Nghị định quy định có 02 hình thức xử phạt chính là: Phạt cảnh cáo và phạt tiền và các hình thức xử phạt bổ sung gồm: Tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm hành chính; đình chỉ hoặc huỷ bỏ đợt chào bán chứng khoán ra công chúng và đình chỉ hoạt động; thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận trong lĩnh vực chứng khoán, chứng chỉ hành nghề chứng khoán. Ngoài các hình thức xử phạt chính và xử phạt bổ sung, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Chương II quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức và mức xử phạt, cụ thể là: Hành vi vi phạm quy định về hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng (mục 1), hành vi vi phạm quy định về công ty đại chúng (mục 2), hành vi vi phạm quy định về niêm yết chứng khoán (mục 3), hành vi vi phạm quy định về tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán (mục 4), hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh chứng khoán và chứng chỉ hành nghề chứng khoán (mục 5), hành vi vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán (mục 6), hành vi vi phạm quy định về đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán, ngân hàng giám sát, ngân hàng lưu ký (mục 7), hành vi vi phạm quy định về công bố thông tin và báo cáo (mục 8), hành vi vi phạm quy định về kiểm toán tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán (mục 9) và hành vi vi phạm quy định về thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (mục 10).
Chương III quy định về thẩm quyền và thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, Chánh Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền phạt cảnh cáo; phạt tiền tối đa đến 70.000.000 đồng. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có quyền: Phạt cảnh cáo; phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng. Những người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được ủy quyền cho cấp phó xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền của mình. Việc uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính phải được thực hiện bằng văn bản và phải xác định rõ phạm vi, nội dung và thời hạn uỷ quyền. Cấp phó được uỷ quyền xử phạt vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được uỷ quyền không được uỷ quyền tiếp cho bất kỳ cá nhân nào khác.
Chương IV gồm Điều 51 và Điều 52 quy định về giám sát, kiểm tra trong xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2010 và thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP ngày 08 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.