Triển khai Kế hoạch công tác Đảng năm 2024 của Chi bộ, chiều ngày 30/10/2024, Chi bộ Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tổ chức buổi sinh hoạt chi bộ tháng 10/2024. Ngoài các nội dung sinh hoạt định kỳ như thông tin, quán triệt những nội dung cốt lõi một số văn bản mới của Đảng; thông tin về việc thực hiện công tác phát triển đảng viên; về những vấn đề liên quan đến tổ chức bộ máy, nhân sự,..., Chi bộ đã trao đổi, thảo luận chuyên đề “Tìm hiểu việc xây dựng, vận hành hệ thống thông tin pháp luật và cơ chế hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Hàn Quốc”.
Tham dự và chỉ đạo buổi sinh hoạt có đồng chí Lê Vệ Quốc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng Bộ Tư pháp, Bí thư Chi bộ, Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật, cùng toàn thể các đồng chí đảng viên, công chức, người lao động của đơn vị.
Chuyên đề được cấu trúc thành 04 phần chính, gồm:
(1) Về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc. Theo thông tin đồng chí được tiếp cận thì, hiện có khoảng 300.000 người Việt Nam đang học tập, lao động, sinh sống tại Hàn Quốc
[1]. Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật cho kiều bào Việt Nam, như đăng tải thông tin pháp luật, hỏi đáp pháp luật trên Cổng Thông tin điện tử Đại sứ quán; thông tin, phổ biến pháp luật trên Facebook, Viber và các mạng xã hội khác; thông tin, phổ biến pháp luật thông qua hoạt động của các hội của người Việt Nam
[2]; thông tin, phổ biến pháp luật qua hoạt động của Trung tâm hỗ trợ người lao động tại các tỉnh, thành phố. Một số cơ quan tại các tỉnh, thành phố cũng có người Việt hoặc biết tiếng Việt nên hỗ trợ tích cực trong việc phổ biến thông tin pháp luật cho người Việt Nam tại Hàn Quốc... Nội dung pháp luật mà kiều bào quan tâm là pháp luật đất đai, quốc tịch, lý lịch tư pháp, đầu tư…
(2) Về công tác thông tin pháp luật tại Hàn Quốc. Đối với nội dung này, đồng chí đã chia sẻ thông tin về Hệ thống thông tin pháp luật tại Hàn Quốc
[3]; Sự tương tác giữa người dân và cơ quan nhà nước về nội dung luật thực định và thực thi pháp luật; Công cụ “tìm kiếm”; Nguồn lực để duy trì Hệ thống thông tin pháp luật; Truyền thông dự thảo chính sách, dự thảo văn bản pháp luật.
(3) Truyền thông chính sách pháp luật tại Hàn Quốc. Đồng chí cho biết, ở Hàn Quốc có 03 cơ quan phụ trách về truyền thông là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch Hàn Quốc phụ trách về truyền thông trên báo chí, báo mạng, điện ảnh; Bộ Truyền thông chịu trách nhiệm việc phát sóng trên mạng viễn thông; Bộ Khoa học, công nghệ thông tin chịu trách nhiệm việc viễn thông, truyền thông và hạ tầng cơ sở về viễn thông, truyền thông; có 3 đạo luật điều chỉnh về truyền thông là Luật xúc tiến báo chí, Luật phát sóng, Luật thông tin, viễn thông.
(4) Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tại Hàn Quốc, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ thực hiện hỗ trợ tất cả lĩnh vực được phép và có thể cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ chính sách pháp luật…); đồng chí cũng chia sẻ thông tin về cách xác định doanh nghiệp vừa và nhỏ; cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;... tại Hàn Quốc.
Phần trao đổi thảo luận đã tập trung làm rõ về 04 nhóm vấn đề lớn, như việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong truyền thông chính sách pháp luật tại Hàn Quốc; nguồn gốc nguồn lực hoạt động của Quỹ xúc tiến truyền thông Hàn Quốc; phương thức truyền thông dự thảo chính sách tại Hàn Quốc; cách thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Hàn Quốc.
Thay mặt Chi bộ, đồng chí Lê Vệ Quốc đánh giá cao nội dung báo cáo của đồng chí Quế. Bài trình bày cô đọng, súc tích, đầy đủ, hấp dẫn, có nhiều thông tin cần trao đổi. Qua đó, gợi mở nhiều vấn đề cần tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, thấu đáo, sâu sắc, toàn diện hơn nữa trong thời gian tới. Đồng chí đề nghị toàn thể công chức, đảng viên Chi bộ tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả các nhiệm vụ mà đơn vị được giao tham mưu quản lý./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc có số lượng lớn, đứng thứ hai (sau cộng đồng người Trung Quốc).
[2] Tại Hàn Quốc có 01 tổng hội và 09 hội người Việt Nam (như Hội sinh viên, Hội phụ nữ, Hội từ thiện, Hội người giàu (giàu tình cảm, giàu trí thức, giàu vật chất), Hội doanh nghiệp...). Các hội này đều có ở 17/17 tỉnh, thành phố của Hàn Quốc.