Liên kết website

Một số hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên hiệu quả ở Trung Quốc

19/04/2021

Trong những năm qua, với mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, tích cực tuyên truyền kiến thức pháp luật và thúc đẩy tinh thần thượng tôn pháp luật, Đảng và nhà nước Trung Quốc đã rất quan tâm đến công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên.

Việc giáo dục pháp luật được quy định trong Hiến pháp, các đạo luật cụ thể: Điều 46 của Hiến pháp Trung Quốc quy định công dân có quyền và nghĩa vụ được giáo dục; Điều 6 của Luật Giáo dục và Điều 4 của Luật Bảo vệ người chưa thành niên quy định nhà nước và nhà trường phải giáo dục pháp luật cho học sinh; Điều 24 khoản 1 Luật bảo vệ người chưa thành niên, Điều 6 và Điều 22 khoản 1 Luật bảo vệ người chưa thành niên quy định để bảo vệ lợi ích hợp pháp của học sinh, nhà trường cần tiến hành giáo dục an toàn cho học sinh, do đó, cần tăng cường giáo dục pháp luật thiết thực, tạo điều kiện cho học sinh hiểu biết pháp luật và cách sử dụng, giữ gìn an toàn cho bản thân tốt hơn, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật”.

Để hiện thực hóa các quy định trên, bên cạnh việc đưa giáo dục pháp luật vào thành một nội dung chính thức trong chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục đại học; xây dựng một bộ tài liệu giảng dạy pháp luật thống nhất do Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp phối hợp xây dựng, đào tạo theo hướng chuyên sâu và thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên, giảng viên dạy môn pháp luật thì nhiều hình thức giáo dục pháp luật đã được thực thi, và trong thực tế đã đạt được hiệu quả tốt, cụ thể:

Một số hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả được áp dụng hiện nay như:
 
1. Mô hình “Ai thi hành pháp luật thì phổ biến pháp luật”
Thông thường các bài giảng pháp luật sẽ do các thầy, cô giáo bộ môn về pháp luật giảng dạy. Nhưng để học sinh có được những kiến thức thực tế trong công tác thi hành pháp luật, Văn phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương đã đề xuất áp dụng mô hình “Ai thi hành pháp luật thì phổ biến pháp luật” trên cả nước (Mô hình có sự phối hợp của các Bộ, ngành như: Bộ Giáo dục và Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân). Các địa phương sẽ tùy thuộc điều kiện của mình để tổ chức thực hiện mô hình này.

Tại một số địa phương, thành lập đội tình nguyện phổ biến pháp luật hoặc nhóm giảng viên phổ biến pháp luật thường xuyên, tổ chức cho cán bộ công an, cảnh sát trẻ đến tuyên truyền pháp luật cho các trường tiểu học và trung học trên địa bàn; Tại một số trường đại học, cao đẳng thì định kỳ mời các chuyên gia pháp luật của bộ công an, bộ tư pháp đến trường để tổ chức các buổi thảo luận đặc biệt: truyền đạt kiến ​​thức pháp luật, hướng dẫn và giáo dục học sinh cách bảo vệ quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật.

Thông qua bài giảng công khai và giáo dục pháp quyền này, các bạn trẻ sẽ hiểu rõ về những hành vi vi phạm pháp luật mà họ có thể gặp phải trong cuộc sống hàng ngày, cách phòng tránh những hành vi vi phạm pháp luật, biết cách tự bảo vệ mình. Điều này góp phần củng cố một cách hiệu quả các kiến ​​thức, hiểu biết pháp luật mà các học sinh đã được học trên lớp. Đồng thời, nâng cao ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật của thanh niên cũng như kỹ năng sử dụng kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình.

Hình thức này góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến pháp luật, làm phong phú hình thức học pháp luật trên lớp và phát huy hết vai trò của phương pháp dạy học chính thức.

2. Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiện đại cho học sinh, sinh viên: Khuyến khích các giáo viên, giảng viên và học sinh sinh viên sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại trong phổ biến, giáo dục pháp luật, tận dụng sự tiện lợi của việc sử dụng rộng rãi Internet và các phương tiện truyền thông mới để thúc đẩy phổ biến, giáo dục pháp luật. Xây dựng các chuyên mục về pháp luật như “Vườn phổ biến, giáo dục pháp luật” trực tuyến, công khai tài khoản để học sinh, sinh viên có thể tham gia trao đổi, thảo luận trên các chuyên mục này, tạo diễn đàn pháp lý sôi nổi… từ đó nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của giáo viên và học sinh.

3. Thực hiện các hoạt động giáo dục pháp quyền như “Tháng sinh hoạt pháp quyền”, “Tuần lễ tuyên truyền Hiến pháp”, “Ngày bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng” “Ngày Hiến pháp” và “Ngày chống ma túy” để triển khai sâu rộng các hoạt động chủ đề giáo dục và quán triệt nội dung pháp luật có liên quan nhằm tăng cường giáo dục pháp luật cho giáo viên và học sinh về lý luận và thực tiễn.

4. Mô hình giáo dục pháp luật “ba trong một” cho học sinh, sinh viên trong nhà trường, gia đình và xã hội: đây là mô hình giáo dục trong đó toàn xã hội cùng quản lý, nghiêm túc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của học sinh, phòng ngừa và giảm thiểu tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên. Việc giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên được xác định không phải việc của riêng nhà trường mà cần sự phối hợp của ba bên là nhà trường, gia đình và xã hội mới đạt hiệu quả tốt nhất. Việc kết hợp giáo dục pháp luật này không chỉ phát huy hết vai trò của việc giảng dạy trên lớp, mà còn có thể phát huy được các phương pháp học tập ngoại khóa phong phú. Nhà trường và xã hội sẽ góp phần hướng dẫn thanh thiếu niên hình thành thói quen chấp hành kỷ luật, pháp luật ngay từ nhỏ, phấn đấu trở thành những công dân đủ tiêu chuẩn của chủ nghĩa xã hội. Theo mô hình này, nhà trường sẽ phối hợp với gia đình và xã hội (ở đây là chính quyền địa phương) trong giáo dục pháp luật cho học sinh. Việc trao đổi thông tin pháp luật với gia đình được thực hiện qua hệ thống liên lạc trực tuyến, định kỳ nhà trường sẽ đến thăm nhà các học sinh hoặc chính quyền nơi học sinh cư trú để trao đổi, nắm bắt thông tin về tình hình chấp hành pháp luật của học sinh (thường là với các học sinh đã từng vi phạm kỷ luật) hoặc tăng cường kết nối giữa nhà trường với phụ huynh thông qua nhóm WeChat, họp phụ huynh, gửi thư cho phụ huynh, ... giúp phụ huynh nắm được các kiến ​​thức liên quan về phòng ngừa học sinh chưa thành niên phạm tội, nâng cao ý thức của phụ huynh trong việc trách nhiệm giám hộ, và hình thành toàn xã hội quan tâm đến tội phạm là học sinh chưa thành niên.

5. Mô hình phó hiệu trưởng kiêm nhiệm tư vấn pháp luật. 
Thực hiện chế độ phó hiệu trưởng kiêm nhiệm pháp chế ở các trường tiểu học, trung học cơ sở. Theo đó, các địa phương sẽ lựa chọn những cán bộ chính trị - pháp luật có tư tưởng chính trị tốt, tinh thần trách nhiệm, chuyên nghiệp, có năng lực tuyên truyền pháp luật vững vàng ở các cơ sở chính trị, pháp luật để làm Phó hiệu trưởng pháp luật trong các trường tiểu học và trung học. Phó hiệu trưởng trong phạm vi quyền hạn của mình sẽ hỗ trợ nhà trường thực hiện giáo dục pháp luật và an ninh công cộng toàn diện, bên cạnh công tác Quản trị trật tự trong khuôn viên trường. Mục tiêu là xây dựng các hoạt động an toàn, văn minh trong khuôn viên trường nhằm đảm bảo cho giáo viên và học sinh một môi trường sống và học tập hiệu quả, hài hòa, an toàn và lành mạnh.

Thực hiện mô hình này, một số địa phương đã cử các cán bộ công an, cảnh sát về làm phó hiệu trưởng các trường tiểu học và trung hoc cơ sở.

6. Xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật có nội dung thống nhất, hình thức thể hiện đa dạng: Hoàn thiện và chuẩn hóa nội dung giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, biên soạn tài liệu giảng dạy có hệ thống, có chất lượng, biên soạn hàng loạt tác phẩm điện ảnh, truyền hình về pháp luật, tài liệu hướng dẫn đọc phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của thanh niên. Sách giáo khoa được biên soạn phù hợp với lứa tuổi, trình độ hiểu biết, khả năng nhận thức của học sinh. Văn phòng phổ biến pháp luật của Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm tổ chức và biên soạn sách giáo khoa cho tất cả các loại học sinh trong các trường học các cấp, và Văn phòng phổ biến pháp luật quốc gia chịu trách nhiệm xem xét và ban hành.

7. Nhằm tăng cường giáo dục pháp luật thực tiễn, nâng cao nhận thức về nhà nước pháp quyền của học sinh: Nhiều địa phương đã tổ chức cho học sinh đi thăm các cơ quan của cảnh sát, tòa án hoặc tổ chức cho sinh viên đi thăm các nhà tù, quan sát các phiên tòa, các tổ chức tư vấn pháp lý, các cơ sở giáo dục pháp luật; tổ chức cho sinh viên thực hiện các cuộc điều tra xã hội về các vấn đề pháp lý, tổ chức các cuộc thi viết bài luận về pháp luật của sinh viên.

8. Mô hình cơ sở giáo dục pháp luật cho thanh niên: xây dựng các cơ sở hay trung tâm giáo dục pháp luật tại cộng đồng, ở nhiều cấp, với nhiều loại hình. Thông qua các cơ sở này  tổ chức các hoạt động ngoại khóa để thực hiện công tác giáo dục pháp luật cho thanh niên. Tận dụng các nguồn lực xã hội như: Tòa án cấp cơ sở, trung tâm kiểm soát người chưa thành niên, trung tâm cai nghiện ma túy , nhà tù, trại lao động, trung tâm trợ giúp pháp lý, cung điện thanh niên, v.v., để tạo ra một hệ thống các cơ sở toàn diện và thường xuyên tại nơi cư trú hoặc trên các quận và thành phố trên cả nước hoặc tại các quận (khu vực thành thị). 

Tại các cơ sở giáo dục: Thành lập điểm tư vấn giáo dục pháp luật, nhà trường đặt hòm thư tư vấn pháp luật, có giáo viên pháp luật túc trực tại phòng tư vấn vào buổi trưa hàng ngày để tích cực cung cấp cho học sinh kiến ​​thức về hệ thống pháp luật và giúp học sinh giải quyết những vướng mắc liên quan đến hệ thống pháp luật.

9. Thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả, chất lượng của việc giáo dục pháp luật trong nhà trường. Để từ đó nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, tìm ra những hình thức, mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả có thể áp dụng tại cơ sở giáo dục. Theo đó công tác giáo dục pháp luật cho học sinh nhà trường sẽ được đưa vào phạm vi đánh giá của công tác quản lý toàn diện an sinh xã hội và việc thực hiện mục tiêu trách nhiệm phổ biến pháp luật. Đưa ra các tiêu chí để đánh giá về trường học pháp luật cho thanh niên: Tiêu chí để đạt được danh hiệu này là trường học không có học sinh vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước, nội quy, quy chế của nhà trường. Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải bảo đảm thực hiện đúng kế hoạch về giáo dục pháp luật, giờ lên lớp, giáo trình đạt chuẩn, giáo viên có chất lượng; đảm bảo việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến ​​thức pháp luật được hoàn thành đúng quy định. Nhà trường phải bảo đảm thời lượng giáo dục pháp luật, không ép, giảm thời lượng giáo dục pháp luật và hoạt động giáo dục pháp luật.

10. Tuyền truyền pháp luật cho học sinh qua sử dụng bảng tin, cửa sổ tuyên truyền, đài phát thanh khăn quàng đỏ của các nhà trường để công khai nội dung giáo dục pháp luật và các mô hình pháp luật tiên tiến nhằm nâng cao hơn nữa quan niệm pháp luật của học sinh. Tận dụng các buổi triển lãm ảnh, các lớp học phim và truyền hình để giáo dục trẻ em về hệ thống pháp luật.
Đinh Quỳnh Mây
Các tin đã đưa ngày: