Nạn nhân bị mua bán là người bị coi như một loại hàng hóa để trao đổi bằng tiền hoặc lợi ích vật chất khác; bị chuyển giao hoặc tiếp nhận để ép buộc bán dâm, cưỡng bức lao động, lấy các bộ phận cơ thể một cách bất hợp pháp, ép buộc đi ăn xin, ép buộc đẻ con trái ý muốn của họ, ép buộc làm vợ hoặc chồng, ép buộc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác…
Theo đó, khi có căn cứ cho rằng nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ bị xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, UBND xã, phường, thị trấn; bộ đội Biên phòng; Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân… có trách nhiệm áp dụng một hoặc nhiều biện pháp bảo vệ khác nhau nhằm bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ. Cụ thể, giữ bí mật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ của người được bảo vệ; giữ bí mật các thông tin về đời tư và các thông tin khác có liên quan đến người được bảo vệ; bố trí nơi ở, nơi làm việc, học tập mới cho người được bảo vệ; áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và tài sản của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật…
Nạn nhân và người thân thích có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, tài sản bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại; đồng thời có quyền từ chối các biện pháp bảo vệ mà cơ quan có thẩm quyền áp dụng.
Kinh phí thực hiện việc bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ do ngân sách Nhà nước bảo đảm trong dự toán chi thường xuyên hàng năm được giao của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2012.