Liên kết website

Bộ Công an: Tổ chức thành công Cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Căn cước trong Công an nhân dân”

07/11/2024

Để triển khai có hiệu quả Luật Căn cước, thực hiện truyền thông, phổ biến sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân những nội dung của Luật Căn cước và các văn bản hướng dẫn thi hành; đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, ngày 26/3/2024, Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch tổ chức Cuộc thi viết “Tìm hiểu Luật Căn cước trong Công an nhân dân”. Theo Kế hoạch, đối tượng dự thi là cán bộ, chiến sĩ công tác tại các đơn vị thuộc cơ quan Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cán bộ, chiến sĩ, học viên các Học viện, trường Công an nhân dân.

Cuộc thi đã tạo ra một đợt sinh hoạt chính trị, pháp lý quan trọng, thu hút được đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia. Sau 4 tháng tổ chức phát động Cuộc thi đến Công an xã, Công an đơn vị, địa phương đã tổng hợp, tổ chức chấm sơ khảo và lựa chọn 354 bài thi có chất lượng tham gia vòng thi Chung khảo ở Bộ. Trong đó, nhiều bài dự thi được đầu tư công phu về mặt hình thức, nội dung, sưu tầm được nhiều tài liệu có giá trị; thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của tập thể, cá nhân dự thi; có liên hệ trực tiếp đến thực tiễn công tác đăng ký, quản lý, cấp căn cước  tại đơn vị, địa phương. Đặc biệt, có 02 bài dự thi kèm theo hình thức chữ viết dành cho người khiếm thị[1]; có bài dự thi thí sinh sáng tác các tập thơ, nhạc, tranh vẽ cổ động[2]... giúp người đọc dễ nghe, dễ hiểu; qua đó nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng được các thí sinh quan tâm, thực hiện. Nhiều bài thi được mã hóa bằng mã QR-code, tích hợp trò chơi hướng dẫn làm căn cước[3], phụ lục văn bản liên quan giúp người đọc thuận tiện trong tra cứu, theo dõi; nhiều bài thi có kèm theo phiếu khảo sát quần chúng nhân dân về thủ tục cấp thẻ Căn cước, phiếu điều tra xã hội học[4]...
Tại vòng Chung khảo đã chọn ra được 38 bài thi (19 bài dự thi tập thể, 19 bài dự thi cá nhân) có chất lượng tốt nhất, được đánh giá cao và dự kiến trao giải theo Thể lệ Cuộc thi, bao gồm: 02 giải nhất (01 tập thể, 01 cá nhân); 06 giải nhì (03 tập thể, 03 cá nhân); 10 giải ba (05 tập thể, 05 cá nhân); 15 giải khuyến khích (07 tập thể, 08 cá nhân); 05 giải phụ khác theo quyết định của Ban Tổ chức Cuộc thi ở Bộ Công an.
Kết quả Cuộc thi không chỉ là sự ghi nhận cho những nỗ lực xuất sắc của các tập thể, cá nhân tham gia Cuộc thi mà còn góp phần nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn lực lượng Công an nhân dân cũng như triển khai có hiệu quả Luật Căn cước.
Tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 diễn ra vào sáng ngày 07/11/2024, Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức, tham gia Cuộc thi.
Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung và công tác tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật nói riêng, cần triển khai tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nhận thức đúng, đầy đủ về mục đích, ý nghĩa, vai trò trong việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật để góp phần triển khai thi hành có hiệu quả các văn bản quy phạm pháp luật trong thực tiễn công tác.
Thứ hai, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật cần được thực hiện một cách khoa học, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn công tác, chiến đấu của từng Công an đơn vị, địa phương. Cùng với việc quán triệt đầy đủ, sâu sắc quy định, hướng dẫn của Bộ, Công an các đơn vị, địa phương cần chủ động nghiên cứu, đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tổ chức cho phù hợp, làm cho các cuộc thi tìm hiểu pháp luật thực sự hấp dẫn, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân và lan tỏa đến tầng lớp Nhân dân.
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, đặc biệt là của người đứng đầu, lãnh đạo Công an các đơn vị, địa phương và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp thực hiện công tác tham mưu, xây dựng, hoàn thiện pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật và thi hành pháp luật về an ninh, trật tự. Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải có trách nhiệm và nghĩa vụ chủ động tìm hiểu pháp luật, gương mẫu thực thi pháp luật; gắn với việc thực hiện thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật tới quần chúng Nhân dân, vận động, khuyến khích Nhân dân tìm hiểu, chấp hành, tuân thủ các quy định của pháp luật, coi đây là nhu cầu tự thân hằng ngày.
Thứ tư, bảo đảm nguồn lực về con người, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện... phục vụ việc tổ chức thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật nói riêng.
Thứ năm, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong tổ chức các cuộc thi; chỉ rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế; biểu dương, nhân rộng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, sáng tạo./.
Nguyễn Giang
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật

[1] Bài dự thi của Trung úy Hồng An Xuyên, Công an thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; học viên Phan Duy Khánh, T09.
[2] Bài dự thi của Trung úy Nguyễn Thị Thu Trang, Phòng PV01, Công an tỉnh Hà Tĩnh; trung tá Chu Chí Quốc, Phòng PC06, Công an tỉnh Nghệ An; nhóm tác giả “Vinh Quang” Công an tỉnh Nam Định; nhóm tác giả “Chung sức”, T05; tác giả Quàng Đức Thịnh, Công an xã Chiềng Bằng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La...
[3] Bài dự thi của thí sinh Phạm Phương Nhung, Phòng PC06, Công an tỉnh Yên Bái.
[4] Bài dự thi của nhóm tác giả Phòng PV01, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Ninh Bình; trung sĩ Lê Trần Ngọc Cường, Phòng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh Quảng Bình...
Các tin đã đưa ngày: