Theo đó, sau khi tạm giữ hàng hóa vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt phải tiến hành định giá làm căn cứ cho việc xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính theo quy định.
Giá trị hàng hóa vi phạm phát hiện được và các tài liệu, căn cứ xác định giá trị hàng hóa vi phạm phải được ghi rõ trong biên bản vi phạm hành chính và lưu giữ trong hồ sơ vụ việc.
Nghị định số 109/2011/NĐ-CP cũng có quy định cụ thể về trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm thì việc phạt tiền được thực hiện theo quy định tại một số điều đã được sửa đổi, bổ sung.
Cụ thể, trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm đối với hành vi phân phối dưới hình thức bán tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả thì bị phạt tiền từ 10-90 triệu đồng.
Trường hợp không xác định được giá trị hàng hóa vi phạm đối với một trong các hành vi: Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà không được phép của chủ sở hữu quyền hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền liên quan; phân phối đến công chúng bản gốc hoặc bản sao cuộc biểu diễn mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền hoặc tổ chức đại diện quyền liên quan;... thì phạt tiền từ 20 - 80 triệu đồng.
Nghị định số 109/2011/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ 20/01/2012.