Thông tư được áp dụng đối với các cơ sở đào tạo, bao gồm: đại học, học viện, trường đại học (gồm các trường đại học thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng).
Theo đó, để tổ chức đào tạo qua mạng, cơ sở đào tạo phải đảm bảo triển khai các yêu cầu sau: có Cổng thông tin điện tử đào tạo qua mạng; Hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet; Hệ thống quản lý học tập; Hệ thống quản lý nội dung học tập; Kho học liệu số; Đội ngũ cán bộ quản trị kỹ thuật hệ thống công nghệ thông tin, đội ngũ cán bộ thiết kế học liệu, đội ngũ nhà giáo có thể tự xây dựng bài giảng e-Learning, đội ngũ cán bộ cố vấn học tập; Quy chế ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng.
Cổng thông tin điện tử đào tạo qua mạng phải tích hợp các hệ thống, chức năng sau: Hệ thống quản lý học tập (Cho phép người học truy cập vào các nội dung học tập qua mạng như đã đăng ký và có thể tự học tập, tự đánh giá, nắm bắt được tiến trình, kết quả học tập của bản thân; Cho phép cơ sở đào tạo quản lý điểm, tiến trình học tập của người học và các hoạt động của giảng viên, cố vấn học tập trên môi trường mạng; Cung cấp diễn đàn trao đổi và các công cụ hỗ trợ khác để người học có thể trao đổi với giảng viên và các phòng ban của cơ sở đào tạo các vấn đề liên quan đến học qua mạng); Kho học liệu số (gồm: giáo trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, bảng dữ liệu được số hóa, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm ảo,… phục vụ nhu cầu học tập, nghiên cứu của người học); Diễn đàn trao đổi và các công cụ hỗ trợ khác để trao đổi về học tập, giải đáp thắc mắc của người học có sự tham gia của giảng viên, trợ giảng; Cung cấp thông tin liên quan đến đào tạo qua mạng (gồm: Văn bản, quy chế, quy định liên quan đến đào tạo qua mạng; Chương trình đào tạo, chương trình môn học, kế hoạch đào tạo qua mạng; Thời khoá biểu và hướng dẫn cách học tập, kiểm tra, đánh giá đối với từng nội dung đào tạo qua mạng; Đường dẫn truy cập tới các nội dung học tập liên quan; Hệ thống tài khoản đăng nhập và thư điện tử cấp tới từng người học để trao đổi thông tin liên quan đến toàn bộ quá trình đào tạo qua mạng)
Trong đó, hệ thống máy chủ và hạ tầng kết nối mạng Internet phải có đủ băng thông, năng lực đáp ứng nhu cầu truy cập của người dùng, không để xảy ra hiện tượng nghẽn mạng hay quá tải. Cơ sở đào tạo có thể lựa chọn hình thức đầu tư hoặc thuê dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin trên cơ sở đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và hiệu quả đầu tư.
Về học liệu điện tử, Thông tư quy định phải có nội dung bám sát mục tiêu đào tạo, có tính sư phạm cao, dễ dùng, đáp ứng được nhu cầu tự học của người học; học liệu phục vụ học phần đào tạo qua mạng phải được chuẩn bị đầy đủ trước khi tổ chức khóa học. Phương thức cung cấp học liệu điện tử đến người học có thể trực tuyến qua mạng Internet, qua mạng nội bộ và đĩa CD, DVD, thẻ nhớ USB để người học có thể chủ động không cần kết nối mạng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 09/6/2016.