Theo đó, Thông tư áp dụng đối với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh thanh tra bộ, Cơ quan ngang Bộ, Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở Tổng cục, Cục thuộc bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng.
Về công tác báo cáo: Kể từ ngày 10/8/2013, các cơ quan chỉ phải làm báo cáo định kỳ về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng theo quý, 6 tháng, 9 tháng, hàng năm và các loại báo cáo chuyên đề, báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ thay vì phải báo cáo tháng như hiện nay (theo Quyết định số 822/QĐ-TTCP ngày 25/04/2007).
Thông tư này cũng chỉ rõ, việc báo cáo phải đầy đủ, chính xác, khách quan, kịp thời, theo đúng mẫu quy định; Người ký báo cáo phải đảm bảo theo đúng thẩm quyền, phù hợp với từng loại báo cáo và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan báo cáo; Báo cáo phải được lập thành văn bản, có chữ ký của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, đóng dấu theo quy định và gửi kèm file điện tử. .Trường hợp Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ủy quyền cho Thủ trưởng cơ quan thanh tra ký báo cáo thì phải ký thừa ủy quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp, đóng dấu cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng được gửi tới nơi nhận báo cáo bằng một trong các phương thức sau: Gửi bằng đường bưu điện; Gửi trực tiếp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/08/2013 và thay thế Quyết định số 822/QĐ-TTCP.