1. THỰC TRẠNG VÀ THÁCH THỨC CỦA CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ HIỆN NAY
Từ thực tiễn công tác bảo đảm an ninh trật tự cho thấy, mọi vấn đề đều nảy sinh từ cơ sở và ở đâu làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở thì ở đó an toàn chính trị, an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, số vụ vi phạm pháp luật hằng năm thấp hoặc không có. Ngược lại ở những nơi còn xem nhẹ công tác hòa giải ở cơ sở thì mâu thuẫn, tranh chấp ở nơi đó có chiều hướng tăng, có khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài. Trong cuộc sống hàng ngày, việc nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp giữa các cá nhân trong cộng đồng, giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, xóm làng… là điều khó tránh khỏi. Những mâu thuẫn, bất đồng đó, nếu được giải quyết ngay thì cuộc sống của các gia đình, dòng họ và cộng đồng sẽ bình yên, hạnh phúc; nếu mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm đó không được giải quyết thỏa đánh thì từ đơn giải sẽ nhanh chóng phát triển thành mâu thuẫn căng thẳng, phức tạp, thậm chí dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự, là nguyên nhân của những “điểm nóng” về an ninh, trật tự.
Vì vậy, nhờ tính “kịp thời”
[1], “ngay tại cơ sở”
[2], hòa giải ở cơ sở đã giải quyết nhanh chóng các vi phạm pháp luật và mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư; có tác dụng triệt tiêu mầm mống dẫn đến tội phạm và những bất ổn xã hội khác; góp phần thiết thực trong phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở.
Mặc dù vậy, công tác hòa giải ở cơ sở hiện nay cũng đang đối diện với một số thách thức cần phải tháo gỡ:
- Chế độ, chính sách đối với hòa giải viên ở cơ sở rất hạn chế. Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30/7/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở quy định mức chi thù lao tối đa cho hòa giải viên là 200.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Dựa trên căn cứ này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã ban hành Nghị quyết, Quyết định quy định mức chi thù lao trên địa bàn tỉnh, thành phố, theo đó rất ít địa phương quy định mức chi tối đa, đa số các địa phương quy định mức chi từ 100.000 đồng đến 150.000 đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Trong khi đó, chế độ đối với hòa giải viên ở các lĩnh vực khác cao hơn rất nhiều. Đơn cử, hòa giải viên hoạt động theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được hưởng chế độ thù lao từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/vụ, việc (tùy theo kết quả hòa giải)
[3]; còn hòa giải viên lao động được hưởng tiền bồi dưỡng mỗi ngày thực tế thực hiện nhiệm vụ là 5% tiền lương tối thiểu tháng tính bình quân các vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động do Chính phủ quy định từng thời kỳ
[4] (như vậy tiền bồi dưỡng cho 01 ngày làm việc của hòa giải viên lao động từ ngày 01/7/2022
[5] là {(4.680.000+4.160.000+3.640.000+3.250.000) : 4} x 5% = 196.625 đồng). Có thể hiểu một tranh chấp lao động có thời gian tối đa hòa giải là 05 ngày
[6], tương đương 983.125đồng; hòa giải viên thương mại được hưởng thù lao theo thỏa thuận với các bên tranh chấp.
Thực tế trên đã dẫn đến hệ quả là những người có kiến thức pháp luật, cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực pháp luật đã nghỉ hưu (thẩm phán, kiểm sát viên, luật gia, luật sư, công chức tư pháp…) thường tham gia làm hòa giải viên thương mại, hòa giải viên tại Tòa án. Vì vậy, nguồn lực những người có kiến thức pháp luật tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở rất hạn chế (gần như không có).
- Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng đắn về vai trò, tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nên thiếu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, chưa phát huy hết trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở (việc báo cáo, thống kê, kiểm tra còn đại khái; không sơ kết, tổng kết việc thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; không khen thưởng hòa giải viên và tổ hòa giải, có địa phương còn chỉ định thành viên, hội viên của tổ chức, đoàn thể làm hòa giải viên…).
- Người dân chưa tin tưởng vào hòa giải ở cơ sở do năng lực của hòa giải viên còn hạn chế và do chưa được tuyên truyền về thủ tục yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; công tác truyền thông về hòa giải ở cơ sở tại địa phương ít được quan tâm,…
- Về kinh phí: Nhiều địa phương bố trí kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ (hòa giải viên còn chưa được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải thường xuyên; nhiều hòa giải viên không được hưởng thù lao hòa giải, hầu hết các tổ hòa giải không được trang cấp tiền văn phòng phẩm, tiền nước uống phục vụ các cuộc họp theo quy định).
- Đội ngũ hòa giải viên thường xuyên biến động, nhiều hòa giải viên là người cao tuổi nên thời gian tham gia vào công tác hòa giải ngắn; đòi hỏi phải thường xuyên kiện toàn tổ hòa giải và tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ này.
2. THUẬN LỢI VÀ CƠ HỘI TRƯỚC MẮT
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng công tác hòa giải ở cơ sở, coi đây là một trong những yếu tố góp phần thiết thực trong việc ổn định trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân. Trong nhiều nghị quyết khác nhau của Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã định hướng tăng cường sử dụng hòa giải trong giải quyết tranh chấp như Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020
[7]; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
[8]; Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 03/10/2017 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng
[9]… Các văn bản này đều chủ trương, định hướng: Khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế giải quyết tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, trọng tâm là các hoạt động hòa giải.
Cụ thể những chủ trương, chính sách lớn của Đảng về công tác hòa giải, ngày 20/6/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Hòa giải ở cơ sở
[10], theo đó, Điều 7 của Luật Hòa giải ở cơ sở quy định tiêu chuẩn, điều kiện của hòa giải viên gồm:
- Là công dân Việt Nam thường trú tại cơ sở;
- Tự nguyện tham gia hoạt động hòa giải;
- Có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có uy tín trong cộng đồng dân cư;
- Có khả năng thuyết phục, vận động nhân dân;
- Có hiểu biết pháp luật.
Những người đáp ứng đủ các điều kiện tiêu chuẩn nêu trên, được Nhân dân tại nơi cư trú bầu thì được làm hòa giải viên ở cơ sở. Luật Hòa giải ở cơ sở không quy định giới hạn về độ tuổi, giới tính, dân tộc, lĩnh vực công tác
[11]… đối với hòa giải viên. Thành phần tổ hòa giải thường có Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Bí thư chi bộ, đại diện Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng các tổ chức đoàn thể tại thôn, tổ dân phố (như Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội người cao tuổi…) và người có uy tín trong cộng đồng dân cư. Hòa giải viên là những người có phẩm chất đạo đức tốt, sống gương mẫu, được nhân dân tín nhiệm, có khả năng vận động thuyết phục, nhiệt tình tham gia công tác hòa giải ở cơ sở với tinh thần cống hiến để xây dựng cộng đồng bình yên, đoàn kết, hạnh phúc. Hòa giải viên ở cơ sở có những quyền lợi theo luật định, như được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải ở cơ sở; được hưởng thù lao theo vụ, việc khi thực hiện hòa giải; được hỗ trợ khi gặp tai nạn hoặc rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng trong khi thực hiện hòa giải…
Đến nay, lực lượng hòa giải viên ở cơ sở đã được xây dựng rộng khắp trên cả nước, trung bình mỗi thôn, tổ dân phố có 01 tổ hòa giải. Theo số liệu thống kê năm 2021, cả nước có 549.460 hòa giải viên ở cơ sở hoạt động tại 88.334 tổ hòa giải, trong đó có 394.363 hòa giải viên nam và 155.097 hòa giải viên nữ; 136.393 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số
[12]. Năm 2021, các hòa giải viên đã tiến hành hòa giải 91.592 vụ việc; hòa giải thành 73.484 vụ việc (đạt tỷ lệ 80,2%). Số vụ, việc hòa giải thành trung bình mỗi năm khoảng 100.000 vụ, việc
[13]. Điều này đã góp phần giảm tải công việc cho các cơ quan chính quyền địa phương và Tòa án nhân dân, tiết kiệm chi phí
[14], thời gian
[15] của Nhân dân và cơ quan nhà nước.
Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 18/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình thực hiện Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã quy định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ động phòng ngừa tội phạm là:
“Phát huy vai trò các tổ hòa giải, các tổ chức chính trị xã hội kịp thời phát hiện, giải quyết các mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, quan hệ lao động, không đề phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; xây dựng “thế trận lòng dân”. Lực lượng công an cấp xã có vai trò quan trọng trong công tác hòa giải ở cơ sở nhằm phòng ngừa tội phạm từ sớm, từ xa, từ cơ sở. Thời gian vừa qua, Công an cấp xã đã tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, như: Tham gia làm hòa giải viên ở cơ sở; kịp thời can ngăn những mâu thuẫn, tranh chấp có nguy cơ phát triển thành bạo lực; hướng dẫn các bên sử dụng hòa giải trong giải quyết xung đột, bất đồng; phối hợp với hòa giải viên cùng tiến hành hòa giải… Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, với chủ trương xây dựng lực lượng công an xã, thị trấn chính quy, công an các địa phương đã bố trí công an chính quy đảm nhiệm các chức danh công an xã
[16]. Công an xã là lực lượng bám cơ sở, bám dân, được đào tạo bài bản, triển khai công việc khoa học. Do đó đây là nguồn hòa giải viên to lớn ở cơ sở, không chỉ trực tiếp tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở mà lực lượng này còn hỗ trợ, giúp đỡ các tổ hòa giải nâng cao năng lực, kiến thức cho hòa giải viên; từ đó thúc đẩy hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở.
Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, công tác hòa giải ở cơ sở giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Bởi các thế lực thù địch thường lợi dụng địa hình rừng núi, phong tục tập quán và sự nhẹ dạ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số để kích động, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, bôi nhọ và xúi giục đồng bào chống lại Đảng, chính quyền. Thông qua hoạt động hòa giải của mình, các hòa giải viên đã kịp thời giúp bà con hóa giải ngay xích mích trên cơ sở tôn trọng văn hóa, phong tục, tập quán của dân tộc và pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, hòa giải viên còn vận động bà con tin vào Đảng, vào chính quyền, cùng xây dựng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Trong những năm qua, với vai trò quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, lực lượng bộ đội biên phòng đã thực hiện tốt nhiệm vụ duy trì an ninh, trật tự ở khu vực biên giới, cửa khẩu, địa bàn phức tạp, khó khăn. Đạt được thành quả đó, có một phần đóng góp từ việc tham gia công tác hòa giải ở cơ sở của bộ đội biên phòng như một nhiệm vụ tất yếu. Với vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia, Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 5.036,471km biên giới trên đất liền và 3.260km bờ biển, gồm 1.109 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới. Với phương châm “ba bám, bốn cùng” (bám đơn vị, bám địa bàn, bám Nhân dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng đồng bào) và “nghe dân nói, nói dân hiểu”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng đã trở nên thân thuộc, gần gũi và nhận được sự tin yêu, quý mến của đồng bào các dân tộc vùng biên giới. Nhờ đó, bộ đội biên phòng đã nắm được mọi tâm tư, nguyện vọng cũng như những suy nghĩ, hay biểu hiện “bất thường” trong Nhân dân, từ đó kịp thời hòa giải những mâu thuẫn, xích mích của đồng bào trong bản làng nhằm giữ gìn tình đoàn kết dân tộc; kịp thời phát hiện những âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, kích động, gây rối an ninh trật tự, chia rẽ, gây mất đoàn kết, thù hằn dân tộc... để tuyên truyền, phân tích cho bà con hiểu, giác ngộ và tin vào Đảng, chính quyền, không để kẻ xấu lợi dụng. Nhiều mô hình gắn với hoạt động hòa giải ở cơ sở đã được bộ đội biên phòng triển khai có hiệu quả như: “Họ đạo gương mẫu”, “Thôn xóm bình yên, gia đình hòa thuận”, “Gia đình người Mông văn hóa”… Với những việc làm cụ thể, thiết thực, bộ đội biên phòng đã làm thay đổi và nâng cao nhận thức của bà con, được bà con yêu mến, tín nhiệm, cùng chung sức xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
3. GIẢI PHÁP PHÁT HUY HƠN NỮA VAI TRÒ CỦA MỘT SỐ LỰC LƯỢNG THAM GIA CÔNG TÁC HÒA GIẢI Ở CƠ SỞ TRONG THỜI GIAN TỚI
Thực hiện chủ trương tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, trong thời gian tới nền kinh tế - xã hội sẽ có sự phát triển vượt bậc, kéo theo đó là những mối quan hệ xã hội cũng nảy sinh ngày càng nhiều và phức tạp. Thực tế đó đòi hỏi công tác hòa giải ở cơ sở phải nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả. Một trong những giải pháp có ý nghĩa “then chốt” là chất lượng của đội ngũ hòa giải viên. Có thể khẳng định, do nhiều nguyên nhân khác nhau, các tổ hòa giải ở cơ sở chưa phát huy tối đa lợi thế của hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn tại cộng đồng dân cư. Năm 2021, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 91.592 vụ việc (trung bình mỗi tổ hòa giải trên cả nước tiến hành hòa giải từ 01 đến 02 vụ, việc). Trong khi đó hệ thống Tòa án nhân dân đã thụ lý 411.299 vụ, việc dân sự
[17]. Điều này cho thấy, người dân còn chưa tin tưởng vào hòa giải viên ở cơ sở. Do vậy, để phát huy tối đa vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở, vấn đề trước tiên là củng cố, nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, một trong những giải pháp căn cơ là phải phát huy hơn nữa vai trò của một số lực lượng tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở.
- Huy động lực lượng công an ở xã, phường, thị trấn tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Với vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, ngăn ngừa và chống tội phạm; xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc ở địa bàn xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng am hiểu pháp luật, được đào tạo bài bản, lại gần gũi với người dân. Quá trình thực hiện nhiệm vụ của công an xã, phường, thị trấn là nắm tình hình trên địa bàn, kịp thời phát hiện để ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy, trước mắt, để huy động lực lượng công an xã tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở thì khi tổ chức bầu hòa giải viên, Ban Công tác Mặt trận của thôn, tổ dân phố cần giới thiệu ít nhất 01 đồng chí công an cấp xã vào Danh sách bầu hòa giải viên để các hộ gia đình lựa chọn bầu. Ngoài ra, để huy động đông đảo lực lượng công an cấp xã tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn Công an các địa phương tham gia vào công tác hòa giải ở cơ sở như phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với cơ quan công an trong việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; khuyến khích công an cấp xã tự nguyện ứng cử làm hòa giải viên hoặc đề nghị Tổ hòa giải ở cơ sở mời tham gia hòa giải; trực tiếp tư vấn pháp lý, tư vấn tâm lý, cung cấp tài liệu; phối hợp, hướng dẫn hòa giải viên phương án tháo gỡ, giải quyết vụ, việc.
- Huy động hơn nữa sự tham gia của lực lượng bộ đội biên phòng vào công tác hòa giải ở cơ sở. Bộ đội biên phòng là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Để thực hiện tốt hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, đòi hỏi lực lượng bộ đội biên phòng phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Do đó, để mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng có thể trở thành hòa giải viên giỏi, Bộ Tư pháp cần phối hợp với Bộ Quốc phòng (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng), hướng dẫn Sở Tư pháp cấp tỉnh phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng khu vực biên giới; hướng dẫn Ban Công tác Mặt trận của thôn, tổ dân phố giới thiệu các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng vào Danh sách bầu hòa giải viên để các hộ gia đình lựa chọn bầu.
- Tiếp tục phát huy có hiệu quả Người có uy tín trong cộng đồng dân cư (Già làng, trưởng bản, tổ trưởng tổ dân phố, các vị chức sắc tôn giáo…)
[18] tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Người có uy tín là cầu nối của “ý Đảng lòng dân” và là sợi dây gắn kết bà con trong bản làng, là trung tâm đoàn kết cộng đồng, góp phần giữ gìn an ninh, trật tự địa phương. Hiện nay, tổng số Người có uy tín trên cả nước là 29.567 người (số liệu năm 2021)
[19], họ đều là những tấm gương sáng, mẫu mực, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của bà con, được bà con tin tưởng, tín nhiệm. Thông qua việc nắm bắt tình hình tại thôn, xóm, bản, làng họ đã tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; cung cấp nhiều thông tin quan trọng, có giá trị cho chính quyền trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Nhiều Người có uy tín là hòa giải viên đã thực hiện hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn, tranh chấp trong thôn, bản, giữ cho nhà nhà được hạnh phúc, bản làng được bình yên. Do vậy, trong thời gian tới, đề nghị Ủy ban Dân tộc tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách đối với Người có uy tín, trong đó lưu ý chế độ, chính sách đối với Người có uy tín là hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải. Bộ Tư pháp cần tiếp tục phối hợp với Ủy ban Dân tộc hướng dẫn Sở Tư pháp cấp tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc cùng cấp tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho Người có uy tín là hòa giải viên; đưa việc nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên là người dân tộc thiểu số, hòa giải viên ở vùng núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
Tuy nhiên, cần lưu ý: Tổ hòa giải là tổ chức tự quản của nhân dân tại cơ sở, do đó việc củng cố tổ hòa giải và hòa giải viên trên địa bàn cần đảm bảo tinh thần tự nguyện của người tham gia làm hòa giải viên và phải được nhân dân trong khu vực bầu, tín nhiệm; tránh tình trạng “chạy theo thành tích” mà cơ cấu thành phần thuộc các cơ quan chính quyền, tổ chức, đoàn thể vào tổ hòa giải.
- Xây dựng phương án sử dụng đội ngũ sinh viên là người dân tộc thiểu số, sau khi tốt nghiệp được về công tác tại các cấp chính quyền và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở. Đây là đội ngũ được đào tạo bài bản, vừa có kiến thức, vừa am hiểu phong tục tập quán của đồng bào, vừa nói được tiếng đồng bào nên sẽ đề xuất những giải pháp hiệu quả để thúc đẩy công tác hòa giải ở cơ sở, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hi vọng, với những giải pháp thiết thực nêu trên, công tác hòa giải ở cơ sở trong thời gian tới sẽ ngày càng nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và người dân để phát huy tối đa hiệu quả, vai trò, vị trí của công tác này trong đời sống xã hội./.