Liên kết website

Bộ Tư pháp tổng kết 05 năm thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân” giai đoạn 2012 – 2016

16/03/2017

Cả 03 mục tiêu cụ thể được xác định trong Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016” đã cơ bản được hoàn thành. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức được quán triệt, học tập nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng đạt tỷ lệ cao, nhiều địa phương vượt mục tiêu đề ra. Đây là số liệu được nêu tại Báo cáo số 75/BC-ĐA4061 ngày 14/3/2017 về tổng kết thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân” giai đoạn 2012 – 2016.

100% báo cáo viên pháp luật cấp Trung ương, cấp tỉnh và trên 95% cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành được quán triệt, học tập, nâng cao nhận thức về pháp luật phòng, chống tham nhũng, nội dung Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng thông qua các Hội nghị tập huấn do Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp và các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức hàng năm. Đến hết năm 2016, những nội dung của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã được các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức phổ biến rộng rãi như: Hiến pháp năm 2013, Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành; Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013; Luật tiếp công dân năm 2013; Luật khiếu nại năm 2013; Luật tố cáo năm 2013; Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; các hành vi bị nghiêm cấm hoặc không được làm trong phòng, chống tham nhũng; quy định của Bộ luật hình sự liên quan đến các tội phạm về tham nhũng; quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực pháp luật về phòng, chống tham nhũng; cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp, cải cách bộ máy...
Nhiều tài liệu pháp luật về phòng, chống tham nhũng được Bộ tư pháp phát hành (10 số Đặc san tuyên truyền pháp luật; 60 tờ gấp pháp luật; sách hỏi đáp, sổ tay, chuyên đề; câu chuyện pháp luật, tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Các tài liệu trên đều được đăng tải trên Trang thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (http://pbgdpl.moj.gov.vn) để các bộ, ngành, địa phương khai thác, sử dụng làm tài liệu phổ biến và phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu của cán bộ, công chức, nhân dân trên cả nước. Nhiều địa phương cũng đã chủ động tổ chức biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân trên địa bàn dưới dạng sách, tờ gấp, đĩa DVD tiểu phẩm pháp luật; cập nhật các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Để xây dựng mô hình điểm về phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng, Bộ Tư pháp đã hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương xây dựng mô hình điểm về phổ biến pháp luật phòng, chống tham nhũng. Kết quả chỉ đạo điểm cho thấy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã quan tâm hơn đến công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng. Các hình thức PBGDPL về phòng, chống tham nhũng khá phong phú, đa dạng, thu hút sự tham gia của cán bộ, công chức, viên chức và người dân. Ý thức tự giác của người dân (tại những địa bàn làm điểm) trong tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng được nâng lên. Ngoài những địa phương được Ban Điều hành Đề án Trung ương chỉ đạo điểm, một số địa phương đã chủ động triển khai làm điểm như Sóc Trăng, Bình Định, Hà Nội, Bình Dương, Hà Tĩnh… Để nhân rộng hiệu quả của mô hình điểm, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1932/BTP-PBGDPL ngày 08/6/2015 hướng dẫn nhân rộng mô hình điểm trên cả nước.
Điểm nhấn và tạo hiệu ứng tích cực của Đề án là việc tổ chức Cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng” và Cuộc thi “Gương sáng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên báo chí”. Cả hai cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tham gia thi từ địa phương, nhiều tác phẩm có tác dụng tốt trong tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật phòng, chống tham nhũng. Có những tác phẩm dự thi thể hiện trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội trong việc phát hiện, tố giác, lên án và đề xuất cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi, vụ việc tham nhũng, mặc dù, có những vụ việc, người tố giác đã gặp không ít khó khăn, thậm chí bị trù dập, đe dọa. Khá nhiều tác phẩm có nội dung đặc sắc, có tính thời sự, phản ánh những vụ việc tham nhũng về các lĩnh vực thường xảy ra trong xã hội và có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng. Cuộc thi còn tạo sự lan tỏa trong cộng đồng về trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tham nhũng của mỗi đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân; góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, đẩy lùi nạn tham nhũng.
Phát huy vai trò tuyền thông rộng rãi của các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Tư pháp đã phối hợp chặt chẽ với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Pháp luật Việt Nam, Báo Pháp luật Xã hội xây dựng các chương trình, chuyên mục phổ biến pháp luật về phòng, chống tham với nội dung phong phú, phản ánh tình hình thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng, góp phần định hướng dư luận xã hội, nêu cao tinh thần đấu tranh phòng, chống tham nhũng. UBND cấp tỉnh chỉ đạo, tổ chức thực hiện tuyên truyền pháp luật và việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên báo chí địa phương (Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo địa phương), Trang thông tin điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử trực thuộc và hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở.
Ngoài ra, để triển khai có hiệu quả Đề án, nhiều địa phương đã thực hiện nhiều hình thức phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với các phong trào, cuộc vận động như: Tổ chức phổ biến, pháp luật về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với xây dựng mô hình “Điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư” của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức cho cán bộ chủ chốt và công chức, viên chức làm việc trong lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao ký cam kết không vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tổ chức phiên tòa giả định; tổ chức phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong Ngày quốc tế phòng, chống tham nhũng.
Có thể khẳng định, qua 05 năm thực hiện (2012-2016), cấp ủy, chính quyền ở nhiều địa phương đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện cho công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng và việc thực hiện Đề án. Đề án đã mang lại tác động tích cực, là biện pháp phòng ngừa tham nhũng có hiệu quả và đạt được những kết quả cụ thể, nhận thức, hiểu biết của xã hội về vị trí, vai trò của công tác phòng, chống tham nhũng, tác hại của tham nhũng và pháp luật phòng, chống tham nhũng được nâng cao hơn trước. Cùng với các hoạt động phòng, chống tham nhũng khác, công tác PBGDPL về phòng, chống tham nhũng đã góp phần tích cực củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, tạo sự đồng thuận trong xã hội về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, nhất là sự tham gia tích cực của Nhân dân và sự vào cuộc của các cơ quan báo chí, truyền thông.
Các tin đã đưa ngày: