Trên cơ sở đó, ngày 28/7/2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BTP quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật, Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.Thông tư được xây dựng trên cơ sở quán triệt,triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 619/QĐ-TTg, Quyết định số 1980/QĐ-TTg, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2017, gồm một số nội dung sau:
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư quy định về điểm số, hướng dẫn cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật; biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; thành phần và hoạt động của Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật và một số nội dung về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.Thông tư này áp dụng đối với chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ hai, về điểm số, cách tính điểm các chỉ tiêu tiếp cận pháp luật và biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
Căn cứ Điều 5 Quyết định số 619/QĐ-TTg, Thông tư số 07/2017/TT-BTP đã xác định cụ thểnội dung thành phần và điểm số cụ thể của 25 chỉ tiêu tiếp cận pháp luật với tổng số điểm là 100 điểm. Riêng đối với chỉ tiêu xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) thì điểm số được xác định theo công thức sau:
Số điểm của chỉ tiêu = (Tỷ lệ % đạt được x Số điểm tối đa của chỉ tiêu)/100
Đồng thời tại Phụ lục II của Thông tư quy định 09 biểu mẫu thực hiện đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, gồm: (i) Bảng tổng hợp điểm số của các chỉ tiêu, tiêu chí tự chấm điểm; (ii) Phiếu lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính; (iii)Bảng tổng hợp kết quả đánh giá sự hài lòng về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính;(iv)Báo cáo đánh giá kết quả đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của Ủy ban nhân dân cấp xã;(v)Công văn đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; (vi) Biên bản họp Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật; (vii)Danh sách cấp xãđạt chuẩn tiếp cận pháp luật;(viii)Danh sách cấp xãchưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luậtvà (ix) Quyết định công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ ba, về Hội đồng đánh giá tiếp cận pháp luật
Thông tư quy định cụ thể thành phần, số lượng tối đa thành viên của Hội đồng; nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng; cuộc họp Hội đồng và xác định mối quan hệ công tác giữa Hội đồng,thành viên viên Hội đồng và Phòng Tư pháp.
Thông tư quy định Chủ tịch Hội đồng là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Phó Chủ tịch Hội đồng là Trưởng phòng Tư pháp.Ủy viên Hội đồng là đại diện lãnh đạo cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan đến các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật, Công an cấp huyện, Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội cấp huyện, Văn phòng Điều phối nông thôn mới (nếu có). Thư ký Hội đồng là 01 công chức Phòng Tư pháp.Số lượng thành viên Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định, nhưng tối đa không quá 15 người. Thành viên Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Hội đồng có chức năng tư vấn, tham mưu giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện việc xem xét, đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; trao đổi, đề xuất sáng kiến, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và việc thực hiện các sáng kiến, giải pháp đó trong phạm vi địa phương và thực hiện các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giao.
Thành viên Hội đồng có các nhiệm vụsau đây: (i) tư vấn, tham gia ý kiến về kết quả đánh giá và đề nghị công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn hoặc lĩnh vực được giao quản lý, ý kiến của thành viên Hội đồng là ý kiến của cơ quan, tổ chức nơi công tác; (ii) đề xuất sáng kiến, giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và tư vấn, tổ chức thực hiện sáng kiến, giải pháp đó; (iii) tham dự đầy đủ cuộc họp Hội đồng; trường hợp không thể tham dự cuộc họp mà có lý do chính đáng thì phải gửi ý kiến bằng văn bản để Phòng Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo, điều phối hoạt động chung và triệu tập, chủ trì cuộc họp Hội đồng. Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ chủ trì cuộc hợp và thực hiện các công việc do Chủ tịch Hội đồng ủy quyền khi vắng mặt.
Phòng Tư pháp là cơ quan thường trực Hội đồng có trách nhiệm chuẩn bị tài liệu cuộc họp theo quy định gửi thành viên Hội đồng chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tổ chức cuộc họp Hội đồng; tham mưu, giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cung cấp, bổ sung thông tin, tài liệu cho Hội đồng về các nội dung cần yêu cầu giải trình, bổ sung làm rõ.
Thứ tư, về đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã
Đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng bao gồm tổ chức, cá nhân có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xãvà đã được trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong năm đánh giá hoặc năm trước liền kề năm đánh giá.Số lượng đối tượng tham gia đánh giá sự hài lòng hằng năm của mỗi đơn vị cấp xã do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn nhưng tối thiểu phải đạt từ 15%
trở lên số lượt thủ tục hành chính tại cấp xã đã được giải quyết và trả kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá. Thông tư cũng quy định trường hợp đối với cấp xã trong năm đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật cũng thực hiện đo lường sự hài lòng về chỉ số cải cách thủ tục hành chính (chỉ số PAR INDEX) thì có thể lồng ghép đánh giá hoặc sử dụng kết quả của chỉ số này để tính điểm chỉ tiêu 5 về “bảo đảm sự hài lòng của tổ chức, cá nhân về chất lượng, thái độ phục vụ khi thực hiện thủ tục hành chính” của Tiêu chí 2.Căn cứ điều kiện thực tế địa phương, việc tổ chức đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã bằng hình thức Phiếu lấy ý kiến có thể được thực hiện vào cuối tháng, cuối quý hoặc 06 tháng một lần.Hằng năm, căn cứ quy định về các hình thức đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã và điều kiện, yêu cầu thực tế của nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn cụ thể hình thức và thời điểm tổ chức đánh giá sự hài lòng khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về cách thức tổ chức thực hiện đánh giá sự hài lòng, nhiệm vụ của công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả trong thực hiện đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thứ năm, về sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới
Thông tư quy định trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức đồng thời với đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm đánh giá để xét, đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới. Còn trong trường hợp việc đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới được tổ chức trước thời điểm đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng kết quả đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của năm trước liền kề năm đánh giá hoặc sử dụng kết quả của năm đánh giá nhưng phải tuân thủ quy định tại Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Thứ sáu,về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức
Thông tư quy định Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện Thông tư này trong phạm vi quản lý; tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức Tư pháp – Hộ tịch tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại địa phương. Khi có phản ánh, kiến nghị về các vấn đề có liên quan đến đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra, chỉ đạo, phối hợp với cơ quan, đơn vị xem xét, giải quyết theo quy định của Thông tư này.Cơ quan, tổ chức có liên quan đến đánh giá, công nhận, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật thực hiện nhiệm vụ được giao theoThông tư này và chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình thực hiện Thông tư, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tư pháp (qua Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật – số điện thoại 024.62739469) để nghiên cứu hướng dẫn bổ sung kịp thời./.