Liên kết website

Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 6 năm 2021

15/07/2021

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2021.

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 06 năm 2021, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật như sau:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ;
2. Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng;
3. Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam;
4. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
5. Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc;
6. Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú;
7. Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);
8. Nghị định số 64/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức;
9. Nghị định số 65/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 20/2021/QĐ-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai;
2. Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT.
1. Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành (ngày 04 tháng 06 năm 2021).
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bổ sung quy định về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ tại Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ), đảm bảo phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 02 Điều, cụ thể: (1) Bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; (2) Tổ chức thực hiện và hiệu lực thi hành.
2. Nghị định số 58/2021/NĐ-CP ngày 10 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.
Bãi bỏ Điều 4 Nghị định số 16/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng; Nghị định số 57/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 7 Nghị định số 10/2010/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về hoạt động thông tin tín dụng hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
 b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 16/2019/NĐ-CP, Nghị định số 10/2010/NĐ-CP và Nghị định số 57/2016/NĐ-CP của Chính phủ.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 05 Chương và 29 Điều quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Điều kiện, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại, thay đổi nội dung và thu hồi giấy chứng nhận; (3) Hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; (4) Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân; (5) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Công ty thông tin tín dụng; (2) Tổ chức tham gia; (3) Khách hàng vay; (4) Tổ chức và cá nhân khác liên quan.
Ban hành kèm theo Nghị định 10 Phụ lục, Biểu mẫu, cụ thể: (1) Nội dung văn bản thỏa thuận cung cấp thông tin tín dụng cho công ty thông tin tín dụng; (2) Nội dung văn bản thỏa thuận về việc công ty thông tin tín dụng cung cấp sản phẩm thông tin tín dụng; (3) Mẫu báo cáo tình hình hoạt động; (4) Mẫu báo cáo sự cố tin học/thay đổi thông tin; (5) Mẫu đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; (6) Mẫu bản kê danh sách người quản lý doanh nghiệp, thành viên ban kiểm soát và lý lịch tóm tắt; (7) Mẫu phương án kinh doanh; (8) Mẫu cam kết cung cấp thông tin tín dụng cho công ty thông tin tín dụng; (9) Mẫu giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; (10) Mẫu đơn đề nghị cấp lại/thay đổi nội dung giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng; (11) Mẫu quyết định về việc thay đổi nội dung tại giấy chứng nhận; (12) Mẫu quyết định về việc thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cung ứng dịch vụ thông tin tín dụng.
3. Nghị định số 59/2021/NĐ-CP ngày 18 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 06 tháng 8 năm 2021.
Sau khi thành lập và hoạt động theo Luật Chứng khoán năm 2019, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam thực hiện quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động theo quy định tại Nghị định này; đồng thời bãi bỏ các Điều 9, 10, 11, 12, khoản 3 Điều 13 và bãi bỏ cụm từ “Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam”, “Sở Giao dịch chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam” tại các Điều 1, 2, 13, 15, 16, 17 của Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 122/2017/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động đối với doanh nghiệp kinh doanh xổ số; Sở Giao dịch Chứng khoán và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2021).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 Chương và 12 Điều quy định một số nội dung đặc thù về cơ chế quản lý tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Một số quy định đặc thù về tài chính đối với Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; (3) Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; (4) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; (2) Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; (3) Bộ Tài chính là cơ quan đại diện chủ sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam; (4) Tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến cơ chế quản lý tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam.
4. Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15 tháng 8 năm 2021.
Các quy định tại các văn bản sau hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: a) Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập; b) Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập; c) Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác; d) Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
 b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, trọng tâm là cơ chế tự chủ tài chính; đảm bảo tính thống nhất đồng bộ với các văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư, tài chính và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của việc đổi mới cơ chế quản lý và đẩy mạnh xã hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.
c) Nội dung cụ thể: Nghị định gồm 05 Chương và 41 Điều quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 2); (3) Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3); (4) Tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị nhóm 4); (5) Tự chủ về giao dịch tài chính và liên doanh, liên kết; (6) Tự chủ về tài chính của đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế - dân số; (7) Tự chủ về tài chính của cơ sở giáo dục, đào tạo; giáo dục nghề nghiệp; (8) Lập, chấp hành dự toán và quyết toán thu, chi; (9) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Đơn vị sự nghiệp công lập do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, cung cấp dịch vụ sự nghiệp công hoặc phục vụ quản lý nhà nước (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công); (2) Đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam; đơn vị sự nghiệp công thuộc đơn vị sự nghiệp công thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan; (3) Đơn vị sự nghiệp công thuộc tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được áp dụng quy định tại Nghị định này và các quy định của Đảng và của pháp luật khác có liên quan; (4) Đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo Hiệp định và cam kết giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ các nước hoặc tổ chức quốc tế thực hiện cơ chế tài chính theo cam kết, Điều ước quốc tế hoặc Quyết định đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ban hành kèm theo Nghị định 02 Phụ lục, Biểu mẫu: (1) Quy định khung danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; (2) Mẫu phương án tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công.
5. Nghị định số 61/2021/NĐ-CP ngày 25 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại khoản 4 Điều 9, khoản 4 Điều 10, khoản 4 Điều 12 và khoản 4 Điều 13 Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 05 Chương và 12 Điều quy định chi tiết một số điều Nghị quyết số 130/2020/QH14 của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại phái bộ; (3) Màu sắc, dấu hiệu nhận biết trang bị, phương tiện của lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; (4) Quy trình Bộ Quốc phòng, Bộ Công an báo cáo Chính phủ về cử, điều chỉnh, rút lực lượng; (5) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, chiến sĩ và đơn vị thuộc Bộ Công an được cử tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
6. Nghị định số 62/2021/NĐ-CP ngày 29 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021 và thay thế Nghị định số 31/2014/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2014 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao về quy định chi tiết một số điều của Luật Cư trú năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2021).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 04 Chương và 16 Điều quy định chi tiết một số điều Luật Cư trú, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Nơi cư trú, đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú (Nơi cư trú của người sinh sống, người làm nghề lưu động trên tàu, thuyền hoặc phương tiện khác có khả năng di chuyển; Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú; Các loại giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp, giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân; Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký thường trú; Hồ sơ, thủ tục xóa đăng ký tạm trú…); (3) Cơ sở dữ liệu về cư trú (Xây dựng, quản lý, sử dụng Cơ sở dữ liệu về cư trú, thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu từ Cơ sở dữ liệu về cư trú cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân…); (4) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và công dân Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ban hành kèm theo Nghị định 01 Phụ lục về Biểu mẫu Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện.
7. Nghị định số 63/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại khoản 5, khoản 7 và khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2021).
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 Chương và 15 Điều quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Quản lý, tuyên truyền, tư vấn, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV và dự phòng lây nhiễm HIV trong cơ sở quản lý; (3) Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV; (4) Nguồn ngân sách nhà nước và phương thức chi trả đối với chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai không có thẻ bảo hiểm y tế và phần chi phí xét nghiệm HIV quỹ bảo hiểm y tế không chi trả đối với phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế; (5) Điều khoản thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định 02 Phụ lục: (1) Tổng hợp kinh phí thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; (2) Tổng hợp kinh phí thực hiện xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
8. Nghị định số 64/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ về ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định này được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại khoản 3 Điều 20 và khoản 2 Điều 23 của Luật Thỏa thuận quốc tế năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021) về quy định chi tiết việc ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ; cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới; cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 Chương và 19 Điều về những nội dung chủ yếu như sau: (1) Những quy định chung; (2) Nội dung, trình tự, thủ tục ký kết thoả thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc; (3) Sửa đổi, bổ sung, gia hạn, chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế; (4) Quản lý hoạt động ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh đơn vị trực thuộc; (5) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp Cục); Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp Sở); Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện); Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn ở khu vực biên giới theo quy định của pháp luật về khu vực biên giới (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã biên giới); Cơ quan cấp tỉnh của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là cơ quan cấp tỉnh của tổ chức); (2) Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; (3) Các đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này không bao gồm các cơ quan, đơn vị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
 9. Nghị định số 65/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 06 năm 2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Nghị định số 74/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Nghị định số 74/2016/NĐ-CP.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm có 03 Chương và 08 Điều về quản lý và sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế, cụ thể: (1) Những quy định chung; (2) Nội dung chi cho công tác điều ước quốc tế và công tác thỏa thuận quốc tế; (3) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình ký kết và thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế theo quy định tại Luật Điều ước quốc tế và Luật Thỏa thuận quốc tế.
10. Quyết định số 20/2021/QĐ-TTg ngày 03 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 20 tháng 7 năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ được giao tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2021).
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm có 08 Điều về những nội dung chủ yếu như sau: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Đối tượng áp dụng; (3) Danh mục vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; (4) Nguồn hình thành vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; (5) Quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai; (6) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức; (7) Hiệu lực thi hành; (8) Trách nhiệm thi hành.
Ban hành kèm theo Quyết định Phụ lục Danh mục vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.
11. Quyết định số 21/2021/QĐ-TTg ngày 21 tháng 06 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực từ ngày 08 tháng 8 năm 2021 và thay thế Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (sau đây gọi là Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg) và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg ngày 20 tháng 9 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg (sau đây gọi là Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg).
Chậm nhất ba tháng kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp đã được thành lập theo Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg phải được kiện toàn theo Quyết định này.
Căn cứ vào yêu cầu chỉ đạo, phối hợp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thành lập hoặc tiếp tục duy trì hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của bộ, cơ quan mình.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tiếp tục kiện toàn thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 42/2017/QĐ-TTg.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 10 Điều quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, cụ thể: (1) Thành phần của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (2)  Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (3) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (4) Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phó Chủ tịch Thường trực và Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (5) Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Phó Chủ tịch Thường trực và Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (6) Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Tổ Thư ký; (7) Chế độ làm việc và thông tin, báo cáo của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; (8) Kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Tổ Thư ký; (9) Hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp; (10) Trách nhiệm thi hành.
Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 06 năm 2021, Bộ Tư pháp xin thông báo./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tư pháp 
Các tin đã đưa ngày: