1. Mô hình quán cà phê tư vấn pháp luật miễn phí tại huyện Tháp Mười, huyện Cao Lãnh, huyện Thanh Bình. Các cá nhân tư vấn pháp luật ở đây đều là những người đã từng làm công tác pháp luật, có tâm huyết thực hiện công tác tư vấn cho người dân. Đồng thời, đây cũng là điểm cung cấp tài liệu pháp luật qua mô hình Tủ sách pháp luật của địa phương.
2. Mô hình “Đối thoại trực tiếp với nhân dân” thực hiện chiều thứ sáu hàng tuần giữa lãnh đạo, công chức cấp xã với nhân dân tại huyện Thanh Bình, huyện Tháp Mười, Tam Nông,... đã tạo điều kiện để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình cũng như được giải đáp những vướng mắc pháp luật, thủ tục hành chính theo nhu cầu. Đây là mô hình được người dân đồng thuận rất cao.
3. Mô hình lồng ghép PBGDPL trong các Hội quán trên địa bàn tỉnh cũng được các đơn vị và địa phương phát huy hiệu quả. Tại các buổi sinh hoạt định kỳ hàng tháng, hàng quý của các Hội quán, Phòng Tư pháp, Hội Luật gia tại địa phương đã phối hợp tuyên truyền những nội dung văn bản pháp luật mới ban hành, các chính sách có liên quan đến người dân với nội dung gần gũi, ngắn gọn, sát với nhu cầu cần thiết, hình thức đa dạng như hỏi đáp pháp luật có thưởng, hái hoa dân chủ...
4. Mô hình PBGDPL, tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý tại Ban tiếp Công dân – Nội chính tỉnh. Kể từ khi được xây dựng, triển khai cho đến nay cho thấy, đây là mô hình rất hữu ích, góp phần giảm số lượng đơn thư, khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng thẩm quyền.
5. Mô hình Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở đang có sức lan tỏa, bởi vì mục đích hoạt động của Câu lạc bộ hòa giải là tạo điều kiện để các Hòa giải viên tiếp cận, cập nhật những kiến thức pháp luật mới kịp thời và cùng trao đổi kinh nghiệm để vận dụng vào công tác hòa giải, góp phần nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, trên toàn tỉnh đã nhân rộng được 17 Câu lạc bộ hòa giải ở cơ sở.
6. Mô hình “Tổ Tư vấn pháp luật Lao động - Công đoàn” (thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp” đến năm 2021). Tổ gồm 09 thành viên, thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho người lao động, tập trung lĩnh vực pháp luật lao động thông qua trang tin điện tử, mạng xã hội, thư điện tử,... Tiếp tục duy trì sinh hoạt và phát huy hiệu quả mô hình Tổ công nhân tự quản khu nhà trọ được quan tâm, với 37 tổ, hơn 2.500 người lao động tham gia sinh hoạt. Triển khai mô hình Hội quán “Nhà trọ công nhân” gồm 18 thành viên là các chủ nhà trọ
[1].
7. Mô hình “Câu lạc bộ tư vấn pháp luật” (thực hiện Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân vùng biên giới giai đoạn 2017 - 2021”. 08/08 xã biên giới đều thành lập Câu lạc bộ tư vấn pháp luật, mỗi Câu lạc bộ có từ 07-12 người, phục vụ tốt cho nhu cầu tư vấn, hỏi đáp những vấn đề về pháp luật cho quần chúng nhân dân trên địa bàn.
8. Thí điểm mô hình “Tổ pháp luật cộng đồng tại xã, thị trấn” (thực hiện Đề án “Xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý giai đoạn 2017 - 2021”). Ưu điểm của mô hình này được thành lập trên cơ sở hợp nhất các mô hình tổ chức đang hoạt động pháp luật ở cơ sở.
Bên cạnh đó, một số mô hình PBGPPL đã triển khai có hiệu quả giai đoạn trước đây, tiếp tục được tỉnh duy trì, nhân rộng như mô hình trường học đảm bảo an ninh trật tự; đội tự quản; đội xung kích đảm bảo an toàn giao thông; ống kính học đường; câu lạc bộ Nhịp sống học đường; phòng tư vấn học đường; mô hình phát thanh pháp luật và mô hình bàn trà phụ huynh nhằm tạo sự thân thiện, tăng cường mối quan hệ trong công tác trao đổi, phối hợp quản lý, giáo dục học sinh giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để góp phần giáo dục học sinh không vi phạm pháp luật.
Nhờ việc triển khai nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đã xuống đến tận cơ sở, từng người dân, người dân đã không còn “nghèo kiến thức pháp luật”./.