Liên kết website

Điều chỉnh mức chuẩn trợ giúp xã hội để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội

25/10/2024

Theo thống kê, hiện nay cả nước có khoảng 3,356 triệu người (chiếm khoảng 3,356% dân số) đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng (bao gồm 1,4 triệu người hưởng trợ cấp đối với người cao tuổi, 1,6 triệu người hưởng chế độ trợ cấp đối với người khuyết tật, 21 nghìn trẻ em mất nguồn nuôi dưỡng, 146 nghìn trẻ em dưới 3 tuổi, 84 nghìn người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi) và hơn 349 nghìn hộ gia đình đang chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng và đối tượng bảo trợ xã hội.

Hằng năm, ngân sách nhà nước đã bố trí hơn 27.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng bảo trợ xã hội. Việc triển khai đầy đủ các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (Nghị định số 20/2021/NĐ-CP) thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với một bộ phận dân cư, những người có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn nhất hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta trước những tác động bất lợi của suy thoái kinh tế toàn cầu[1]. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, một số vấn đề bất cập, vướng mắc đã nảy sinh. Trong đó, có việc quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội là 360.000 đồng/tháng, tăng chậm so với quá trình cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, lương hưu, giảm nghèo và trợ cấp đối với người có công với cách mạng và rất thấp so với mức sống tối thiểu của người dân, nhất là trong bối cảnh tốc độ trượt giá tiêu dùng ngày càng tăng. Giá của các loại hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng hằng ngày của người dân tăng lên trong khi mức trợ cấp xã hội không thay đổi khiến cuộc sống của đối tượng bảo trợ xã hội gặp nhiều khó khăn. Do đó, mức chuẩn trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người dân và việc điều chỉnh mức chuẩn trợ cấp xã hội để bảo đảm đời sống cho đối tượng bảo trợ xã hội là rất cần thiết.
Để khắc phục tình trạng trên, ngày 01/7/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 76/2024/NĐ-CP (Nghị định số 76/2024/NĐ-CP) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Một trong những điểm sửa đổi, bổ sung quan trọng của Nghị định số 76/2024/NĐ-CP là đã tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng/tháng lên 500.000 đồng/tháng từ ngày 01/7/2024. Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác. Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này và đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.
Việc tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội đã góp phần thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng trong việc nâng cao chất lượng chính sách xã hội, bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là người dân khó khăn đều được sự hỗ trợ của nhà nước, từng bước nâng cao chất lượng chính sách trợ giúp xã hội hướng tới mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội trong tình hình mới./.
Lê Nguyên Thảo
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
 

[1] Tham khảo Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 07 năm 2024 tại địa chỉ https://pbgdpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/Pho-Bien-Kien-Thuc-Phap-Luat.aspx?ItemID=1742
Các tin đã đưa ngày: