Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.">
Liên kết website

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã

23/10/2013

Ngày 24/9/2013 Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

 

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh đối với hành vi vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, giám định tư pháp, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại; chứng thực; hộ tịch; quốc tịch; lý lịch tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; hợp tác quốc tế về pháp luật; trợ giúp pháp lý; đăng ký giao dịch bảo đảm; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ngoài các biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại Điều 28 của Luật xử lý vi phạm hành chính, Nghị định này quy định thêm các biện pháp khắc phục hậu quả gồm: Hủy bỏ kết quả bán đấu giá tài sản; hủy bỏ giấy tờ giả; buộc thu hồi các khoản đã thanh toán hoặc bù trừ không đúng quy định của pháp luật; buộc thu hồi tài sản đã bị tẩu tán, chuyển nhượng không đúng quy định của pháp luật.

Mức phạt trong một số trường hợp được quy định cụ thể như sau:

Phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với luật sư hành nghề với tư cách cá nhân không đăng ký hành nghề tại cơ quan có thẩm quyền; luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam khi giấy phép hành nghề đã hết hạn; cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam để hành nghề luật sư. Người sử dụng chứng chỉ hành nghề luật sư, giấy đăng ký hành nghề luật sư hoặc giấy phép hành nghề luật sư tại Việt Nam của người khác để hành nghề luật sư thì bị phạt tiền đến 20 triệu đồng. Người mạo danh luật sư để hành nghề luật sư; sách nhiễu, lừa dối khách hàng; nhận, đòi hỏi bất kỳ một khoản tiền, lợi ích vật chất khác ngoài khoản thù lao và chi phí đã thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ pháp lý thì bị phạt tiền đến 30 triệu đồng. 

Đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả để được công chứng hợp đồng, giao dịch thì bị phạt tiền từ 03 triệu đến 07 triệu đồng; công chứng viên mà công chứng hợp đồng thế chấp bất động sản không đúng quy định của Luật công chứng, công chứng di chúc mà người lập di chúc không tự mình yêu cầu công chứng, công chứng hợp đồng, giao dịch có nội dung vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội thì bị phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Đấu giá viên mà điều hành cuộc bán đấu giá không đúng trình tự; sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá của người khác hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá để điều hành cuộc bán đấu giá  thì bị phạt tiền từ 07 triệu đồng đến 10 triệu đồng. Đấu giá viên  thông đồng, dìm giá trong hoạt động bán đấu giá tài sản thì bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đấu giá 12 tháng; phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản khi không có chức năng bán đấu giá tài sản.

Hành vi sử dụng giấy tờ giả để làm thủ tục yêu cầu chứng thực, giả mạo chữ ký của người thực hiện chứng thực thì bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng; làm giả giấy tờ để làm thủ tục yêu cầu chứng thực, làm giả bản sao có chứng thực…thì bị phạt tiền từ 03 triệu đồng đến 05 triệu đồng.

Người có hành vi đăng ký khai tử cho người đang sống hoặc cố ý không đăng ký khai tử cho người chết để trục lợi thì bị phạt tiền từ 05 triệu đồng đến 10 triệu đồng.

Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật mà truyền đạt sai lệch nội dung pháp luật được phổ biến; lợi dụng danh nghĩa báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật để thực hiện các hoạt động không thuộc nhiệm vụ được giao để trục lợi thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 01 triệu đồng.

Người vi phạm chế độ hôn nhân gia đình, như duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có quyết định của Tòa án nhân dân buộc chấm dứt quan hệ đó hoặc đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác; chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn, chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ… thì bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 03 triệu đồng.

 Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 11/11/2013 và thay thế Nghị định số 60/2009/NĐ-CP ngày 23/7/2009 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp; Nghị định số 87/2001/NĐ-CP ngày 21/11/2001 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; Nghị định số 10/2009/NĐ-CP ngày 06/02/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong quá trình tiến hành thủ tục phá sản.

Các tin đã đưa ngày: