Quy chế này quy định về việc phối hợp trong hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng; trách nhiệm phối hợp tìm kiếm, cứu nạn của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm Cứu nạn, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân. Quy chế này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài liên quan đến hoạt động tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn trong lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và trong vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý.
Quy chế quy định tàu bay lâm nguy, lâm nạn tại cảng hàng không, sân bay và khu vực lân cận của cảng hàng không, sân bay: Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cảng hàng không chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tại địa bàn thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn. Tàu bay lâm nguy, lâm nạn trên biển: Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp tìm kiếm, cứu nạn theo quy định tại Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển ban hành kèm theo Quyết định số 103/2007/QĐ-TTg ngày 12 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên biển). Tàu bay lâm nguy, lâm nạn ngoài các khu vực nêu trên thì Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không lưu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương liên quan tìm kiếm, xác định vị trí tàu bay lâm nạn; sau khi xác định được vị trí tàu bay lâm nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi tàu bay lâm nạn có trách nhiệm chủ trì cứu nạn tàu bay; trong trường hợp tàu bay lâm nạn tại khu vực ráp gianh giữa hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Hàng không Việt Nam báo cáo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn xem xét, chỉ định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trì cứu nạn. Bộ Quốc phòng chủ trì tổ chức tìm kiếm, cứu nạn tàu bay dân dụng trong khu vực quân sự.
Thủ tướng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nếu phát hiện tàu bay dân dụng lâm nguy, lâm nạn hoặc nhận được thông tin tàu bay đang lâm nguy lâm nạn và có lý do tin rằng tàu bay đang trong tình trạng khẩn nguy phải thông báo ngay cho cơ sở dịch vụ tìm kiếm cứu nạn hàng không, hàng hải; trạm báo động hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.
Cũng theo Quy chế này, các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, cơ sở cung cấp dịch vụ tìm kiếm cứu nạn, Trung tâm nhận, xử lý và phân phối dữ liệu khẩn nguy thuộc Cục Hàng hải Việt Nam (Vietnam Mission Control Center) có trách nhiệm trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin cứu nạn bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh và thông báo cho các cơ quan, tổ chức tìm kiếm, cứu nạn về các tình huống khẩn cấp của tàu bay. Các cơ quan có trách nhiệm về tìm kiếm, cứu nạn tổ chức trực 24/24 giờ để tiếp nhận và xử lý thông tin, chuẩn bị phương án và tiến hành tìm kiếm, cứu nạn.
Quy chế cũng quy định cụ thể việc phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng. Đồng thời, quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong việc tìm kiếm, cứu nạn hàng không dân dụng (Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương).
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2012.