Theo đó, tổ chức giám định tư pháp công lập thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định, yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật giám định tư pháp và thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức. Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, cơ quan ngang Bộ khác quy định cụ thể việc thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng và chế độ làm việc của tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc ngành mình.
Các tổ chức giám định tư pháp công lập có chức năng, nhiệm vụ: Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật giám định tư pháp; nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y; định kỳ hàng năm báo cáo cơ quan Tư pháp cùng cấp và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y. Ngoài ra, Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế, Viện pháp y tâm thần Trung ương, Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công an có nhiệm vụ: xây dựng quy chuẩn giám định pháp y trình Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành; xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp y; hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ pháp y đối với các tổ chức giám định pháp y trong toàn quốc theo quy định của Bộ Y tế, Bộ Công an; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y.
Văn phòng giám định tư pháp có quyền: Thuê giám định viên tư pháp và nhân viên làm việc cho Văn phòng; thu chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật; thực hiện dịch vụ giám định ngoài tố tụng theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức; được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật về thuế. Văn phòng giám định tư pháp có nghĩa vụ: Niêm yết công khai chi phí giám định tư pháp; báo cáo Sở Tư pháp và cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo định kỳ hàng năm…
Nghị định cũng quy định thủ tục xin phép thành lập, đăng ký hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, chuyển đổi loại hình hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp từ doanh nghiệp tư nhân sang công ty hợp danh và ngược lại; các trường hợp thu hồi Giấy đăng ký hoạt động, chấm dứt hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp.
Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp quy định tại Điều 37 của Luật giám định tư pháp được áp dụng đối với: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện giám định tư pháp; người giúp việc cho người giám định tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước (trợ lý, kỹ thuật viên, y công, cán bộ kỹ thuật hình sự tham gia khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi, Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi). Đồng thời, giám định viên tư pháp hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm, công việc giám định tư pháp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/9/2013. Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/NĐ-CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh giám định tư pháp thì không bổ nhiệm lại. Trong thời hạn 02 năm, kể từ ngày Luật giám định tư pháp có hiệu lực thi hành, Trung tâm pháp y tâm thần khu vực phải được thành lập. Tổ chức giám định pháp y tâm thần ở địa phương tiếp tục hoạt động đến khi Trung tâm pháp y tâm thần khu vực được thành lập và đi vào hoạt động.