Liên kết website

Nghị định số 60/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa

31/08/2011

Ngày 20 tháng 7 năm 2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2011/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Theo đó, hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là những hành vi của tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa một cách cố ý hoặc vô ý mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính, bao gồm: vi phạm quy định về quản lý và bảo vệ công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; vi phạm quy định về phương tiện thủy nội địa; vi phạm quy định về thuyền viên, người lái phương tiện; vi phạm quy định về quy tắc giao thông và tín hiệu của phương tiện; vi phạm quy định về hoạt động của cảng, bến thủy nội địa và vận tải đường thủy nội địa.

Nghị định quy định cụ thể hình thức và mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm như: đổ rác hoặc rơm rạ xuống đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa; buộc súc vật vào báo hiệu đường thủy nội địa, mốc thủy chí, mốc đo đạc hoặc mốc giới hạn phạm vi hành lang bảo vệ luồng thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng;

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với các hành vi: làm sạt lở kè, đập giao thông; tháo dỡ cấu kiện hoặc lấy đất, đá của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa; khai thác cát, sỏi hoặc khoáng sản khác trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng không đúng quy định theo giấy phép hoặc chấp thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền; đổ bùn, đất, đá, cát, sỏi hoặc các chất phế thải khác không đúng quy định xuống luồng hoặc trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng….

Mức xử phạt cao nhất là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: cố ý tạo vật chướng ngại trên luồng; sử dụng chất nổ làm ảnh hưởng đến an toàn của công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa hoặc công trình khác trên đường thủy nội địa.

Nghị định cũng quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (Chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền xử phạt đến 2 triệu đồng, Chủ tịch UBND cấp huyện có thẩm quyền xử phạt đến 30 triệu đồng và chủ tịch UBND cấp tỉnh có thẩm quyền xử phạt đến 40 triệu đồng); thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Công an nhân dân (công an nhân dân đang thi hành nhiệm vụ có thẩm quyền phạt tiền đến 200.000 đồng; trưởng công an xã có thẩm quyền phạt tiền đến 2 triệu đồng; trưởng công an huyện có thẩm quyền phạt đến 10 triệu đồng; …); thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra giao thông đường thủy nội địa; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Bộ đội biên phòng; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Cảnh sát biển.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa là một năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 9 năm 2011 và thay thế Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005; bãi bỏ Điều 1 Nghị định số 156/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2007 và Nghị định số 44/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ.

Những vi phạm được phát hiện trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa xử phạt hoặc chưa thi hành quyết định xử phạt, thì vẫn áp dụng quy định của Nghị định số 09/2005/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2005 để xử phạt.

Các tin đã đưa ngày: