Liên kết website

Thông tư số 169/2011/TT-BTC ngày 24/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 và Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2011

28/12/2011

Ngày 24/11/2011 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 169/2011/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 04/11/2004 và Nghị định số 39/2011/NĐ-CP ngày 26/5/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

Theo đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung các hình thức và mức xử phạt tiền đối với các hành vi vi phạm quy định về chứng từ, sổ sách, tài khoản, kiểm tra kế toán; báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán, công khai báo cáo tài chính, bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; kiểm kê tài sản; tổ chức bộ máy, bố trí người làm hoặc thuê làm kế toán, hành nghề kế toán; áp dụng chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán, các hành vi liên quan đến việc tổ chức khoa học bồi dưỡng kế toán trưởng, tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề, trốn, lậu thuế.

Ngoài ra, Thông tư sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt cảnh cáo sẽ được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có nhiều tình tiết giảm nhẹ; trường hợp này, người có thẩm quyền xử phạt không lập Biên bản vi phạm mà ra quyết định xử phạt tại chỗ.

Đối với thủ tục tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên, Thông tư quy định: Khi hành vi vi phạm của cá nhân phải áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề kế toán hoặc Chứng chỉ kiểm toán viên thì phải thi hành trong quyết định xử phạt. Khi hết hạn tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề ghi trong quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao lại Chứng chỉ hành nghề cho cá nhân bị tước quyền sử dụng Chứng chỉ hành nghề đó.

Việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán được quy định như sau: Cá nhân, tổ chức bị xử phạt phải chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày được giao quyết định xử phạt, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Sau khi ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt phải giao quyết định cho người bị xử phạt hoặc thông báo cho họ đến nhận.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá thời hạn quy định mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt thì bị cưỡng chế thi hành bằng biện pháp trừ vào tiền lương, thu nhập hoặc khấu trừ tiền từ tài khoản của cá nhân, tổ chức tại ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc tổ chức tài chính khác. Cá nhân bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng trở lên có thể được hoãn chấp hành quyết định xử phạt trong trường hợp đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị được cơ quan, tổ chức xác nhận.

Trường hợp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng sau đó phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải hủy bỏ quyết định đó và trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày hủy quyết định xử phạt, phải chuyển hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2012, thay thế Thông tư số 120/2004/TT-BTC ngày 15/12/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 185/2004/NĐ-CP ngày 4/11/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán.

Các tin đã đưa ngày: