- Đối tượng thực hiện đánh giá môi trường chiến lược gồm các Dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch 05 năm trở lên, được chia thành 02 nhóm: Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược dưới hình thức lồng ghép trong báo cáo chiến lược quy hoạch, kế hoạch (gồm các Dự án chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước; chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cấp quốc gia; Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông quy mô liên tỉnh) và Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược dưới hình thức báo cáo riêng (gồm các Dự án quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của vùng, hành lang kinh tế, vành đai kinh tế; Dự án quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; quy hoạch sử dụng đất, bảo vệ và phát triển rừng, khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên phạm vi liên tỉnh, liên vùng…).
Đánh giá môi trường chiến lược phải được thực hiện đồng thời với quá trình lập chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược chi tiết tối đa là 45 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm 146 nhóm dự án thuộc 19 lĩnh vực như: Xây dựng; sản xuất vật liệu xây dựng; giao thông; năng lượng, phóng xạ; điện tử, viễn thông; thủy lợi, sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp; thăm dò, khai thác và chế biến khoáng sản; dầu khí; xử lý chất thải; cơ khí, luyện kim; chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ; chế biến thực phẩm, nông sản, thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; sản xuất phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; hóa chất, dược phẩm, mỹ phẩm; văn phòng phẩm; may mặc… Chủ đầu tư các dự án này có trách nhiệm lập hoặc thuê tổ chức có đủ điều kiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án đầu tư của mình.
Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lập lại trong các trường hợp: Thay đổi địa điểm thực hiện dự án; không triển khai thực hiện dự án trong thời gian 36 tháng; thay đổi quy mô, công suất hoặc công nghệ làm gia tăng mức độ tác động xấu đến môi trường hoặc phạm vi chịu sự tác động do những thay đổi này gây ra.
Việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được tiến hành đồng thời với quá trình lập dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi). Hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường gồm: Văn bản đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; Báo cáo đánh giá tác động môi trường; Dự án đầu tư (báo cáo nghiên cứu khả thi).
Thời hạn thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường tối đa là 45 ngày làm việc đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và không quá 30 ngày làm việc đối với các dự án không thuộc thẩm quyền thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thời hạn phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường tối đa là 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Đối tượng phải lập, đăng ký cam kết bảo vệ môi trường là các dự án đầu tư có tính chất, quy mô, công suất không thuộc danh mục hoặc dưới mức quy định phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường; các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thuộc đối tượng phải lập dự án đầu tư nhưng có phát sinh chất thải sản xuất.
Việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy trình sau: Chủ dự án, chủ cơ sở gửi hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đến cơ quan có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho chủ dự án, chủ cơ sở biết việc chấp nhận hồ sơ hay không chấp nhận hồ sơ. Trường hợp không chấp nhận phải nêu rõ lý do.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 6 năm 2011 và thay thế các quy định tại các điều từ Điều 6 đến Điều 17 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006; các khoản từ Khoản 3 đến Khoản 10 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008.