Các nội dung PBGDPL luôn bám sát yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của ngành, của từng lĩnh vực và địa phương. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức tuyên truyền, PBGDPL được hơn 30.600 cuộc, với hơn 1,7 triệu lượt người tham dự. Ngoài ra, đã cấp phát hơn 98.000 tài liệu tuyên truyền; đã đăng tải hơn 3.500 tin, bài trên các Trang thông tin điện tử, báo điện tử…; đã tổ chức 96 cuộc thi tìm hiểu pháp luật với hơn 8.500 lượt người tham gia.
Các hình thức tuyên truyền, PBGDPL được áp dụng đa dạng, phong phú và phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu đưa pháp luật vào cuộc sống. Từ những mô hình, cách làm mới trong công tác PBGDPL đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào đời sống xã hội.
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Phan Thị Mỹ Dung, những kết quả của công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh năm qua góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về việc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật. Người dân ngày càng có nhiều kênh thông tin tìm hiểu pháp luật, học tập pháp luật để tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Qua theo dõi, khảo sát, tổng hợp kết quả thực hiện mô hình PBGDPL mới trên địa bàn tỉnh Long An, tác giả xin lựa chọn và giới thiệu một số mô hình PBGDPL mới có hiệu quả để các địa phương tùy vào điều kiện và đối tượng cụ thể, tổ chức học tập kinh nghiệm, áp dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp ở cơ quan, đơn vị địa phương mình.
1. Mô hình “Niềm tin trợ giúp” tại huyện Cần Đước
Nhằm góp phần thiết thực cho công tác tuyên truyền, PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, trọng tâm là phát huy hình thức tư vấn pháp luật được thực hiện rộng rãi, phòng ngừa, ngăn chặn và hạn chế mức thấp nhất các vụ việc tranh chấp, khiếu nại, khởi kiện và đảm bảo được tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Mô hình “Niềm tin trợ giúp” được huyện Cần Đước thực hiện với các nội dung cụ thể như sau:
- Cơ sở pháp lý triển khai: Phòng Tư pháp sáng kiến xây dựng mô hình “Niềm tin trợ giúp” trình UBND huyện phê duyệt cho triển khai thực hiện trong phạm vi toàn huyện.
- Hình thức tổ chức: Phòng Tư pháp phối hợp với Hội Luật gia huyện triển khai thực hiện mô hình. Hội Luật gia huyện làm̀ đầu mối, trực tiếp tư vấn pháp luật cho các cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu.
- Địa điểm, thời gian: Các tổ chức, cá nhân khi có nhu cầu tư vấn pháp luật đến tại Trung tâm tư vấn pháp luật được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện bố trí địa điểm làm việc tại trụ sở tiếp công dân của huyện, thời gian thực hiện trong ngày hành chính.
- Đối tượng được triển khai: Tất cả các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trợ tư vấn pháp luật (thuộc diện trong và ngoài đối tượng được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý).
- Về kinh phí: Ngân sách Nhà nước bảo đảm theo quy định hiện hành về phân cấp ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
- Hiệu quả: Mô hình “Niềm tin trợ giúp” bắt đầu triển khai thực hiện trong năm 2018, từ khi triển khai mô hình đến nay, đã tiếp nhận 93 trường hợp người dân đến Trung tâm tư vấn pháp luật, trong đó có 42 trường hợp thuộc diện được tư vấn pháp luật trợ giúp pháp lý miễn phí, 51 trường hợp thuộc diện ngoài đối tượng được tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý miễn phí.
Mô hình “Niềm tin trợ giúp” được triển khai, thực hiện đã mang lại những hiệu quả nhất định, công tác thông tin, tuyên truyền, PBGDPL, tư vấn pháp luật được Lãnh đạo huyện Cần Đước, cán bộ và Nhân dân trên địa bàn ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc tiếp nhận, thực hiện tư vấn pháp luật được công khai, đơn giản, thuận lợi, người dân tin tưởng, được nghiên cứu, học tập pháp luật, nắm biết chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và của người khác trong xã hội.
2. Mô hình Câu lạc bộ “3 giúp nữ công nhân nhà trọ” tại huyện Cần Giuộc
- Cơ sở pháp lý triển khai: Thực hiện chỉ đạo của UBND huyện, Hội đồng huyện ban hành Kế hoạch về việc xây dựng mô hình Câu lạc bộ “3 giúp nữ công nhân nhà trọ”, chọn xã Tân Kim làm điểm, xã Long Hậu làm diện. Hội liên hiệp Phụ nữ huyện làm nòng cốt, chủ trì, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện.
- Hình thức tổ chức:
Giúp về kiến thức: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã phối hợp các ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật bằng nhiều hình thức như biên soạn tài liệu dán tại các khu nhà trọ, tổ chức các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ...
Giúp về chỗ ở: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện vận động các chủ nhà trọ không tăng giá (giá phòng, giá điện, giá nước…) trong một thời gian nhất định.
Giúp tập thói quen tiết kiệm chi tiêu hằng ngày: Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện tập trung tuyên truyền đến chị em tập thói quen tiết kiệm, tích lũy phòng khi có hậu sự xảy ra, thành lập mô hình “Heo đất tiết kiệm” mỗi chị em được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện quan tâm cấp cho một con heo đất, tổ chức thi đua gửi tiết kiệm, chị em nào tự tiết kiệm được số tiền lớn sẽ có thưởng. Bên cạnh đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã vận động, hỗ trợ nhiều phần quà cho chị em có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ cho chị em hội viên gửi đưa và rước con trong độ tuổi đi học, đến trường…
- Địa điểm, thời gian thực hiện: Sinh hoạt hàng quý tại các Câu lạc bộ nhà trọ.
- Đối tượng được triển khai: Công nhân lao động, hội viên phụ nữ, đặc biệt là nữ công nhân xa nhà sống tại nhà trọ có hoàn cảnh khó khăn.
- Hiệu quả của mô hình: Mô hình Câu lạc bộ “3 giúp nữ công nhân nhà trọ” ra mắt trong năm 2017 có 50 người tham dự, bước đầu được thành lập, thu hút 36 chị em tham gia thực hiện mô hình; duy trì sinh hoạt hàng quý. Tính đến 6 tháng đầu năm 2018, huyện đã nhân rộng thêm 01 Câu lạc bộ với 33 thành viên tại ấp Tân Xuân, xã Tân Kim và 01 Câu lạc bộ tại ấp 3, xã Long Hậu với 15 thành viên. Nâng tổng số hiện nay có 4 Câu lạc bộ “3 giúp nữ công nhân nhà trọ” với 84 thành viên. Mô hình Câu lạc bộ “3 giúp nữ công nhân nhà trọ” được sự quan tâm của Hội đồng huyện, Hội liên hiệp Phụ nữ huyện và chính chính quyền các xã đồng tình ủng hộ. Mô hình này cho thấy vai trò, trách nhiệm, ý thức xây dựng môi trường sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt pháp luật của chị em nữ công nhân các khu nhà trọ, các nữ chủ nhà trọ được nâng lên, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
- Một số khó khăn, hạn chế: Chị em công nhân thường xuyên tăng ca, vào các ngày nghỉ thì các chị em thường về quê thăm gia đình, vì vậy thời gian sinh hoạt Câu lạc bộ có lúc số lượng tham gia không đảm bảo theo yêu cầu.
3. Mô hình “Cà phê doanh nhân” tại huyện Bến Lức
- Cơ sở pháp lý triển khai: Mô hình này đã được triển khai thực hiện từ năm 2017, đến tháng 6 năm 2019, UBND huyện có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng mô hình PBGDPL “Cà phê doanh nhân”.
- Hình thức tổ chức: Ban Chủ nhiệm chuẩn bị nội dung, mời báo cáo viên, người được giao làm nhiệm vụ PBGDPL thực hiện: Trình chiếu phim, ảnh; thuyết trình trực tiếp; trao đổi thảo luận; hỏi - đáp pháp luật…
- Địa điểm, thời gian: Sinh hoạt định kỳ hàng tuần vào thứ 7 tại quán Café Hello, Quốc lộ 1A, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức.
- Đối tượng được triển khai, tuyên truyền: Đại diện UBND huyện và các ngành huyện, doanh nghiệp khách mời và doanh nghiệp thuộc Chi hội doanh nhân trẻ Bến Lức, đại diện một số ngành tỉnh có liên quan, các cá nhân có dự định đầu tư, kinh doanh ở địa phương, các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn huyện.
- Nội dung triển khai, tuyên truyền:
Trang bị sách, tài liệu, báo chí, tờ gấp pháp luật, các văn bản pháp luật dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp;
Báo cáo, trình bày các nội dung có liên quan về pháp luật, giới thiệu về địa phương, các lĩnh vực, ngành nghề doanh nghiệp được đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp; các vi phạm hành chính doanh nghiệp thường vi phạm, các tập thủ tục hành chính có liên quan trên các lĩnh vực mà doanh nghiệp phải thực hiện…
Thông tin góp ý, hỗ trợ, tư vấn pháp luật: Doanh nghiệp có thể góp ý, yêu cầu hỗ trợ, tư vấn pháp luật trực tiếp hoặc bằng văn bản thông qua các phiếu yêu cầu, góp ý và gửi cho Ban Chủ nhiệm tổng hợp tại buổi sinh hoạt. Các góp ý, yêu cầu của doanh nghiệp sẽ được Ban Chủ nhiệm xem xét trả lời, hỗ trợ, tư vấn pháp lý trực tiếp hoặc trả lời bằng văn bản cho các doanh nghiệp trong buổi sinh hoạt kế tiếp.
- Về kinh phí thực hiện:
Do ngân sách nhà nước đảm bảo và nguồn vận động xã hội hóa từ các doanh nghiệp và các cá nhân, tổ chức khác trên địa bàn huyện để chi cho việc mua sách, báo, tài liệu pháp luật và chi bồi dưỡng cho báo cáo viên, người được giao làm nhiệm vụ PBGDPL được phân công thực hiện tại buổi sinh hoạt.
- Hiệu quả: Được sự quan tâm chỉ đạo của UBND huyện; các ngành huyện (đồng thời là thành viên của Hội đồng huyện) mô hình “Cà phê doanh nhân” bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hỗ trợ pháp lý cho tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động đầu tư trên địa bàn huyện.
4. Mô hình “Phiên tòa giả định” tại huyện Mộc Hóa
- Cơ sở pháp lý triển khai: Phòng Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng huyện chủ trì, phối hợp với Huyện đoàn, các ngành, đoàn thể liên quan đã tham mưu UBND huyện tổ chức thực hiện mô hình “Phiên tòa giả định”.
- Hình thức tổ chức: Phòng Tư pháp phối hợp với Huyện đoàn cùng các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện tổ chức, có sự tham gia của các ngành: đại diện lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tỉnh đoàn, thành viên của Hội đồng PBGDPL huyện.
Phiên tòa giả định diễn ra bằng một vở kịch ngắn về câu chuyện pháp luật, được dàn dựng trên tình huống có thật trong từng tình tiết vụ án, trong đó học sinh Trường trung học phổ thông là người trực tiếp vào vai những người tham gia tố tụng (Thẩm phán, Hội thẩm Nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký, Luật sư…). Tại đây, đoàn viên thanh niên, học sinh cùng nhau xử lý, giải quyết các vụ án theo luật định. Ngoài ra, người xem cũng được tham gia đặt các câu hỏi có nội dung liên quan đến phiên tòa để họ vừa được xem và được nghe những lời giải đáp của các cơ quan chuyên môn để rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích cho bản thân.
- Địa điểm tổ chức phiên tòa: Tại Trường THCS và THPT Bình Phong Thạnh, huyện Mộc Hóa.
- Đối tượng được triển khai, tuyên truyền: Giáo viên, Đoàn viên, thanh niên, học sinh, nhân dân trên địa bàn.
- Về kinh phí thực hiện: Ngân sách nhà nước cấp chung trong kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL huyện.
- Hiệu quả: Phiên tòa giả định không chỉ tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, học sinh mà còn giúp các em hiểu rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tiến hành tố tụng, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, trách nhiệm hình sự, chính sách khoan hồng của pháp luật đối với những người biết thành khẩn khai báo… Thông qua phiên toà giả định tạo được sự lan tỏa và hiệu ứng tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là pháp luật An toàn giao thông, phòng chống ma tuý và bạo lực học đường… được đông đảo đoàn viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp Nhân dân tham gia. Việc triển khai thực hiện mô hình “Phiên tòa giả định” đã gắn kết công tác tuyên truyền, PBGDPL với các phong trào thi đua về an toàn giao thông, phòng chống ma tuý và bạo lực học đường… Đến nay, phiên tòa giả định được UBND huyện chỉ đạo thực hiện và nhân rộng trên địa bàn huyện (7/7 xã đã tổ chức thực hiện mô hình này).
5. Mô hình: Gặp gỡ, tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo “01+5” tại huyện Mộc Hóa
- Cơ sở pháp lý triển khai: Công an huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo, chọn xã Bình Hòa Tây làm thí điểm xây dựng mô hình Gặp gỡ, tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo “01+5”, theo đó, UBND xã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình do Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã làm Trưởng ban, Trưởng Công an xã làm Phó Trưởng ban và các ngành, đoàn thể xã là thành viên. Ban Chỉ đạo đã xây dựng quy chế hoạt động, trong đó có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên để thực hiện.
- Hình thức tổ chức: Hàng tuần các thành viên của Ban Chỉ đạo sắp xếp công việc chuyên môn để bố trí lịch tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp người vi phạm pháp luật; tùy từng hộ gia đình và đối tượng mà chuẩn bị nội dung, biện pháp, thời gian tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp; trong mỗi buổi tuyên truyền đều có ghi biên bản cụ thể, trong đó tập trung ghi nhận các ý kiến của đối tượng và gia đình nhằm rút kinh nghiệm cho những buổi gặp gỡ, trao đổi tiếp theo đạt hiệu quả cao hơn.
- Thời gian, địa điểm thực hiện: Theo lịch được Ban Chỉ đạo bố trí trong tuần.
- Đối tượng được triển khai gặp gỡ, tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục: Chủ yếu là số đối tượng có tiền án, sử dụng trái phép chất ma túy và các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật.
- Hiệu quả:
Qua thời gian thực hiện mô hình Gặp gỡ, tuyên truyền, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo “01+5”, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn tiếp tục được giữ vững ổn định, tội phạm và vi phạm pháp luật được kiềm chế, tệ nạn xã hội mà đặc biệt là tình hình sử dụng trái phép chất ma túy giảm, qua kiểm tra chỉ phát hiện 2/9 đối tượng vi phạm (so với năm 2017); đa số các gia đình và đối tượng được gặp gỡ, giáo dục đều có những chuyển biến tích cực, kịp thời sửa chữa những hành vi vi phạm trước đây.
Thông qua mô hình này để tuyên truyền, vận động, cảm hóa, giáo dục các gia đình có người vi phạm pháp luật và có biểu hiện vi phạm pháp luật chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước, nhất là việc chấp hành các quy định pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.
UBND huyện đã tổ chức tổng kết rộng mô hình điểm “Gặp gỡ, cảm hóa, giáo dục người vi phạm pháp luật theo tiêu chí 1+5” và đã chỉ đạo nhân rộng trên địa bàn huyện.
Trên đây là một số mô hình PBGDPL mới, được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh Long An, tác giả tổng hợp, giới thiệu để các địa phương quan tâm nghiên cứu thực hiện tại địa phương mình./.
Thảo Anh