Liên kết website

Bộ Tư pháp trả lời Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu về nhiệm vụ xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật

06/09/2018

Ngày 31/8/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Công văn số 3268/BTP-PBGDPL gửi Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu về đề nghị hướng dẫn một số nội dung đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Theo đó, đối với nội dung sử dụng kết quả đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật để đánh giá nông thôn mới, Sở Tư pháp đề xuất cho phép tiến hành đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đối với trường hợp xã đã đạt các tiêu chí nông thôn mới khác nhưng năm trước liền kề năm đánh giá chưa đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và năm nay chưa đến thời điểm đánh giá đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, Bộ Tư pháp có ý kiến như sau:

Thứ nhất, Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 08/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn (cấp xã) đạt chuẩn tiếp cận pháp luật quy định việc đánh giá, chấm điểm các tiêu chí, chỉ tiêu tiếp cận pháp luật được thực hiện hằng năm (tính từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12) để gắn với việc đánh giá trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cấp xã về thi hành Hiến pháp, pháp luật, thủ tục hành chính, phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Thứ hai, nếu tiến hành đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật khi các xã đã đạt các tiêu chí khác về nông thôn mới như trường hợp của Sở Tư pháp nêu sẽ không bảo đảm quy định về thời gian đánh giá xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật theo Quyết định số 619/QĐ-TTg; chưa công bằng, khách quan do chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trong năm đánh giá theo kế hoạch. Trong thực tế có trường hợp nếu bảo đảm thời gian đánh giá và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ theo kế hoạch thì có thể phát sinh những vấn đề làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá, thậm chí không bảo đảm điều kiện đạt chuẩn tiếp cận pháp luật như: có cán bộ, công chức cấp xã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức từ cảnh cáo trở lên do vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ hoặc phải bồi thường thiệt hại do hành vi công vụ trái pháp luật gây ra…
Chính vì vậy,  Bộ Tư pháp đề nghị Sở Tư pháp tiếp tục tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện đúng quy định về xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại Quyết định số 619/QĐ-TTg và Thông tư số 07/2017/TT-BTP, trong đó có thời điểm tổ chức đánh giá, công nhận cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn; đề xuất, thực hiện các giải pháp khắc phục, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí tiếp cận pháp luật còn chưa đạt sau kỳ đánh giá năm 2017.
Đối với đề nghị sử dụng 01 biểu mẫu lấy ý kiến đánh giá hài lòng của tổ chức cá nhân khi đến thực hiện thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã, Bộ Tư pháp cho rằng Về thực tế tại địa bàn cấp xã đang áp dụng 02 mẫu Phiếu lấy ý kiến theo Thông tư số 07/2017/TT-BTP và theo quy định về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, địa phương có thể kết hợp các nội dung của 02 mẫu Phiếu này trong một mẫu phiếu chung theo hướng đáp ứng được yêu cầu về mục đích, nội dung đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân, qua đó bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, khi đánh giá, cấp xã cần bảo đảm yêu cầu về số lượng Phiếu lấy ý kiến tối thiểu phải đạt từ 15% trở lên số lượt thủ tục hành chính tại cấp xã đã được giải quyết và trả kết quả của năm trước liền kề năm đánh giá (Điều 5 Thông tư số 07/2017/TT-BTP) và bảo đảm tính khách quan, công bằng, tránh trường hợp cấp xã có thể lựa chọn các Phiếu đạt hài lòng để làm kết quả đánh giá. Đồng thời, đề nghị Sở Tư pháp quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm kịp thời khi phát hiện có sai phạm (nếu có), bảo đảm thực hiện đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính tại cấp xã đúng quy định, thiết thực./.
 
 
Các tin đã đưa ngày: