Luật giáo dục đại học đã được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 18/6/2012.
Luật giáo dục đại học quy định về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục đại học, giảng viên, người học, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học và quản lý nhà nước về giáo dục đại học.
Theo Luật giáo dục dại học, cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: Trường cao đẳng; Trường đại học, học viện; Đại học vùng, đại học quốc gia; Viện nghiên cứu khoa học được phép đào tạo tiến sĩ.
Cơ sở giáo dục đại học Việt Nam được tổ chức theo 02 loại hình: Cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc sở hữu nhà nước và cơ sở giáo dục đại học tư thục thuộc sở hữu của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế tư nhân hoặc cá nhân. Cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài gồm cơ sở giáo dục đại học có 100% vốn của nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở giáo dục đại học liên doanh giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước.
Ngôn ngữ chính thức dùng trong cơ sở giáo dục đại học là Tiếng Việt.
Cơ sở giáo dục đại học được thành lập hoặc cho phép thành lập khi có đủ các điều kiện: có dự án thành lập phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học đã được phê duyệt; có chấp thuận bằng văn bản của UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở chính; có xác nhận về khả năng tài chính đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục đại học (đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài còn phải có Giấy chứng nhận đầu tư của cơ quan có thẩm quyền). Sau 04 năm kể từ ngày quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không được cho phép hoạt động đào tạo thì quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập hết hiệu lực.
Cơ sở giáo dục đại học được phép hoạt động đào tạo khi có đủ điều kiện: có quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập; có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên; có chương trình đào tạo và giáo trình; có đủ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; có đủ nguồn lực tài chính; có quy chế tổ chức và hoạt động.
Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định phương thức tuyển sinh phù hợp với quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Giảng viên trong cơ sở giáo dục đại học là người có nhân thân rõ ràng, có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe theo yêu cầu nghề nghiệp, đạt trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của Luật giáo dục. Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên.
Người học tại cơ sở giáo dục đại học không được làm 04 nhóm hành vi sau: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học; Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; Tham gia tệ nạn xã hôi, gây rối an ninh trật tự và các hành vi vi phạm pháp luật khác; Tổ chức hoặc tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật.
Luật giáo dục đại học có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013.