Doanh nghiệp được lấy từ nguồn thu nhập sau thuế TNDN; từ nguồn quỹ phúc lợi, khen thưởng để hỗ trợ cho người lao động và thân nhân người lao động mắc bệnh hiểm nghèo gồm: Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; Doanh nghiệp được thành lập theo qui định của pháp luật nước ngoài (gọi là doanh nghiệp nước ngoài) có cơ sở thường trú hoặc không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; Tổ chức được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã; Đơn vị sự nghiệp công lập, ngoài công lập sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ; Tổ chức có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Đối tượng được hưởng khoản hỗ trợ của doanh nghiệp là người bị mắc bệnh hiểm nghèo bao gồm: Người lao động làm việc tại doanh nghiệp; Thân nhân người lao động: Bố, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp.
Mức hỗ trợ có thể là một phần hoặc toàn bộ số tiền khám chữa bệnh cho người lao động và thân nhân người lao động nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá số tiền trả viện phí của người lao động và thân nhân người lao động sau khi đã trừ số tiền chi trả của cơ quan bảo hiểm y tế.
Doanh nghiệp chi tiền hỗ trợ có trách nhiệm: lưu giữ bản sao chứng từ trả tiền viện phí có xác nhận của doanh nghiệp (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả phần còn lại sau khi tổ chức bảo hiểm y tế trả trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh) hoặc bản sao chứng từ trả viện phí; bản sao chứng từ chi bảo hiểm y tế có xác nhận của doanh nghiệp (trong trường hợp người lao động và thân nhân người lao động trả toàn bộ viện phí, cơ quan bảo hiểm y tế trả tiền bảo hiểm y tế cho người lao động và thân nhân người lao động) cùng với chứng từ chi tiền hỗ trợ cho người lao động và thân nhân người lao động mắc bệnh hiểm nghèo.
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày 08/6/2011.