Ngay sau khi Đề án được ban hành, Bộ Công an đã kịp thời tổ chức triển khai đến Công an các đơn vị, địa phương; ban hành các văn bản tổ chức triển khai thực hiện Đề án
[1]. Hằng năm, Bộ Công an đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản hướng dẫn thực hiện Đề án với những nội dung cụ thể, phù hợp với tiến độ thực hiện Đề án
[2]. Căn cứ các kế hoạch, văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức triển Đề án nghiêm túc, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và đặc điểm của nhóm đối tượng thuộc phạm vi quản lý và đạt được kết quả tích cực.
Nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực, đáp ứng nhu cầu thông tin pháp luật của từng nhóm đối tượng
- Đối với đông đảo quần chúng nhân dân, căn cứ kết quả khảo sát nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân, với định hướng lấy người dân làm trung tâm, tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải phù hợp với đặc điểm của từng nhóm đối tượng, địa bàn, lĩnh vực và thích ứng với các tình huống đặc biệt phát sinh trong thực tế, Công an các đơn vị, địa phương tập trung phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân; các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành liên quan đến an ninh, trật tự (Luật Phòng, chống ma túy, Luật Cư trú, Luật Căn cước), Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06); ý thức tôn trọng, bảo vệ pháp luật, lợi ích của việc chấp hành pháp luật, gương người tốt, việc tốt trong thực hiện pháp luật; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn, lĩnh vực; trách nhiệm của quần chúng Nhân dân trong giúp đỡ, hỗ trợ và tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật...
- Đối với các đối tượng đặc thù, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã chủ động phối hợp triển khai chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân cho các đối tượng đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người bị xử phạt tù được hưởng án treo, thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật, trong đó tập trung vào nội dung về các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của đối tượng, pháp luật về hình sự, thi hành án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, các văn bản pháp luật liên quan đến bảo đảm an ninh, trật tự của địa phương.
- Đối với người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật tập trung vào những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tái hòa nhập cộng đồng, đặc biệt là những quy định về xóa án tích, cấp căn cước, đăng ký thường trú, tạm trú, vay vốn, hướng nghiệp, giải quyết việc làm...
Hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, lĩnh vực
Đối với quần chúng Nhân dân tại cơ sở, trong 03 năm thực hiện Đề án, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức hơn
883.600 cuộc tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh ở cơ sở; tuyên truyền lưu động
22.530 cuộc; thông qua các cuộc họp tổ dân cư, tuyên truyền tập trung tại các trường học, cơ quan, doanh nghiệp
467.377 cuộc với hơn
47.339.821 lượt người tham dự; biên soạn, in, phát hành hơn
841.222 sách, tài liệu pháp luật,
22.098.322 tờ rơi, tờ gấp pháp luật, panô, áp phích và nhiều sổ tay, cẩm nang, đề cương tuyên truyền pháp luật; tổ chức
740 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với
3.460.269 lượt người tham gia...
Đối với người bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, người đang chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, quản chế, người bị phạt tù được hưởng án treo, người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được đặc xá, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, các địa phương đã tích cực, chủ động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các buổi nói chuyện chuyên đề; tổ chức các chương trình giao lưu, tọa đàm như: "Hành trình của niềm tin", "Thắp sáng ước mơ tương lai", "Hướng tới ngày mai", "Thắp sáng niềm tin", "Vì bình yên cuộc sống"...
Trong 03 năm thực hiện Đề án, các trại giam đã tổ chức
13.826 lớp tuyên truyền thời sự, chính trị cho
11.074.684 lượt phạm nhân;
9.982 lớp giáo dục pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ cho
3.646.554 lượt phạm nhân;
2.758 lớp tuyên truyền phòng, chống tác hại của ma túy, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS cho
1.686.366 lượt phạm nhân;
569 lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ cho
14.062 lượt phạm nhân;
6.834 lớp “đầu vào” cho
185.165 lượt phạm nhân;
2.526 lớp “đang chấp hành phạt tù” cho
367.261 lượt phạm nhân;
3.328 lớp “đầu ra” cho
134.351 lượt phạm nhân. Các trường giáo dưỡng đã tổ chức
50 lớp “đầu vào” cho
947 lượt học sinh;
39 lớp “đầu ra” cho
723 lượt học sinh;
44 lớp giáo dục công dân cho
2.816 lượt học sinh. Các cơ sở giáo dục bắt buộc đã tổ chức
59 lớp “đầu vào” cho
712 lượt trại viên;
59 lớp “đầu ra” cho
549 lượt trại viên;
42 lớp giáo dục công dân cho
324 lượt trại viên;
55 lớp giáo dục nội quy cho
710 lượt trại viên.
Nhiều mô hình điểm được xây dựng và nhân rộng mang lại hiệu quả cao
Quá trình triển khai thực hiện Đề án, 100% các địa phương đã xây dựng và duy trì hiệu quả ít nhất 01 mô hình có tính xã hội cao, được Nhân dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng, phục vụ hiệu quả cho việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng thuộc phạm vi Đề án như: “Câu lạc bộ Chi đoàn giúp bạn” của Đoàn Thanh niên phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng; “Hè an toàn, vạn niềm vui” của Công an quận Hà Đông, thành phố Hà Nội; mô hình "Cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư", "Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng", "Quản lý, giáo dục trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật ở cộng đồng dân cư", "Tiếng loa an ninh", “Khu dân cư bình yên, không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Đội dân phòng cơ động”, “Đội xung kích tự quản, tự phòng”, “Xóm đạo bình yên”, “Câu lạc bộ hướng thiện”,... Hiện nay, các đơn vị, địa phương đã xây dựng và tiếp tục duy trì, nhân rộng
470 mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Việc xây dựng, triển khai các mô hình điểm tại các đơn vị, cơ sở, địa phương đã tháo gỡ những hạn chế, bất cập, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong tình hình mới.
Việc phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin cũng ngày càng được chú trọng
Thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của Đề án, nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế hiện nay, khi cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các bộ, ngành, chính quyền các cấp đã chỉ đạo cơ quan thông tin, truyền thông phối hợp với các đơn vị có liên quan mở và duy trì định kỳ các chuyên mục để phát trên các báo, đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương và trang thông tin điện tử của các đơn vị, địa phương. Nhiều trang thông tin điện tử được thiết kế riêng các mục, chuyên trang riêng để thuận tiện cho việc tìm hiểu, khai thác thông tin và tra cứu văn bản quy phạm pháp luật như: chuyên mục văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, điều hành, cảnh báo về phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm, các thế lực thù địch, chống diễn biến hòa bình; mục "Bạn đọc hỏi, cơ quan Công an trả lời",... Đồng thời, các đơn vị truyền thông trong Công an nhân dân đã tập trung sản xuất các chương trình truyền hình như: "Vì an ninh Tổ quốc", "Thông tin pháp luật", "Pháp luật với cuộc sống", "Trả lời bạn nghe đài", "Trả lời bạn xem truyền hình", "Giải đáp - phổ biến pháp luật", "Câu chuyện cảnh giác", "Giao thông giờ cao điểm", "Pháp luật và cuộc sống", "Người tốt, việc tốt", "Ống kính Cảnh sát", "Giải đáp pháp luật", "Bạn hỏi Công an trả lời"... phản ánh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, thông tin thời sự, vấn đề dư luận xã hội quan tâm, phản bác lại các luận điệu sai trái, âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch nhằm kích động, lôi kéo quần chúng gây mất ổn định an ninh, trật tự.
Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, tạo điều kiện cho đối tượng của Đề án dễ dàng tiếp cận thông tin, đồng thời giảm thời gian, công sức, chi phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mà vẫn đạt hiệu quả tốt. Trong đó, nhiều địa phương đã biên tập, đăng tải tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật lên các trang/cổng thông tin điện tử; đa số địa phương đã triển khai mô hình sử dụng Zalo làm kênh thông tin để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ("Kết nối Zalo - Vì bình yên cuộc sống", "Zalo - Kết nối bình yên", "Zalo tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội", "Zalo an ninh, trật tự,...) đến 100% Công an xã, phường, thị trấn. Đặc biệt, với hơn
1,5 triệu lượt truy cập/1 ngày, ứng dụng VNeID đang trở thành một kênh phổ biến, giáo dục pháp luật mang lại hiệu quả vượt bậc và tiện ích “
Thông báo, phổ biến chính sách, pháp luật mới cho công dân” là một trong những tiện ích có người dùng cao.
Với những kết quả đạt được, vừa qua, tại Lễ hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công an đã tặng 55 Bằng khen cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tham mưu tổ chức Đề án.
Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với các đối tượng của Đề án tiếp tục được triển khai thực hiện có chiều sâu, trọng tâm, thiết thực, hiệu quả, góp phần phòng ngừa tội phạm, tái phạm tội và các hành vi vi phạm pháp luật khác, hỗ trợ các đối tượng thuộc phạm vi của Đề án tái hòa nhập cộng đồng hiệu quả, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng nhóm đối tượng, lựa chọn nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng thời điểm, địa bàn, gắn với nhu cầu tìm hiểu pháp luật, quyền và nghĩa vụ thiết thực của đối tượng, tránh chung chung, dàn trải, nhằm thu hút sự quan tâm của đối tượng với các hình thức đa dạng, phong phú.
Hai là, tận
dụng ưu thế của công nghệ thông tin, kỹ thuật số để nâng cao kiến thức pháp luật cho chủ thể, đối tượng của Đề án thông qua hình thức hỏi đáp, tư vấn pháp luật với chuyên gia, xây dựng và phát hành phim, phóng sự, tiểu phẩm có lồng ghép nội dung cần tuyên truyền, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến, gương người tốt, việc tốt,… được cập nhật, phổ biến trên các ứng dụng, mạng xã hội, trang/cổng thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Ba là, tiếp tục duy trì, nhân rộng những mô hình đã mang lại hiệu quả thiết thực; nghiên cứu, xây dựng những mô hình mới để tập trung giải quyết những vướng mắc, bất cập về phổ biến, giáo dục pháp luật tại từng địa bàn cơ sở.
Bốn là, gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng của Đề án với công tác chuyên môn của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đặc biệt là các mặt công tác thường xuyên tiếp xúc với quần chúng Nhân dân; công tác quản lý, giáo dục, cải tạo đối tượng, công tác hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và gia đình để thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhóm đối tượng đặc thù ở cộng đồng./.