1. Một số thành tựu trong công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024
a) Thực hiện Quyết định số 242/QĐ-BTP ngày 29/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch công tác truyền thông về hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp năm 2024, Cục PBGDPL đã chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện các Chương trình/hoạt động truyền thông năm 2024 của Cục nhằm tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông cụ thể như: Kế hoạch truyền thông theo các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ phân công; tham mưu, trình Lãnh đạo Bộ ban hành các kế hoạch thực hiện truyền thông dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về công tác xây dựng pháp luật. Bên cạnh đó, để tăng cường sự phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, Cục PBGDPL đã ký kết chương trình phối hợp với Cục Báo chí và Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông).
b) Truyền thông về các nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của Cục. Bên cạnh việc truyền thông trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL Quốc gia, Cục PBGDPL phối hợp với các cơ quan báo chí thực hiện truyền thông trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Đại biểu nhân dân Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Luật Việt Nam và Diễn đàn pháp lý, Thông tấn xã Việt nam (Tạp chí Vietnam Law), Báo Công lý, Tạp chí Điện tử Đồng hành Việt, Báo Vietnamnet, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tạp chí Dân chủ và pháp luật,…. về một số nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của Cục như: thực trạng, kết quả triển khai công tác PBGDPL, tiếp cận pháp luật, hòa giải ở cơ sở của trung ương, địa phương, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, các mô hình PBGDPL hiệu quả; thí điểm đổi mới hoạt động đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL; truyền thông về dự thảo chính sách, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật pháp luật; các lĩnh vực pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nhằm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; phổ biến các quyền con người; Tổ hòa giải, gương hòa giải viên tiêu biểu, điển hình, pháp luật về chống tra tấn;… Các nội dung trên được triển khai truyền thông bằng nhiều hình thức đa dạng như: Toạ đàm, phóng sự, tin, bài, ảnh, bản tin, trailer tuyên truyền...
Đồng thời, Cục đẩy mạnh truyền thông giới thiệu về Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024 bằng nhiều hình thức đa dạng như: Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng trailer về Diễn đàn, xây dựng các phóng sự về nội dung của Diễn đàn, xây dựng các tin bài trên các báo uy tín như Vietnamnet, Báo Pháp luật Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ,…
c) Tổ chức các hoạt động truyền thông dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành. Thực hiện kế hoạch truyền thông dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành, Cục PBGDPL đã phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức thực hiện hoạt động chỉ đạo điểm truyền thông dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và các văn bản hướng dẫn thi hành với nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Cục đã phối hợp với các cơ quan báo chí chủ lực như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện các chương trình truyền thông về dự án luật này như: Xây dựng và phát sóng 01 toạ đàm truyền thông về các chính sách lớn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) phát sóng trong chương trình “Vấn đề hôm nay” trên kênh VTV1; xây dựng và phát sóng 02 bản tin truyền thông dự án Luật Thủ đô, dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật phát sóng trên kênh VOV1; Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội xây dựng các trailer tuyên truyền, toạ đàm, phóng sự về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành; mở chuyên mục “Tìm hiểu Luật thủ đô (sửa đổi)”. Cục xây dựng các tin, bài viết truyền thông về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật trên Cổng Thông tin điện tử PBGDPL quốc gia, trên các trang Zalo (OA) và fanpage Cục PBGDPL.
Bên cạnh đó, Cục phối hợp với Cục Báo chí, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông) thường xuyên theo dõi, đôn đốc, định hướng để nâng cao hiệu quả truyền thông dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) và dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
d) Thực hiện truyền thông về nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về công tác xây dựng pháp luật. Thực hiện Kế hoạch truyền thông ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư trong công tác xây dựng pháp luật, Cục PBGDPL đã tham mưu Hội đồng phối hợp PBGDPL trung ương ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các thành viên Hội đồng và Hội đồng phối hợp PBGDPL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt, phổ biến, truyền thông bằng hình thức phù hợp. Đồng thời, Cục phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức truyền thông bằng hình thức, phong phú phù hợp thông qua hoạt động trực quan, lồng ghép trong khẩu hiệu thực hiện Ngày Pháp luật Việt Nam; tổ chức thiết kế pano, băng rôn, áp phích truyền thông về các khẩu hiệu này để bộ, ngành, địa phương tham khảo sử dụng; phối hợp với Văn phòng Bộ tổ chức in ấn, treo pano, băng rôn, áp phích truyền thông về nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư tại trụ sở cơ quan Bộ Tư pháp và trụ sở các đơn vị thuộc Bộ nằm ngoài cơ quan Bộ trong tuần lễ cao điểm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024.
Ngày 05/11/2024, Cục tổ chức Tọa đàm “Báo chí và Ngày Pháp luật Việt Nam” nhằm mục đích lan tỏa thông điệp về thượng tôn Hiến pháp, pháp luật và nội dung ý kiến chủ đạo của đồng chí Tổng Bí thư. Cục PBGDPL phối hợp với Cục Viễn thông, Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề nghị các doanh nghiệp viễn thông gửi tin nhắn điện thoại hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2024 với khẩu hiệu “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tạo động lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Đồng thời, Cục lồng ghép truyền thông nội dung ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư thông qua thực hiện truyền thông về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt thông qua tổ chức về Diễn đàn “Kinh doanh và Pháp luật” năm 2024. Bên cạnh đó, Cục phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam xây dựng các trailer quảng bá về nội dung, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư gắn với hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
đ) Truyền thông qua việc thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 -2027”. Triển khai Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” Cục PBGDPL đã thực hiện tốt việc truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản QPPL, một số dự thảo văn bản có nội dung chính sách quan trọng đã được truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, định hướng, dẫn dắt dự thảo chính sách, giải quyết kịp thời những vấn đề cấp bách được đông đảo người dân, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội, đồng thời, nâng cao chất lượng, tính khả thi của văn bản cụ thể như xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt nam,… thực hiện các bản tin, chương trình chuyên đề về truyền thông về các chính sách lớn của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện các bản tin, trailer, phóng sự về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), dự thảo các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô, phối hợp với Báo Pháp luật Việt Nam sản xuất 01 chương trình tọa đàm/talkshow với chủ đề “Luật Thủ đô (sửa đổi)”; phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ, Báo Điện tử VTV News… xây dựng các tọa đàm giao lưu, các tin, bài viết truyền thông về một số dự thảo VBQPPL như Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản; đề nghị xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi); Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi); Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật Ban hành VBQPPL đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 154/2020/NĐ-CP….
2. Tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
Các đơn vị thuộc Bộ chưa chú trọng, quan tâm đến công tác truyền thông chính sách, nên mới chỉ có một số đơn vị thuộc Bộ ban hành Kế hoạch truyền thông nội dung văn bản quy phạm do đơn vị chủ trì tham mưu soạn thảo chưa chủ động phối hợp các cơ quan báo chí để thực hiện truyền thông, cung cấp tài liệu nguồn phục vụ truyền thông và bố trí nguồn lực thực hiện nhiệm vụ này. Việc phối hợp với các đơn vị thực hiện hoạt động truyền thông còn thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời. Chưa có công chức chuyên môn làm công tác truyền thông và phụ trách công tác truyền thông. Định mức kinh phí triển khai công tác truyền thông thấp làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác truyền thông của đơn vị.
3. Gợi mở một số phương hướng thực hiện công tác truyền thông năm 2025
- Tiếp tục triển khai có hiệu lực, hiệu quả Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/03/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/03/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác truyền thông chính sách.
- Tăng cường mối quan hệ phối hợp với các đơn vị để xây dựng Kế hoạch truyền thông bảo đảm sát và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị được giao.
- Chú trọng nâng cao chất lượng tổ chức truyền thông triển khai các lĩnh vực công tác của đơn vị về phổ biến, giáo dục pháp luật; hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận cơ sở, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với chủ trương hướng về cơ sở.
- Tăng cường, thực hiện bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ của bộ, công chức tham gia công tác truyền thông của đơn vị.
- Tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động truyền thông bằng các hình thức phù hợp, hiệu quả, sinh động, trong đó quan tâm thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội.
- Thực hiện đưa vào vận hành chính thức Cổng Thông tin điện tử phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia, đưa Cổng trở thành trung tâm cung cấp, kết nối và chia sẻ thông tin pháp luật một cách chính thống cho cơ quan quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp./.
Trần Văn Duy
Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật