm giá vé dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ thư viện, vì không có khái niệm vé dịch vụ thư viện theo Luật Thư viện. Đồng thời, Luật Thư viện đã quy định quyền của người sử dụng thư viện đặc thù, theo đó trẻ em có quyền được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học tại thư viện công cộng, được miễn các khoản chi phí làm thẻ thư viện.
Cùng với đó, dự thảo đã bổ sung ba loại hình phương tiện giao thông công cộng mà học sinh, sinh viên được giảm giá vé, bao gồm tàu điện trên cao, tàu điện ngầm, phà. Trong đó tàu điện trên cao là loại phương tiện mới có sau khi Nghị định ra đời, còn tàu điện ngầm là loại phương tiện sắp có trong tương lai gần, cần được khuyến khích sử dụng bởi học sinh, sinh viên. Đồng thời quy định học sinh phổ thông được miễn phí tham quan các thiết chế văn hóa như: bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh và chuẩn hóa từ ngữ để phù hợp với Luật Di sản văn hóa. Đối với sinh viên, dự thảo vẫn quy định như Nghị định 84/2020/NĐ-CP (được giảm phí tham quan bảo tàng, di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh).
Thứ ba, về chuyển nhượng vốn trường mầm non, trường phổ thông tư thục. Dự thảo Nghị định đã bổ sung Chương mới (Chương IVa) nhằm quy định chi tiết khoản 3 Điều 102 Luật Giáo dục. Trong đó chuyển nhượng vốn được xác định trên 04 nguyên tắc cốt lõi là phải phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan (Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp); bảo đảm sự ổn định, phát triển của cơ sở giáo dục; bảo đảm quyền lợi của người học và phải tuân thủ quy trình quy định tại Nghị định này. Quy trình chuyển nhượng vốn đối với nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non, trường phổ thông tư thục, được phân tách theo 2 trường hợp, bao gồm (i) Nhà đầu tư theo điểm a Khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; (ii) Nhà đầu tư theo điểm b Khoản 3 Điều 54 Luật Giáo dục thực hiện chuyển nhượng vốn theo quy trình quy định tại dự thảo Nghị định này./.
Thanh Trang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật