Liên kết website

Thông tư số 92/2013/TT-BTC ngày 08/7/2013 của Bộ Tài chính quy định về chế độ quản lý tài chính Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài

23/08/2013

Ngày 08/7/2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 92/2013/TT-BTC quy định về chế độ quản lý tài chính Quỹ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi là Quỹ bảo hộ công dân).

 

Thông tư này quy định việc quản lý tài chính của Quỹ Bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài (gọi tắt là Quỹ Bảo hộ công dân) do Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 119/2007/QĐ-TTg ngày 25/7/2007. Công dân Việt Nam thường trú ở nước ngoài đã đóng bảo hiểm ở nước ngoài không thuộc phạm vi áp dụng của Thông tư này.

Quỹ bảo hộ công dân hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Quỹ chi không hoàn lại trong trường hợp chi các hoạt động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam của Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; trợ giúp những trường hợp công dân đặc biệt khó khăn khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục với các khoản chi phí như: phương tiện vận chuyển tại nước sở tại, lương thực, thực phẩm, nơi ở tạm thời và nhu yếu phẩm cần thiết khác theo chứng từ chi thực tế trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả. Đối với những trường hợp công dân bị mắc bệnh hiểm nghèo (tâm thần, liệt, ung thư giai đoạn cuối), bị tử vong, bị tai nạn nghiêm trọng nguy cơ đến tính mạng, khi tự họ và gia đình họ không có khả năng tài chính để khắc phục; hoặc các trường hợp gặp rủi ro nghiêm trọng cần bảo hộ (chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố), ngoài các chi phí nêu trên nếu cần Quỹ bảo hộ công dân trợ giúp thêm chi phí phương tiện về nước và các chi phí khác có liên quan. Quý cũng chi không hoàn lại các khoản chi phí đưa phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của tội phạm buôn bán người từ nước ngoài trở về nước.

Ngoài ra, Thông tư này cũng chỉ rõ, Quỹ bảo hộ công dân sẽ chi hoàn lại đối với các khoản tiền mua vé phương tiện về nước, chi trả các khoản viện phí bệnh viện, chi phí cư trú tạm thời và các chi phí khác trong trường hợp đương sự có đặt cọc, hoặc bảo lãnh của gia đình, thân nhân, công ty phái cử lao động và các xác nhận của UBND cấp xã nơi gia đình, thân nhân, tổ chức trong nước có hộ khẩu thường trú, cư trú hoặc nơi đóng trụ sở làm việc... về việc hoàn trả các khoản tiền này. Trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp, nếu đương sự không có đặt cọc hoặc bảo lãnh của gia đình, tổ chức trong nước, hoặc của công ty phát cử lao động, chủ tàu thì chính đương sự phải có cam kết hoàn trả các chi phí tạm ứng cho Quỹ.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2013, thay thế Thông tư số 177/2010/TT-BTC ngày 05/11/2010.

Các tin đã đưa ngày: