Nghị định chỉ rõ, Thành phố được vay vốn đầu tư trong nước thông qua các hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác theo quy định của pháp luật; vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại. Mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 40% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp và nằm trong mức bội chi ngân sách nhà nước hàng năm được Quốc hội quyết định; Chính phủ ưu tiên hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách trung ương cho ngân sách Thành phố để tham gia thực hiện các dự án theo hình thức hợp tác công - tư (dự án PPP) mang tính chất liên vùng trên địa bàn thành phố; Ưu tiên bố trí đủ vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách Thành phố để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và các dự án mang tính chất khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đồng thời, Chính phủ ưu tiên huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức cho Đà Nẵng để thực hiện những dự án đầu tư hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố; ưu tiên bố trí vốn vay ưu đãi theo phương thức cho địa phương vay lại để thực hiện các dự án PPP trên địa bàn.
Đáng chú ý, Đà Nẵng được thực hiện cơ chế hỗ trợ một phần lãi suất cho các tổ chức, cá nhân khi vay vốn để đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng, có khả năng thu hồi vốn trong phạm vi và khả năng của ngân sách Thành phố; Được bán nhà ở xã hội đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo hình thức thu tiền một lần để tái đầu tư xây dựng nhà ở xã hội khác trên địa bàn…
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2017; bãi bỏ Quyết định số 13/2006/QĐ-TTg ngày 16/01/2006.