Theo quy định của Thông tư thì các cơ sở sản xuất thuốc thú y phải đạt tiêu chuẩn GMP. Lộ trình triển khai áp dụng GMP được quy định cụ thể về thời gian như sau: Đối với dây chuyền sản xuất các loại thuốc tiêm hoặc thuốc uống dạng dung dịch: đến ngày 31/12/2010, nếu không có chứng chỉ GMP, các sản phẩm đã sản xuất chỉ được lưu hành đến 31/12/2012; Đối với dây chuyền sản xuất các loại thuốc bột cho uống hoặc trộn thức ăn: đến ngày 31/12/2012 nếu không có chứng chỉ GMP, các sản phẩm đã sản xuất chỉ được lưu hành đến 31/12/2013; Đối với dây chuyền sản xuất thuốc bột pha tiêm: đến ngày 31/12/2012 nếu không có chứng chỉ GMP, các sản phẩm đã sản xuất chỉ được lưu hành đến 31/12/2014; Đối với dây chuyền sản xuất vắc xin: đến ngày 31/12/2014 nếu không có chứng chỉ GMP, các sản phẩm đã sản xuất chỉ được lưu hành đến 31/12/2015.
Thẩm quyền kiểm tra và cấp giấy chứng nhận sẽ do Cục Thú y chịu trách nhiệm tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đăng ký kiểm tra GMP, thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP cho cơ sở sau khi kiểm tra đạt yêu cầu.
Cơ sở sản xuất thuốc thú y triển khai áp dụng GMP tiến hành sản xuất ít nhất 03 lô sản phẩm trên mỗi dây chuyền đăng ký kiểm tra; để tự kiểm tra, đánh giá theo nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP, chuẩn bị 03 hồ sơ đăng ký kiểm tra “Thực hành tốt sản xuất thuốc” về Cục Thú y, hồ sơ bao gồm: Đơn đăng ký kiểm tra GMP ; Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép thành lập doanh nghiệp; Sơ đồ tổ chức và nhân sự của cơ sở: Sơ đồ tổ chức phải thể hiện rõ tên, chức danh, trình độ chuyên môn kỹ thuật của các cán bộ phụ trách các bộ phận; quá trình công tác và kinh nghiệm trong lĩnh vực được phân công của các cán bộ phụ trách các bộ phận sản xuất, kiểm tra chất lượng, đảm bảo chất lượng, kho, cơ điện; Sơ đồ vị trí và thiết kế của nhà máy (xưởng sản xuất, phòng kiểm nghiệm, kho); Chương trình, tài liệu đào tạo, đánh giá kết quả đào tạo GMP tại cơ sở; Danh mục thiết bị hiện có của nhà máy; Danh mục các SOP; Danh mục các mặt hàng đang sản xuất hoặc dự kiến sản xuất; Giấy xác nhận, hoặc biên bản nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền nơi đặt cơ sở sản xuất; Báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan quản lý nhà nước về môi trường phê duyệt; Biên bản tự thanh tra GMP.
Hồ sơ đăng ký kiểm tra GMP phải có trang bìa và mục lục, được sắp xếp theo đúng trình tự của mục lục, có phân cách giữa các phần.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đăng ký, Cục Thú y thẩm định hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ không đạt yêu cầu; Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cục trưởng Cục Thú y ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra GMP, đồng thời thông báo lịch kiểm tra cho cơ sở và tiến hành kiểm tra; Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc kiểm tra, Cục Thú y cấp giấy chứng nhận GMP cho cơ sở đạt yêu cầu hoặc trả lời bằng văn bản nếu cơ sở không đạt yêu cầu.
Giấy chứng nhận GMP có giá trị 02 năm kể từ ngày cấp.
Cơ sở được cấp giấy chứng nhận GMP có trách nhiệm duy trì điều kiện sản xuất của nhà máy theo đúng nguyên tắc, tiêu chuẩn GMP trong suốt thời gian hiệu lực của giấy chứng nhận GMP. Nếu không sẽ bị thu hồi nếu nằm trong các trường hợp sau: Kết quả kiểm tra đột xuất phát hiện cơ sở có vi phạm nguyên tắc GMP, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng sản phẩm thuốc; Cơ sở từ chối kiểm tra khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu từ 02 (hai lần) trở lên; Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận GMP được làm thành 02 (hai) bản: 01 (một) bản gửi cơ sở bị thu hồi và 01 (một) lưu tại cơ quan kiểm tra.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 28/03/2012.