Theo Thông tư, tổ chức tín dụng không được chuyển đổi vốn huy động bằng vàng trước đây thành đồng Việt Nam và các hình thức bằng tiền khác, trừ trường hợp ngân hàng thương mại đáp ứng đủ các điều kiện quy định thì được Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép chuyển đổi lượng vàng huy động, giữ hộ tồn quỹ (gọi là vàng tồn quỹ) và mở tài khoản vàng ở nước ngoài để bảo hiểm rủi ro biến động giá vàng.
Ngân hàng thương mại chỉ được xem xét cho phép chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và mở tài khoản vàng ở nước ngoài khi đáp ứng đủ 04 điều kiện:
- Có kinh nghiệm hoạt động từ 05 năm trở lên trong hoạt động kinh doanh vàng, huy động và cho vay bằng vàng;
- Có hệ thống kiểm soát nội bộ hiệu quả; có quy định về quản lý rủi ro trong lĩnh vực kinh doanh vàng;
- Có địa bàn hoạt động chính tại các thành phố trực thuộc Trung ương;
- Không vi phạm các quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Ngân hàng thương mại được chuyển đổi tối đa 40% lượng vàng tồn quỹ thành tiền tại thời điểm nộp hồ sơ xin chuyển đổi và phải thực hiện mua vàng vật chất tại thị trường trong nước để bù đắp lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi thành tiền theo văn bản cho phép chuyển đổi của Ngân hàng Nhà nước; được phép mở tối đa 02 tài khoản vàng nước ngoài và phải đăng ký tài khoản với Ngân hàng Nhà nước; chỉ được mua vàng trên tài khoản ở nước ngoài khi đã chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền với khối lượng không vượt quá lượng vàng tồn quỹ đã chuyển đổi ở trong nước.
Căn cứ vào tình hình thị trường vàng và mức chênh lệc giữa giá vàng trong nước và quốc tế, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu ngân hàng thương mại ngừng chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền và thực hiện đóng tài khoản vàng ở nước ngoài. Ngân hàng thương mại phải ngừng chuyển đổi vàng tồn quỹ thành tiền ngay sau khi có thông báo của Ngân hàng Nhà nước và đóng tài khoản vàng ở nước ngoài trong vòng 02 ngày làm việc từ khi có thông báo của Ngân hàng Nhà nước.
Các sửa đổi, bổ sung này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/10/2011.