Theo Chương trình môn Triết học khối không chuyên ngành Triết học trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ, thời lượng môn học là 3 tín chỉ, trong đó nghe giảng: 70% và thảo luận: 30%. Môn học được bố trí giảng dạy - học tập trong giai đoạn đầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Môn học có 4 chuyên đề: Chương 1 gồm các nội dung về đặc trưng của triết học phương Tây, triết học phương Đông (trong đó có tư tưởng triết học Việt Nam, ở mức giản lược nhất) và triết học Mác; Chương 2 gồm các nội dung nâng cao về triết học Mác-Lênin trong giai đoạn hiện nay và vai trò thế giới quan, phương pháp luận của nó; Chương 3 đi sâu hơn vào quan hệ tương hỗ giữa triết học với các khoa học, làm ra vai trò thế giới quan và phương pháp luận của triết học đối với sự phát triển khoa học và đối với việc nhận thức, giảng dạy và nghiên cứu các đối tượng thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và công nghệ và Chương 4 phân tích những vấn đề về vai trò của các khoa học đối với đời sống xã hội.
Đối với Chương trình môn Triết học khối không chuyên ngành Triết học trình độ đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các ngành khoa học xã hội và nhân văn, thời lượng môn học là 4 tín chỉ, trong đó nghe giảng: 70% và thảo luận: 30%. Môn học được bố trí giảng dạy - học tập trong giai đoạn đầu của chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Chương trình môn Triết học có 8 chương: Chương 1: Khái luận về triết học, Chương 2: Bản thể luận, Chương 3: Phép biện chứng, Chương 4: Nhận thức luận, Chương 5: Học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, Chương 6: Triết học chính trị, Chương 7: Hình thức xã hội và Chương 8: Triết học về con người.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22 tháng 4 năm 2013 và thay thế Quyết định số 33/2004/QĐ-BGDĐT ngày 28/9/2004 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành chương trình môn Triết học dùng cho học viên cao học và nghiên cứu sinh không thuộc chuyên ngành Triết học.