Liên kết website

Bộ Tư pháp hỗ trợ tập huấn nghiệp vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại tỉnh Cao Bằng

04/11/2024

Ngày 22/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Công tác đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh Cao Bằng được các đơn vị, địa phương xác định là nhiệm vụ thường xuyên, gắn bó chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Vì vậy luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện và dần đi vào nền nếp. Năm 2023, trên toàn tỉnh Cao Bằng có 134/161 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 83.2%. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai nhiệm vụ vẫn còn một số hạn chế như: việc đánh giá chưa sát với tình hình thực tế, việc triển khai công tác tiếp cận pháp luật một số địa phương còn bị động, việc kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công này có lúc, có nơi chưa được sâu sát, kịp thời; một số nơi công chức cấp xã chưa nắm vững quy định, văn bản liên quan đến nội dung tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật để tham mưu triển khai nhiệm vụ, chưa bố trí kinh phí để triển khai các tiêu chí tiếp cận pháp luật…

Để hỗ trợ quán triệt, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu thực hiện nhiệm vụ này tại địa phương, sáng ngày 04/11/2024, trên cơ sở đề xuất của Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng, Tiến sĩ Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham dự, trực tiếp làm báo cáo viên tại Hội nghị tập huấn do Sở Tư pháp tổ chức.

Đồng chí Nông Văn Dực, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng phát biểu
 khai mạc Hội nghị
 
 Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Nông Văn Dực, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Cao Bằng nhận định công tác đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật nhằm góp phần thúc đẩy thi hành pháp luật hiệu quả, hướng tới xây dựng môi trường pháp lý lành mạnh ở cơ sở. Việc đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trong thời gian qua đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho cán bộ và Nhân dân. Qua đó đảm bảo tính nghiêm minh, gương mẫu, thượng tôn pháp luật trong quản lý nhà nước, quản lý xã hội của chính quyền; góp phần tạo điều kiện cho Nhân dân, đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở trong việc tiếp cận và nâng cao kiến thức pháp luật trên các lĩnh vực, nâng cao ý thức tuân thủ và chấp hành Hiến pháp, pháp luật; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới thì việc tập huấn kiến thức, nghiệp vụ cho thành viên Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật cấp huyện, Lãnh đạo UBND và công chức Tư pháp -  Hộ tịch cấp xã rất có ý nghĩa, để đội ngũ này có thêm những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu trong việc thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.

TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp – Báo cáo viên tại Hội nghị
 
Nội dung Hội nghị tập trung vào 02 chuyên đề: Hướng dẫn nghiệp vụ về đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg và Thông tư số 09/2021/TT-BTP  và hướng dẫn nội dung tiêu chí, chỉ tiêu “tiếp cận pháp luật” trong đánh giá nông thôn mới và đô thị văn minh theo Quyết định số 1143/QĐ-BTP.
Tại Hội nghị, các báo cáo viên đã hướng dẫn nội dung các tiêu chí, cách thức đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, tập trung vào những nội dung mà địa phương chưa rõ, còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện các văn bản của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tư pháp.

Đồng chí Nguyễn Thị Tâm, Phòng Tiếp cận pháp luật và Hòa giải ở cơ sở, Cục PBGDPL, Bộ Tư pháp – Báo cáo viên tại Hội nghị
 
Bằng việc đưa ra các ví dụ, tình huống minh họa cụ thể trong đánh giá chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu gắn với chuyên môn nghiệp vụ của công chức cấp cơ sở như việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính, tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở, tăng cường tương tác, thảo luận, báo cáo viên đã giải đáp nhiều vấn đề mà địa phương cần để triển khai trên thực tế. Các đại biểu mạnh dạn phát biểu ý kiến, thảo luận sôi nổi, bày tỏ vấn đề còn băn khoăn, nêu rõ cách tiếp cận và áp dụng các quy định để thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực trao đổi, thảo luận
 
 Thông qua Hội nghị, các đại biểu tham dự đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực, nhất là phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Hội nghị tập huấn cũng là diễn đàn để cơ quan quản lý trực tiếp lắng nghe những chia sẻ của địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai đánh giá, công nhận chuẩn tiếp cận pháp luật để tổng hợp, tham mưu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác này trong thời gian tới/.
Nguyễn Thị Tâm 
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật
Các tin đã đưa ngày: