Liên kết website

Cần cơ chế thực sự động viên cho người làm hòa giải

08/03/2018

Hòa giải nói chung, hòa giải ở cơ sở nói riêng là phương thức giải quyết tranh chấp, xung đột xã hội có từ lâu đời, mang ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc, được nhiều quốc gia thừa nhận, khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, còn nhiều hạn chế, bất cấp cần được khắc phục để người làm hòa giải thêm yêu công việc “vác tù và hàng tổng”. Đây là một trong các mục tiêu hướng đến của Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2015 vừa được Bộ Tư pháp tổ chức thảo luận.

100% cấp xã chưa chi đúng, đủ thù lao hòa giải
Chia sẻ một trong những khó khăn của công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược cho biết: Triển khai Thông tư 100/2014 quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở, chi thù lao cho hòa giải viên theo vụ, việc cũng chỉ được tối đa 200 nghìn đồng/vụ hòa giải thành. Tại tỉnh, đã có ý kiến muốn “hạ” mức hỗ trợ trên nhưng rất may Lãnh đạo tỉnh quan tâm ủng hộ. Tuy nhiên, bà Thược trải lòng, có đi cơ sở mới thấy hết những vất vả của những người làm hòa giải, có những thôn, xóm đi cả ngày đường mới tới nơi nên mức hỗ trợ này quả là không thấm tháp gì, chưa kể những vụ, việc không hòa giải thành lại không được hỗ trợ trong khi hòa giải viên đi lại 10-15 lần. Còn liên quan đến kinh phí quản lý nhà nước về công tác hòa giải, bà Thược phản ánh khó khăn nhất là kinh phí tập huấn cho các hòa giải viên, đây là kinh phí cần thiết bởi trình độ của hòa giải viên hiện rất hạn chế.
Thấu hiểu vướng mắc về kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một nguyên nhân dẫn đến bất cập của công tác này là việc đầu tư kinh phí hỗ trợ cho hòa giải tại các địa phương không đồng đều, thiếu thống nhất, thiếu một cơ chế đầu tư tổng thể, toàn diện từ Trung ương đến địa phương. Báo cáo sơ kết 3 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, 63/63 tỉnh, thành chưa bảo đảm 100% cấp xã thực hiện chi đúng, đủ thù lao vụ, việc hòa giải cho hòa giải viên.
Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Đỗ Xuân Lân phân tích thêm, Luật Ngân sách Nhà nước quy định hoạt động ở cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm, theo đó việc hỗ trợ cho tổ hòa giải do chính quyền xã bảo đảm. Thông tư 100 quy định lập dự toán để hỗ trợ cho tổ hòa giải. Quy định là vậy nhưng thực tế hầu như không có mặc dù đã đề xuất, trong khi ngân sách Trung ương thường chỉ bảo đảm được kinh phí thường xuyên, không cấp cho các hoạt động đặc thù trong công tác hòa giải.
Lưu ý thời điểm đề xuất kinh phí
Tháo gỡ bất cập liên quan đến kinh phí và một số khó khăn khác trong công tác hòa giải, Bộ Tư pháp đang chủ trì xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2015 và vừa tổ chức cuộc họp về Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2018 – 2015. Riêng vấn đề kinh phí, Dự thảo Quyết định đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 100% xã, phường, thị trấn đều bảo đảm cơ sở, vật chất cho hoạt động hòa giải của các tổ hòa giải; thực hiện chi thù lao cho các vụ việc hòa giải đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương.
Chỉ ra thực tế số các địa phương tự cân đối ngân sách không nhiều, bà Thược dẫn chứng luôn từ tỉnh nhà là tuy được quan tâm song trong công tác hòa giải mới đảm bảo được các khoản chi thường xuyên, còn chi hỗ trợ là chưa nhiều. Sở Tư pháp Tuyên Quang cũng thường xuyên đề nghị đại biểu HĐND khi thực hiện chức năng giám sát thì cũng giám sát cả về kinh phí hòa giải. Đối với Dự thảo Đề án, bà Thược mong muốn nội dung của Dự thảo cần bổ sung nhiều hơn những cơ chế, chính sách để thực sự động viên, khuyến khích cho người làm công tác hòa giải. “Hiện chúng ta mới động viên, hỗ trợ thù lao hòa giải viên trong các vụ, việc hòa giải thành, tới đây cần động viên, hỗ trợ trong những vụ, việc hòa giải thành và không thành, mức hỗ trợ với vụ, việc hòa giải thành có thể cao hơn” là gợi ý của bà Thược.
Là một trong những địa phương quan tâm và đạt nhiều thành công trong công tác hòa giải ở cơ sở, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết cần lưu ý thời điểm đề xuất kinh phí cho công tác hòa giải để làm sớm cho năm tài chính và các cơ quan tư pháp phải phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan để “chốt” được kinh phí. Bà Hương cũng góp ý hoàn thiện một số nội dung Dự thảo Quyết định, trong đó đề nghị mở rộng hơn các địa phương chỉ đạo điểm và trong quá trình chỉ đạo điểm nên theo trình tự Trung ương chỉ đạo tỉnh, tỉnh chỉ đạo huyện, huyện chỉ đạo xã, xã chỉ đạo thôn, bản làm điểm; đồng thời trong chỉ đạo điểm nên cân nhắc thí điểm một số mô hình hiệu quả như mô hình “5 tốt” của Hà Nội.
H.Thư
Các tin đã đưa ngày: