Theo Nghị định, người có thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Điểm đ Khoản 5, Khoản 7 Điều 39 Luật xử lý vi phạm hành chính. Quyết định xử phạt trục xuất phải được gửi cho người bị trục xuất và Bộ Ngoại giao Việt Nam, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người bị trục xuất là công dân hoặc nước mà người đó cư trú cuối cùng trước khi đến Việt Nam trước khi thi hành. Quyết định xử phạt trục xuất phải được thể hiện bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh.
Người bị trục xuất có quyền: Được biết lý do bị trục xuất, nhận quyết định trục xuất chậm nhất 48 giờ trước khi thi hành; được liên hệ với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự của nước mà mình là công dân để được bảo vệ, trợ giúp; được thực hiện các chế độ quy định tại Điều 31 Nghị định này trong thời gian chờ làm thủ tục trục xuất; được mang theo tài sản hợp pháp của mình ra khỏi lãnh thổ Việt Nam; được khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo. Và có các nghĩa vụ: Thực hiện đầy đủ các quy định ghi trong quyết định trục xuất; xuất trình giấy tờ tùy thân theo yêu cầu của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh; tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam , chịu sự quản lý của cơ quan Công an trong thời gian làm thủ tục trục xuất; chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật; hoàn thành các thủ tục cần thiết để rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Người bị trục xuất được hoãn thi hành quyết định xử phạt trục xuất trong trường hợp: Bị bệnh nặng, phải cấp cứu hoặc vì lý do sức khoẻ khác không thể thực hiện được quyết định xử phạt trục xuất có chứng nhận của bệnh viện hoặc trung tâm y tế từ cấp huyện trở lên hoặc các trường hợp bất khả kháng khác; phải thực hiện nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính chỉ được áp dụng khi cần ngăn chặn, đình chỉ ngay các hành vi gây rối trật tự công cộng; gây thương tích cho người khác hoặc người có hành vi vi phạm quy định về cấm tiếp xúc với nạn nhân bị bạo lực gia đình tại Khoản 5 Điều 20 Luật phòng, chống bạo lực gia đình và Khoản 1 Điều 12 Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật phòng, chống bạo lực gia đình.
Thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 122 Luật xử lý vi phạm hành chính là không được quá 12 giờ; trong trường hợp cần thiết, có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 24 giờ; Đối với người vi phạm quy chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm.
Người bị tạm giữ có quyền: Được yêu cầu người ra quyết định tạm giữ thông báo cho gia đình, tổ chức nơi làm việc, học tập biết việc mình bị tạm giữ; được biết lý do tạm giữ, thời hạn tạm giữ và địa điểm bị tạm giữ; khiếu nại về việc tạm giữ; được bảo đảm tiêu chuẩn ăn uống theo quy định (mỗi người một ngày là 0,6 kg gạo tẻ thường, 0,1 kg thịt lợn loại thường, 0,5 kg rau xanh, 01 lít nước uống được đun sôi để nguội, nước mắm, muối); được điều trị, chăm sóc y tế khi bị bệnh theo quy định. Đồng thời, người bị tạm giữ có nghĩa vụ: Chấp hành nghiêm chỉnh quyết định tạm giữ, nội quy, quy định của nơi tạm giữ; khai báo thành khẩn những hành vi vi phạm pháp luật của mình và của những người khác có liên quan; không được đưa vào nơi tạm giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, điện thoại di động, văn hóa phẩm độc hại, rượu bia và các chất gây nghiện khác hoặc các vật dụng có thể ảnh hưởng đến trật tự, an toàn nơi tạm giữ.
Nhà tạm giữ hành chính hoặc buồng tạm giữ hành chính phải có khóa cửa, bảo đảm ánh sáng, thoáng mát, vệ sinh và an toàn về phòng cháy, chữa cháy, thuận tiện cho việc trông coi, bảo vệ. Người bị tạm giữ qua đêm phải được bố trí giường hoặc sàn nằm và phải có chiếu, chăn, màn; chỗ nằm tối thiểu cho mỗi người là 2 m2.
Việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính được tiến hành khi người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền, gồm: người bị tạm giữ theo thủ tục hành chính; đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/11/2013. Thay thế các Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/ 9/2006 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính, Nghị định số 15/2009/NĐ-CP ngày 13/02/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 97/2006/NĐ-CP ngày 15/9/2006 quy định việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính, Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính, Nghị định số 19/2009/NĐ-CP ngày 19/02/2009 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07/9/2004 ban hành Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính.