Theo đó, đối tượng áp dụng là hộ đồng bàn dân tộc thiểu số (kể cả các hộ có vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) sống ở các xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, có đủ 2 tiêu chí là có mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng từ 50% trở xuống so với chuẩn nghèo theo quy định hiện hành; có phương án sản xuất nhưng thiếu hoặc không có vốn sản xuất.
Chính sách quy định rõ điều kiện được vay vốn là:
- Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg có nơi cư trú hợp pháp, có trong danh sách do UBND cấp xã lập và được UBND cấp huyện phê duyệt;
- Có phương án hoặc nhu cầu sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh được chính quyền cùng các tổ chức chính trị - xã hội của thôn, bản hỗ trợ gia đình lập hoặc xác nhận;
- Phải sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, không được sử dụng khoản vốn vay để gửi lại vào các Ngân hàng khác.
Về hình thức và mức vay vốn: có thể vay một hoặc nhiều lần, tổng mức vay không quá 8 triệu đồng/hộ, không phải dùng tài sản để bảo đảm tiền vay và được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính trong việc vay vốn.
Thời hạn cho vay căn cứ vào chu kỳ sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ của hộ vay vốn nhưng tối đa không quá 5 năm.
Trường hợp đến hạn trả nợ, nhưng hộ vay vốn vẫn thuộc diện đặc biệt khó khăn và có nhu cầu tiếp tục sử dụng vốn được xem xét kéo dài thời gian trả nợ nhưng tối đa không quá 5 năm; nếu hộ vay đã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn nhưng chưa thoát nghèo theo Chuẩn nghèo và hộ gặp khó khăn tài chính tạm thời chưa có nguồn trả nợ thì có thể được xem xét kéo dài thời gian trả nợ, nhưng tối đa không quá 2,5 năm; nếu hộ vay đã thoát nghèo theo chuẩn nghèo thì phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ (trường hợp hộ cho vay không thực hiện nghĩa vụ trả nợ thì áp dụng lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay).
Lãi suất cho vay bằng 0,1%/tháng tương ứng 1,2%/năm.
Về nguồn vốn thực hiện: Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách Trung ương cấp vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện việc cho vay; đối với các địa phương tự cân đối được ngân sách thì kinh phí thực hiện được tính vào ngân sách địa phương, hàng năm, UBND các cấp bố trí khoản kinh phí này trong dự toán ngân sách địa phương, trình HĐND phê duyệt và chuyển cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện.
UBND cấp xã có trách nhiệm phổ biến rộng rãi các văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện việc cho vay vốn đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, lập danh sách đối tượng thụ hưởng theo Quyết định này, phân công tổ chức, cá nhân trực tiếp giúp đỡ, hướng dẫn hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn cách sử dụng vốn vay có hiệu quả, xóa đói giảm nghèo…
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2013 và thay thế các Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 và Quyết định số 126/2008/QĐ-TTg ngày 15/9/2008 về việc cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.