Có thể khẳng định, thuật ngữ “tiếp cận pháp luật” có nội hàm rộng, liên quan đến phạm vi, chức năng, nhiệm vụ của hầu hết các cơ quan, đơn vị trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, để việc xây dựng Đề án nêu trên bảo đảm tính khả thi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ thì vấn đề tiếp cận pháp luật cũng như nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân chỉ nên giới hạn trong phạm vi quản lý nhà nước của Chính phủ. Đồng thời, nâng cao năng lực tiếp cận pháp luật của người dân được đặt trong mối quan hệ tương hỗ giữa Nhà nước và người dân. Từ đó, nội dung “năng lực tiếp cận pháp luật” của người dân sẽ chủ yếu bao gồm: (i) Nhóm năng lực tiếp cận thông tin pháp luật; (ii) Nhóm năng lực sử dụng quyền và tự bảo vệ quyền của người dân; (iii) Nhóm năng lực của các cơ quan, tổ chức, thiết chế bảo đảm, hỗ trợ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân và (iv) Nhóm điều kiện bảo đảm khả năng tiếp cận pháp luật của người dân và triển khai nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước (thể chế, cơ chế, cơ sở vật chất, hạ tầng kĩ thuật, công nghệ thông tin…). Đặc biệt, cần chú trọng việc tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho các đối tượng đặc thù.
Trên cơ sở xác định nêu trên, trong Đề án cần tập trung xác định các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, nhóm nhiệm vụ và giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận thông tin pháp luật của người dân, tăng cường năng lực sử dụng quyền và tự bảo vệ quyền của người dân, qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tiếp cận thông tin pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân. Trong nhóm này, cần chú trọng thực hiện việc quán triệt, thông tin, truyền thông thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của pháp luật đối với đời sống xã hội; sự cần thiết của việc chủ động nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật của người dân; khảo sát nhu cầu, thực trạng sử dụng pháp luật và nội dung, mô hình tiếp cận pháp luật; cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng bằng các hình thức phù hợp giúp người dân chủ động tìm hiểu, khai thác, sử dụng pháp luật; củng cố, nâng cao hiệu quả các kênh tiếp nhận, trả lời kiến nghị, phản ánh, giải đáp, tư vấn, hỗ trợ các vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tôn vinh, khen thưởng công dân gương mẫu, người tốt, việc tốt trong xây dựng, bảo vệ, thực hiện pháp luật.
Đặc biệt, cần nghiên cứu các nhiệm vụ, giải pháp cho nhóm đối tượng đặc thù đã được xác định tại Luật PBGDPL năm 2012 và xem xét một số đối tượng cần sự quan tâm, ưu tiên như trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó cần tập trung vào việc xây dựng đội ngũ nhân lực có kiến thức, kỹ năng và chương trình, nội dung, hình thức phù hợp để thực hiện hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn, trợ giúp pháp lý; nâng cao năng lực, hỗ trợ nguồn lực cho tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch, đề án nâng cao khả năng tiếp cận pháp luật của người khuyết tật; củng cố, nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật thuộc tổ chức Đoàn và Hội của thanh niên; xây dựng, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, giải pháp mới hỗ trợ thông tin pháp luật phù hợp với đối tượng; tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, đề án về PBGDPL; đầu tư nguồn lực, xã hội hóa thực hiện hoạt động hỗ trợ thông tin pháp luật cho đối tượng đặc thù, trẻ em, người thuộc hộ nghèo, hộ cận.
Thứ hai, nhóm nhiệm vụ và giải pháp tăng cường năng lực của các cơ quan, tổ chức có liên quan bảo đảm, hỗ trợ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp này, cần tập trung xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp đối với các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền và đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp.
Đối với các cơ quan nhà nước, chủ thể có thẩm quyền, nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung vào việc nâng cao nhận thức, thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan có trách nhiệm thi hành pháp luật, tăng cường tự giám sát, tự kiểm tra, nhất là tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính; trao đổi, đối thoại; thực hiện dân chủ; chuẩn tiếp cận pháp luật; củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của các cơ quan, tổ chức trong bảo đảm, hỗ trợ tiếp cận pháp luật; phát huy đầy đủ trách nhiệm cung cấp thông tin, PBGDPL; hướng dẫn, hỗ trợ người dân thông tin pháp luật, thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp trong quá trình các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền thi hành công vụ; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về trợ giúp pháp lý; xây dựng cơ chế thu hút luật sư, luật gia, người có kiến thức pháp luật tham gia hòa giải ở cơ sở; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra chuyên đề, xử lý vi phạm, thi đua, khen thưởng về thi hành pháp luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Cần nghiên cứu nhiệm vụ xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh để kịp thời thông tin, truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân. Bởi pháp luật hiện hành chỉ mới quy định việc xây dựng, ban hành Thông cáo báo chí đối với luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa đựng quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, các nhiệm vụ và giải pháp cần tập trung vào việc mở rộng mạng lưới các cơ quan, tổ chức hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật, trong đó tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật, công chứng viên... và phối hợp với các cơ quan nhà nước hỗ trợ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; tăng cường giám sát, phản biện xã hội trong thực hiện pháp luật về quyền con người, quyền công dân; vận động người dân và thành viên tự giác, chủ động tìm hiểu, chấp hành pháp luật; tăng cường tư vấn pháp luật miễn phí, hỗ trợ người dân giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về pháp luật; xã hội hóa nguồn nhân lực, phát huy trách nhiệm xã hội của tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật.
Thứ ba, nhóm nhiệm vụ và giải pháp về thiết lập, tăng cường điều kiện bảo đảm khả năng tiếp cận pháp luật của người dân (thể chế, cơ chế, chính sách; nguồn lực, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật; công nghệ thông tin, chuyển đổi số..).
Trong nhóm nhiệm vụ và giải pháp này, cần chú trọng vào việc hòan thiện chính sách, thể chế bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật (tập trung nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các quy định pháp luật về PBGDPL, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật, tiếp cận thông tin, trợ giúp pháp lý, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng...) và nghiên cứu, học tập kinh nghiệm nước ngoài phục vụ hoàn thiện chính sách, thể chế. Bên cạn đó, cần đề ra giải pháp đầu tư, hỗ trợ nguồn lực kinh phí, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin bảo đảm các hoạt động của các cơ quan, chủ thể có thẩm quyền phục vụ yêu cầu tiếp cận pháp luật (bố trí kinh phí, cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị phục vụ các cơ quan nhà nước thực hiện chức năng, nhiệm vụ và các chương trình, đề án được giao bảo đảm hiệu quả; quan tâm bố trí kinh phí, tăng cường nguồn lực cho các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp, tổ chức đại diện của đối tượng đặc thù; đẩy mạnh xã hội hóa huy động nguồn lực và tạo điều kiện cho các tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp triển khai hiệu quả hoạt động hỗ trợ thông tin pháp luật, tư vấn pháp luật; bố trí nguồn lực, đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số quốc gia; xây dựng, thực hiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực PBGDPL bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ, kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi.
Tất cả các nhiệm vụ và giải pháp nêu trên nhằm bảo đảm tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm, hỗ trợ người dân tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật của người dân để thực hiện quyền, bảo vệ lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đặc biệt bảo đảm phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, bối cảnh, định hướng xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đến năm 2030 (định hướng phát triển đất nước thứ 10) tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân./.
Lê Nguyên Thảo
Phòng Quản lý công tác Tiếp cận và Tổng hợp