- Người khuyết tật đặc biệt nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận không còn khả năng tự phục vụ hoặc suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Người khuyết tật nặng khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt nếu có người, phương tiện trợ giúp một phần hoặc suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 81%;
- Người khuyết tật nhẹ khi được Hội đồng giám định y khoa kết luận có khả năng tự phục vụ sinh hoạt hoặc suy giảm khả năng lao động dưới 61%.
Người khuyết tật tự tạo việc làm, hộ gia đình tạo việc làm cho người khuyết tật được vay vốn với lãi suất ưu đãi để sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng chính sách xã hội; được hướng dẫn về sản xuất kinh doanh, hỗ trợ chuyển giao công nghệ sản xuất, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên được hỗ trợ kinh phí cải tạo điều kiện, môi trường làm việc phù hợp cho người khuyết tật theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh từ Ngân hàng Chính sách xã hội; được ưu tiên cho thuê đất, mặt bằng, mặt nước theo quy định của pháp luật; được miễn tiền thuê đất, mặt bằng, mặt nước phục vụ sản xuất kinh doanh đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng từ 70% lao động là người khuyết tật trở lên.
Người khuyết tật đặc biệt nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí và du lịch tại bảo tàng, di tích văn hóa – lịch sử, thư viện, triển lãm, nhà hát, rạp chiếu phim, các cơ sở thể thao khi diễn ra các hoạt động thể dục, thể thao trong nước. Người khuyết tật nặng được giảm tối thiểu 50% giá vé, giá dịch đối vụ khi trực tiếp sử dụng dịch vụ văn hóa, thể thao, giải trí tại các cơ sở này.
Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng được miễn giá vé, giá dịch vụ khi tham gia giao thông bằng xe buýt và được giảm tối thiểu 15% giá vé, giá dịch vụ đối với máy bay, giảm tối thiểu 25% giá vé, giá dịch vụ đối với tàu hỏa, tàu điện tàu thủy, xe ô tô vận tải khách khi tham gia giao thông trên các tuyến vận tải nội địa.
Để được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc thì người đề nghị trợ cấp hoặc hỗ trợ kinh phí chăm sóc làm hồ sơ theo quy định gửi Ủy ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng xét duyệt trợ xấp xã hội xã phải tổ chức họp xét duyệt hồ sơ và niêm yết công khai kết luận tại trụ sở UBND xã và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian 07 ngày. Hết thời gian này mà không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội trình Chủ tịch UBND xã để gửi Phòng Lao động – Thương binh Xã hội để xem xét, giải quyết. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Phòng Lao động – Thương binh Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/6/2012. Nghị định này thay thế Nghị định số 55/1999/NĐ-CP ngày 10/7/1999 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh về người tàn tật, những quy định có liên quan đến người tàn tật và người tâm thần quy định tại Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.