Liên kết website

Công tác hòa giải ở cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội ở Việt Nam

16/12/2019

Trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta luôn phải chống chọi với thiên tai khắc nghiệt và giặc ngoại xâm nên ý thức rất sâu sắc về sức mạnh đoàn kết cộng đồng. Người Việt Nam sống có tình có lý, và chính tính cộng đồng đã hình thành đạo lý sống thiên về tình hơn và “quan hệ” là yếu tố quan trọng có tính quyết định để tồn tại được trong một cộng đồng.

Bên cạnh đó, xuất phát từ bản chất của quan hệ dân sự được thiết lập trên cơ sở tự do, tự nguyện thương lượng thỏa thuận giữa các chủ thể, nên khi có mâu thuẫn, tranh chấp, xích mích xảy ra, mặc dù có nhiều phương thức giải quyết khác nhau (thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án), nhưng hòa giải vẫn được xem là phương án tối ưu được lựa chọn. Ngày nay, dưới tác động của tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, đời sống kinh tế - xã hội của người Việt Nam có những biến đổi sâu sắc, nhưng tinh thần đoàn kết cũng như lối sống trọng tình đã tồn tại ngàn đời nay vẫn được bảo tồn, phát huy và đây chính là căn nguyên, là mảnh đất cho hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở[1] ngày càng phát huy ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Từ thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, hòa giải ở cơ sở ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng dân cư, thể hiện ở những điểm sau đây:
Thứ nhất, hòa giải góp phần giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của nhân dân. Trong xã hội, con người gắn kết với nhau bởi các mối quan hệ hết sức phong phú, đa dạng, phức tạp nên việc xảy ra mâu thuẫn, xung đột, tranh chấp là điều không tránh khỏi. Đặc biệt, sự phát triển của nền kinh tế thị trường cũng làm phát sinh nhiều mặt trái tác động đến cuộc sống, ảnh hưởng đến truyền thống tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách”, tạo lối sống vị kỷ chỉ quan tâm đến bản thân, gia đình mình mà thờ ơ, bàng quan với cộng đồng; các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật thuộc phạm vi hòa giải trong nhân dân đang gia tăng, cả về số lượng và tính chất phức tạp của vụ việc. Nhà nước (các cơ quan hành chính và Tòa án) không thể và cũng không cần thiết phải can thiệp, giải quyết hết tất cả các mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống cộng đồng dân cư khi mà các bên có thể tự cùng nhau thương lượng, hòa giải thành. Ngoài ra, với phương châm xử sự trong gia đình thì “đóng cửa bảo nhau”, ra ngoài đường thì “một điều nhịn chín điều lành”, tâm lý cho rằng “vô phúc đáo tụng đình”, các bên thường tìm cách giải quyết êm thấm các mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ gia đình, dòng tộc, làng xóm. Đây chính là tiền đề quan trọng cho hoạt động hòa giải ở cơ sở. Những năm qua, hòa giải ở cơ sở đã hòa giải thành được số lượng lớn các vi phạm pháp luật và tranh chấp trong cộng đồng dân cư. Theo số liệu thống kê, từ ngày 01/01/2014 (ngày Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 có hiệu lực thi hành) đến hết ngày 31/12/2018, hòa giải viên trên cả nước đã hòa giải thành 570.227/700.650 vụ việc, tức là đã giảm đi chừng đó vụ việc mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải quyết. Chỉ tính riêng tại tỉnh Vĩnh Long, trong 03 năm 2014, 2015 và năm 2016, hoạt động hòa giải ở cơ sở đã mang lại lợi ích vật chất về tiền là 5.446.600.000 đồng, 1.302 chỉ vàng, 89.546 m2 đất. Có được kết quả này, trước hết là nhờ sự đóng góp của đội ngũ hòa giải viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả, tận tâm, nhiệt tình trong việc hàn gắn những rạn nứt về tình cảm, vun đắp, thắp sáng tình yêu thương, sự hòa thuận trong từng gia đình, làng xóm, cộng đồng dân cư. 
Về bản chất thủ tục thì, hòa giải ở cơ sở mang bản chất “xã hội” hơn là pháp lý. Theo quy định tại Chương XXXIII của BLTTDS năm 2015, kết quả hòa giải thành ở cơ sở có thể được Tòa án công nhận khi thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 417 của Bộ luật[2]. Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm và được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự. Theo đó, trong trường hợp phải yêu cầu Toà án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, thì quá trình tố tụng cũng được rút ngắn rất nhiều[3], các chi phí, lệ phí tố tụng (lệ phí là 300.000 đồng, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án) mà đương sự phải chịu sẽ giảm đi đáng kể so với trường hợp mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật không giải quyết được bằng con đường hoà giải trước khi khởi kiện đến Tòa án. Tuy nhiên, trên thực tế, đa phần thỏa thuận đạt được đều được các bên mâu thuẫn, tranh chấp tự giác thực hiện mà không cần có sự can thiệp của Nhà nước bởi những thỏa thuận này được các bên “tự nguyện” thương lượng, thỏa thuận với nhau dưới sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên.
Đối với các vụ việc hòa giải không thành phải đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nội dung tranh chấp, mâu thuẫn, tâm tư nguyện vọng của các bên cũng đã được thể hiện rõ trong biên bản hòa giải không thành, nên sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho việc xác định phương hướng, đường lối giải quyết vụ việc một cách đúng đắn, thấu tình đạt lý của các cơ quan này.
Thứ hai, hòa giải ở cơ sở góp phần khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội khi giải quyết tận “gốc” của vấn đề. Giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải ở cơ sở, quan hệ tốt đẹp của các bên được duy trì. Kết quả hòa giải ở cơ sở sẽ không có bên thắng, bên thua, mà cả hai bên đều thắng, đều tự nguyện nhượng bộ một phần lợi ích của mình để đạt được thỏa thuận hòa giải thành. Điều này khác với trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn được giải quyết thông qua quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi mà những nỗ lực hòa giải ở cơ sở không đạt kết quả, sẽ có bên thắng, bên thua, bên không hài lòng, thỏa mãn với kết quả giải quyết, gây khó khăn cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa các bên. Sự tương đồng ở những khía cạnh nhất định về lối sống, quan điểm tiếp cận vấn đề... của những người sống trong một môi trường cộng đồng dân cư cũng góp phần không nhỏ trong quá trình hòa giải thành vụ việc. Hơn nữa, hòa giải viên là những người sinh sống tại cộng đồng dân cư (thôn, làng, ấp, bản, thôn, tổ dân phố...) nên họ có điều kiện phát hiện sớm và nắm bắt được nội dung mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh, rất thuận lợi trong quá trình hòa giải. Thực tiễn hoạt động hòa giải ở cơ sở cho thấy, có những vụ việc nếu không được phát hiện sớm, hòa giải kịp thời, thì chỉ từ những mâu thuẫn, xích mích, tranh chấp hết sức nhỏ, có khi chỉ là “con gà tức nhau tiếng gáy”, bất đồng về quan điểm sống..., mà trở thành phức tạp, “cái sảy nảy cái ung”, làm cho tình hình trở nên nghiêm trọng, gay gắt, xâm phạm đến nhân phẩm, danh dự, sức khỏe, tính mạng của các bên, gây mất trật tự công cộng, làm tổn hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc, thậm chí từ tranh chấp dân sự chuyển thành vi phạm pháp luật, phạm tội hình sự. Thực tiễn vụ việc sau đây là minh chứng rất cụ thể khẳng định vai trò của hòa giải ở cơ sở trong việc ổn định trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật: Vào khoảng 13giờ 30 phút ngày 15/9/2014, khi đang bán hàng tại khu chợ trung tâm thị trấn Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, ông Trần Công Q - Tổ trưởng tổ hòa giải khu 6 nghe tiếng cãi lộn, chạy ra xem thì thấy một người (anh P, người xã Hồng Thu) mồm bị sưng to, tím bầm, máu rớm chảy, tay cầm lưỡi quốc chửi bới, thách thức và sấn tới đòi đánh anh T - người bán hàng trong chợ. Ngay lập tức ông Q cùng một số người dân có mặt kịp thời can ngăn, đưa mỗi người ra một địa điểm khác nhau, đồng thời gọi các thành viên khác của tổ hòa giải đến để phối hợp giải quyết. Tìm hiểu sự việc từ anh P, anh T và những người chứng kiến vụ việc, tổ hòa giải được biết nguyên nhân xích mích là do anh P trong khi đã ngà ngà men rượu có lời nói trêu ghẹo, dùng tay sờ soạng lên người vợ anh T. Thấy vậy, anh T nhảy vào đấm đá tới tấp khiến anh P ngã đập mồm xuống đất xưng to. Sau khi bị đánh, anh P gọi điện cho anh em người cùng bản đến để ăn thua đủ, “quyết sinh tử” với anh T và cầm quốc của quán gần đó lao vào đòi đánh anh T. Nhận định sự việc rất căng thẳng, cần giải quyết ngay để kịp thời phòng ngừa việc tổ chức đánh người, dẫn đến tình trạng nhiều người vi phạm pháp luật, gây mất trật tự an ninh xã hội, tổ hòa giải khu 6 đã tập trung tìm hiểu nguyên nhân, phân tích, làm rõ sự việc để có định hướng hòa giải có lý, có tình giúp hai bên hiểu rõ vấn đề, nhận ra sai trái của từng người và tự nguyện giải quyết mâu thuẫn, xích mích. Vụ việc kết thúc với kết quả hòa giải thành, hai bên đều tự nguyện xin lỗi và bỏ qua cho nhau, không bên nào đòi hỏi bên kia phải bồi thường, đồng thời tự nguyện ký vào biên bản hòa giải thành.
Thứ ba, hòa giải ở cơ sở góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội nói chung, trong việc giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật phát sinh tại cơ sở nói riêng dựa trên cơ sở bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên. Điều này đã được khẳng định và thể hiện rất rõ khi quy định “Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên trong hòa giải ở cơ sở” là nguyên tắc đầu tiên trong các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở tại Điều 4 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013. Theo đó, nhiệm vụ của hoà giải viên là hướng dẫn, giúp các bên tìm được tiếng nói chung để tự giàn xếp tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích một cách ổn thỏa. Vì lẽ đó, trước hết hoà giải viên phải tôn trọng sự tự nguyện của các bên, tôn trọng ý chí của họ. Hòa giải viên chỉ đóng vai trò là người trung gian hướng dẫn, giúp đỡ các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng con đường hòa giải chứ không áp đặt, bắt buộc các bên phải tiến hành hòa giải. Nếu các bên không chấp nhận việc hoà giải thì hoà giải viên không thể dùng ý chí chủ quan của mình mà bắt buộc họ phải hoà giải. Khi đó, tổ hoà giải có trách nhiệm báo với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý kịp thời. Trường hợp hoà giải thành, nếu việc thực hiện thoả thuận giữa các bên có khó khăn thì hoà giải viên động viên, giúp đỡ các bên thực hiện thoả thuận, hoặc yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành mà không áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành những thoả thuận của họ. Mọi hành vi tác động đến sự tự do ý chí của các bên như cưỡng ép, làm cho một trong hai bên bị lừa dối hay nhầm lẫn không chỉ không thể hiện đầy đủ tính tự nguyện của các bên mà còn vi phạm quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.
Bên cạnh đó, xét về bản chất thì hoạt động hòa giải ở cơ sở chính là một hoạt động xã hội hóa công tác quản lý xã hội của Nhà nước khi huy động người dân sinh sống tại địa bàn cơ sở (có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật hòa giải ở cơ sở[4]) tham gia vào tổ hòa giải - tổ chức tự quản tại cộng đồng, để giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật phát sinh tại cộng đồng dân cư. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đòi hỏi phải có sự tham gia của cả hệ thống chính trị ở cơ sở: cấp ủy Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh..., qua đó xây dựng được một cộng đồng dân cư mà vai trò tự quản của người dân được tăng cường, thực hiện được việc xã hội hóa hoạt động giải quyết tranh chấp, xử lý vi phạm pháp luật; đồng thời vẫn bảo đảm việc tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở. Đây cũng là một xu hướng phát triển khách quan của xã hội, theo đó Nhà nước có thể từng bước giao cho nhân dân tự quản những gì mà họ có thể tự quản được, đúng với phương châm “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Thứ tư, hòa giải ở cơ sở góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân, góp phần hình thành trong mỗi công dân ý thức thượng tôn pháp luật. Do đó, ở một góc độ nhất định, hòa giải ở cơ sở có ý nghĩa nhất định trong việc phòng ngừa từ xa các vi phạm pháp luật và tội phạm ở cơ sở. Bởi khi hòa giải, các hòa giải viên bên cạnh việc dựa vào những chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử, truyền thống để tác động tới tâm tư, tình cảm của các bên... đều phải vận dụng các quy định pháp luật hiện hành để giải thích, hướng dẫn, giúp đỡ các bên tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó có xử sự phù hợp với quy định pháp luật. Trong trường hợp tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật phát sinh do các bên không hiểu biết pháp luật, nên lầm tưởng rằng quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm, hoặc cho rằng hành vi của mình là đúng pháp luật thì sẽ được hòa giải viên giải thích pháp luật một cách cặn kẽ. Tuy nhiên, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoà giải khác với tuyên truyền miệng về pháp luật ở chỗ là chỉ khi nào có vụ việc vi phạm pháp luật hoặc tranh chấp, mâu thuẫn xảy ra thuộc phạm vi được hòa giải ở cơ sở thì hoà giải viên mới có lý do để tiến hành hoà giải và kết hợp với việc phổ biến, giáo dục pháp luật cho các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người có liên quan trong quá trình tiến hành hòa giải. Phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động hòa giải là phương thức tác động trực tiếp từ chủ thể giáo dục (Hòa giải viên) đến đối tượng giáo dục (các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác có liên quan) với nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định, gắn liền với từng tranh chấp, mâu thuẫn, vi phạm pháp luật cụ thể...[5] Hòa giải viên hoặc những người được hoà giải viên mời tham gia hoà giải là những người trực tiếp, giữ vai trò trung tâm. Nội dung pháp luật được các bên tranh chấp, mâu thuẫn và những người khác lưu giữ một cách bền vững hơn, tính chủ động phòng tránh tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự cao hơn hoặc nếu bất đắc dĩ tái xảy ra các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật tương tự thì họ cũng chủ động hơn trong cách xử lý theo chiều hướng tích cực bởi họ đã biết những kiến thức pháp luật nhất định có liên quan, biết được hậu quả pháp lý phải gánh chịu khi có hành vi vi phạm pháp luật. Thông qua hòa giải, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân một cách tự nhiên, trực tiếp, có sức thẩm thấu sâu sắc, sức lan tỏa rộng.
Nhận thức được tầm quan trọng, ý nghĩa thiết thực của công tác hòa giải ở cơ sở trong việc nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân, tại Quyết định số 705/QĐ-TTg ban hành Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017 - 2021 đã khẳng định “Phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị, Nhà nước giữ vai trò nòng cốt; khuyến khích, tạo điều kiện và huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia; đề cao trách nhiệm và từng bước hình thành thói quen chủ động học tập, tự giác tuân thủ, chấp hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân; gắn kết chặt chẽ với hòa giải ở cơ sở,...”.
Tựu trung lại, cùng với dòng chảy thời gian, với sức sống bền vững và mạnh mẽ, hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày càng khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của mình. Bên cạnh những giá trị vật chất xác định được thì hòa giải ở cơ sở còn mang lại những giá trị vô giá, là những niềm vui, niềm hạnh phúc của mọi người, mọi nhà trong tình cảm gia đình, xóm giềng gần gũi và thiêng liêng, nhất là khi trật tự an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư được bảo đảm. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm 50 của thế kỷ trước “xét xử đúng người là tốt, nhưng không phải xét xử thì càng tốt hơn”, phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tin tưởng rằng nhất định công tác hòa giài ở cơ sở trong thời gian tới sẽ gặt hái được nhiều thành tựu đáng khích lệ hơn nữa.
 
[1] Theo quy định tại Điều 2 Luật Hòa giải ở cơ sở, thì hòa giải ở cơ sở là việc hòa giải viên hướng dẫn, giúp đỡ các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật theo quy định của Luật hòa giải ở cơ sở. Hòa giải ở cơ sở được điều chỉnh bởi Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
 
[2] Điều 417. Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
1. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
2. Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
3. Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
4. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
 
[3] Xem thêm Điều 419 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án
 
[4] Điều 7 Luật hòa giải ở cơ sở năm 2013 quy định: “Điều 7. Tiêu chuẩn hòa giải viên
Người được bầu làm hòa giải viên phải là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở, tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải và có các tiêu chuẩn sau đây:
1. Có phẩm chất đạo đức tốt; có uy tín trong cộng đồng dân cư;
2. Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân; có hiểu biết pháp luật.”
[5] Ví dụ: Để đảm bảo giá trị pháp lý của kết quả hòa giải, từ đó hạn chế các tranh chấp yêu cầu Tòa án giải quyết; bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; đồng thời luật hóa định hướng Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02-6-2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 “Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”, lần đầu tiên Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã dành hẳn 01 chương (Chương XXXIII) quy định về thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án, trong đó có hòa giải ở cơ sở. Theo đó, yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là một trong các quyền mới quan trọng của các bên tham gia hòa giải và được hòa giải viên tuyên truyền, phổ biến trong quá trình hòa giải. Theo đó, xét ở góc độ cụ thể, thông qua quá trình hòa giải vụ việc cụ thể, quy định này của Bộ luật Tố tụng dân sự đã được tuyên truyền, phổ biến để các bên tham gia hòa giải biết và thực hiện quyền của mình./.
 
Các tin đã đưa ngày: