Với vai trò quan trọng trong việc tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tăng cường đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi khả năng phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức cuộc sống của cộng đồng dân cư, Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong nhiều năm qua đã tham gia có hiệu quả vào công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật trong nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
1.Vai trò của Hội Cựu chiến binh đối với công tác hòa giải ở cơ sở
Khoản 2 Điều 30 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định: “Các tổ chức thành viên của Mặt trận trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở theo quy định của pháp luật”.
Khoản 3 Điều 8 Pháp lệnh Cựu chiến binh năm 2005 quy định: “Cựu chiến binh có trách nhiệm tích cực tham gia thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở, tham gia hoà giải, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18/11/2014 của Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn phối hợp thực hiện một số quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở quy định:
“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp phổ biến, vận động nhân dân tại cộng đồng dân cư thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật ở cơ sở bằng biện pháp hòa giải” (Khoản 1 Điều 4).
“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận cấp xã phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức, vận động các làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư xây dựng nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở trong hương ước, quy ước và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện” (Điều 4).
“Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận các cấp ở địa phương mà nòng cốt là Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Người cao tuổi Việt Nam hướng dẫn, khuyến khích, động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận làm hòa giải viên hoặc tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở” (Điều 10).
Khoản 3 Điều 13 Luật Hòa giải ở cơ sở quy định trách nhiệm của tổ hòa giải: “Phối hợp với Ban công tác Mặt trận, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Chi hội cựu chiến binh, Chi hội nông dân, Chi hội người cao tuổi, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở”.
Từ các quy định trên và thực tiễn cho thấy, vai trò của Hội Cựu chiến binh trong công tác hòa giải ở cơ sở thể hiện ở những mặt sau:
Thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân thực hiện pháp luật hòa giải ở cơ sở
Sau khi Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành, Hội Cựu Chiến binh các cấp đã phối hợp với các cơ quan tư pháp và các cơ quan liên quan cùng cấp tổ chức các hội nghị tập huấn lồng ghép phổ biến, quán triệt và triển khai việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong đó có Luật Hòa giải ở cơ sở.
Tại các địa phương, Hội Cựu chiến binh đã phối hợp với các cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể quần chúng khác phổ biến, tuyên truyền các nội dung cụ thể của Luật Hòa giải ở cơ sở đến từng cựu chiến binh và hội viên Hội Cựu chiến binh, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về hòa giải; bảo đảm việc triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở tại các cấp Hội Cựu chiến binh.
Thứ hai, tham gia củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên
Để xây dựng, kiện toàn tổ hòa giải và hòa giải viên, Hội Cựu chiến binh các cấp đã phối hợp, đề xuất với cơ quan tư pháp và các tổ chức đoàn thể cùng cấp nhất là ở cấp xã, phường các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên nói chung và đội ngũ hòa giải viên là cựu chiến binh nói riêng. Hàng năm, các Hội Cựu chiến binh ở cơ sở đã quan tâm chỉ đạo các chi hội lựa chọn những hội viên gương mẫu, có trình độ hiểu biết pháp luật, có uy tín để giới thiệu bầu làm hòa giải viên, đồng thời luôn theo dõi, giúp đỡ, động viên hội viên của mình tích cực tham gia hoạt động hòa giải, coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên của Hội. Thực tế cho thấy, ở hầu hết các địa phương, hội viên Hội Cựu chiến binh luôn được dân tín nhiệm bầu làm hòa giải viên, nhiều cựu chiến binh được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải.
Trong thời gian qua, Trung ương Hội Cựu chiến binh đã chủ động tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho các hòa giải viên là thành viên của Hội, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên.
Thứ ba, tham gia vào quá trình hòa giải ở cơ sở
Ngoài những trường hợp hội viên là hòa giải viên ở cơ sở, trực tiếp tham gia hòa giải các vụ việc, như quy định khoản 3 Điều 13 Luật Hòa giải ở cơ sở nêu trên, trong quá trình hòa giải các tranh chấp, mâu thuẫn, nếu cần sự phối hợp, Chi Hội Cựu Chiến binh sẵn sàng tham gia giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp kịp thời. Giữ gìn và phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, các hội viên Hội Cựu chiến binh tích cực cùng tổ hòa giải thuyết phục, tư vấn các bên giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn.
2. Thực trạng tham gia của Hội Cựu Chiến binh trong công tác hòa giải ở cơ sở
2.1 Kết quả đạt được
Hoà giải cơ sở được coi là một trong những hoạt động chính của Hội Cựu chiến binh ở cơ sở. Theo báo cáo của Hội Cựu chiến binh Việt Nam về kết quả 06 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở cho thấy, nhiều cựu chiến binh tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở, được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải. Theo đó, số cựu chiến binh được bầu làm hòa giải viên trong cả nước hàng năm dao động từ 50.000 đến hơn 60.000 người, trong đó, số cựu chiến binh được bầu làm tổ trưởng từ 14.000 đến 16.500 người. Ở một số địa phương, nhiều hòa giải viên và tổ hòa giải do cựu chiến binh là tổ trưởng như: Thái Nguyên, Hà Nội, Nam Định, Nghệ An, Gia Lai và Bến Tre [1].
Qua công tác giám sát, kiểm tra của Bộ Tư pháp và của Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho thấy, các cựu chiến binh sau khi được bầu làm hòa giải viên luôn giữ vai trò nòng cốt trong hoạt động hòa giải ở cơ sở. Bởi lẽ, các cựu chiến binh đều xuất phát từ nhân dân, họ đã tham gia đấu tranh cách mạng, tham gia các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc trước đây, và tiếp tục tham gia dựng nước trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam hiện nay. Thực hiện lời động viên, khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho thương binh, bệnh binh “thương binh tàn nhưng không phế”, các thế hệ cựu chiến binh ngày nay luôn phát huy tinh thần, ý chí và nhiệt tình cách mạng cùng những kinh nghiệm, kiến thức đã được tích lũy từ những năm tháng sống trong quân ngũ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước. Các cựu chiến binh luôn gương mẫu trong cuộc sống hàng ngày, luôn là tấm gương sáng trong các lĩnh vực đời sống xã hội và phần lớn được người dân tin yêu, kính trọng. Đây chính là đặc điểm rất quan trọng để vận động, thuyết phục có hiệu quả và mang lại thành công lớn trong công tác hòa giải ở cơ sở của các cựu chiến binh.
Khi tham gia hòa giải ở cơ sở, các cựu chiến binh luôn ý thức được trách nhiệm đối với cộng đồng, mong muốn làm thế nào để thôn, bản, phường có cuộc sống thanh bình, mọi người đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm chan hòa yêu thương, mang lại hạnh phúc, nụ cười đến từng mái nhà, từng con người. Vì vậy, quá trình hòa giải từng vụ việc, cựu chiến binh đều phân tích thấu đáo mọi khía cạnh, kiên nhẫn và mềm mỏng, vừa dùng tình cảm, vừa căn cứ vào quy định pháp luật, thuyết phục các bên tự nguyện hòa giải để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp một cách ổn thỏa, hòa bình nhất.
Theo số liệu tổng hợp chưa đầy đủ, trong 06 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở, Hội Cựu chiến binh cả nước đã tham gia hòa giải được 112.678 vụ việc. Điển hình như Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn đã đạt kết quả cao trong tham gia hòa giải ở cơ sở: Năm 2014, tổng số vụ việc là 287, hòa giải thành 243 vụ việc (chiếm 84.7%), năm 2015, tổng số vụ việc là 349, hòa giải thành 317 vụ việc (chiếm 90,8%); năm 2016, tổng số vụ việc là 501, hòa giải thành 450 vụ việc (chiếm 89,8%); năm 2017, tổng số vụ việc là 431, hòa giải thành 400 vụ việc (chiếm 92,8%); năm 2018, tổng số vụ việc là 453, hòa giải thành 416 vụ việc (chiếm 91,8%). Những Hội Cựu chiến binh tham gia hòa giải được nhiều vụ việc như: Hội Cựu chiến binh tỉnh Hải Dương, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bình Định, Hội Cựu chiến binh tỉnh Phú Yên, Hội Cựu chiến binh tỉnh Bến Tre, Hội Cựu chiến binh tỉnh Long An, Hội Cựu chiến binh tỉnh Sóc Trăng [2]...
2.2 Tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở của Hội Cựu chiến binh Việt Nam trong những năm vừa qua cho thấy, việc triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trong toàn Hội vẫn còn tồn tại những hạn chế như: Sự phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh với cơ quan tư pháp và các tổ chức đoàn thể trong công tác hòa giải có nơi có lúc chưa thật chặt chẽ; một số cựu chiến binh là hòa giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, do đó, kết quả hòa giải thành chưa cao; còn có tâm lý cho rằng việc hòa giải là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nên thiếu nhiệt tình trong hoạt động hòa giải. Đáng chú ý là kinh phí dành cho hoạt động hòa giải ở cơ sở quá ít, chưa có khoản kinh phí cấp trực tiếp cho Hội Cựu chiến binh cũng như kinh phí hỗ trợ cho hòa giải viên khi gặp rủi ro, tai nạn trong khi làm nhiệm vụ; việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ hòa giải viên chưa được thường xuyên, nhất là đội ngũ những người trực tiếp làm công tác hòa giải.
3.Một số kiến nghị, đề xuất
Để khắc phục hạn chế, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng đội ngũ hòa giải viên có năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, kiến nghị Hội cựu chiến binh quan tâm một số vấn đề sau:
Một là, Hội Cựu chiến binh các cấp tiếp tục tổ chức quán triệt nhằm thống nhất, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và ý nghĩa của công tác hòa giải viên ở cơ sở cho hội viên Hội Cựu chiến binh.
Hai là, Hội Cựu chiến binh các cấp hướng dẫn, khuyến khích, động viên, giới thiệu và tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên Hội Cựu chiến binh làm hòa giải viên hoặc tham gia trực tiếp hòa giải các mâu thuẫn, tranh chấp ở cơ sở, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tội phạm nảy sinh.
Ba là, Hội Cựu chiến binh các cấp tăng cường phối hợp với cơ quan tư pháp cùng cấp tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm cập nhật kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho các hội viên là hòa giải viên ở cơ sở.
Bốn là, Hội Cựu chiến binh các cấp kịp thời biểu dương, khen thưởng, rút kinh nghiệm để hội viên là hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm là, mỗi cựu chiến binh tiếp tục phổ biến, vận động nhân dân tại cộng đồng dân cư nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; khi có mâu thuẫn, xung đột xảy ra thì trước hết giải quyết bằng biện pháp hòa giải
Sáu là, nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong hòa giải cơ sở giữa các Hội, Chi hội cựu chiến binh./.
Thanh Trang
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật