Liên kết website

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số - Thực trạng và giải pháp

09/08/2022

1. Thực trạng và vấn đề đặt ra
Hiện nay, Việt Nam có hơn 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 14,7% dân số cả nước nhưng chiếm đến 52,66% hộ nghèo của cả nước. Đa số người dân tộc thiểu số sống ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc (56,2%) và Tây Nguyên (37,7%)[1]  gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, một số phong tục, tập quán lạc hậu chưa được xóa bỏ..., nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kéo theo nhiều tệ nạn xã hội, hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết pháp luật.

Qua các hoạt động khảo sát đánh giá nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của nhóm yếu thế do Bộ Tư pháp phối hợp với UNDP thực hiện trong năm 2020 (tại 6 tỉnh[2] : Hà Giang, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Nông, Kiên Giang, Đồng Tháp) cho thấy khả năng tiếp nhận thông tin của người dân tộc thiểu số không có khác biệt nhiều so với nhóm dân tộc đa số (người Kinh). Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy tỷ lệ nhận thức một số vấn đề pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người dân tộc thiểu số còn khá hạn chế. Ví dụ, về vấn đề độ tuổi xác định tuổi trẻ em, tỷ lệ nhận thức đúng tại các địa phương khảo sát chỉ đạt tỷ lệ khá khiêm tốn, cụ thể: 18,4% tại Hà Giang, 21,2% tại Hòa Bình, 38,5% tại Thanh Hóa, 22,8% tại Đắk Nông, 24% tại Kiên Giang và 16,7% tại Đồng Tháp. Vấn đề quyền được học hết lớp 5 (bậc tiểu học) không mất tiền[3]  lại chưa được nhận thức rõ trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại các địa phương khảo sát. Chỉ có 9,7% người tham gia khảo sát tại Đồng Tháp cho rằng trẻ em có quyền này, tiếp đến là Đắk Nông với 16,8% và Hà Giang với 21,6%. Các địa phương còn lại có tỷ lệ lựa chọn đúng cao hơn nhưng cũng chỉ đạt ngưỡng 30-40% và không có địa phương nào quá 50%. Các ví dụ trên cho thấy, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa nắm được các quy định pháp luật liên quan tới quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Người dân có nhu cầu riêng trong việc tìm hiểu các lĩnh vực pháp luật liên quan đến những vấn đề họ quan tâm, tập trung chủ yếu vào 06 nhóm lĩnh vực bao gồm: (i) hỗ trợ, ưu đãi hộ nghèo; (ii) chính sách ưu đãi về y tế; (iii) chính sách về giáo dục; (iv) bình đẳng nam, nữ; (v) hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình và (vi) trợ giúp pháp lý. Do đó, nhu cầu cần truyền thông, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của đồng bào dân tộc thiểu số là rất lớn.

Xác định tăng trưởng kinh tế gắn liền với giải quyết các vấn đề xã hội trên nguyên tắc công bằng và tiến bộ xã hội cũng như trước thực trạng số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, nhận thức pháp luật còn hạn chế, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách ưu tiên phát triển hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thể chế hóa chủ trương này, Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 đã quy định đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những đối tượng đặc thù trong công tác PBGDPL: “Nhà nước có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ người làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc thiểu số tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương; tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tình nguyện phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở vùng dân tộc thiểu số...”[4] .

Chính sách, thể chế về PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang đi vào cuộc sống. Theo báo cáo chưa đầy đủ, từ năm 2017 đến năm 2021, các địa phương trên cả nước đã PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng, như: tổ chức 348.016 hội nghị, lớp tập huấn PBGDPL cho khoảng 9.846.083 lượt người tham dự; 931 hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật cho hơn 305.956 lượt người tham dự; xây dựng, phát sóng 36.487 chương trình truyền hình, 95.679 chương trình phát thanh (trong đó, có các chương trình truyền hình, phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số); biên soạn, in ấn, phát hành, cung cấp tài liệu, pa nô, băng rôn để PBGDPL, tuyên truyền chính sách dân tộc với số lượng 2.459.866 cuốn sách, sổ tay pháp luật, 1.780.791 tờ rơi, tờ gấp, 47.015 pa nô, băng rôn (bao gồm cả tài liệu song ngữ, tài liệu bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số); PBGDPL và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (chương trình, chuyên trang, chuyên mục trên truyền hình, phát thanh, báo, tạp chí, cổng thông tin điện tử, bao gồm cả các chuyên trang, chuyên mục đặc thù bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số) với khoảng 148.055 tin, bài, nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận, kết nối, chia sẻ thông tin pháp luật, chính sách dân tộc bảo đảm tính chính xác, đầy đủ, thiết thực, kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, giúp người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng, khai thác một cách thuận lợi hệ thống thông tin pháp luật về công tác dân tộc và chính sách dân tộc[5] ; một số địa phương có cách làm sáng tạo trong việc lồng ghép nội dung PBGDPL và tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân tộc trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số để PBGDPL cho hơn 1.118.980 lượt người[6] ...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, với những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, thực tế hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số những năm qua đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc và bộc lộ một số hạn chế, cụ thể là:

Thứ nhất, một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự chủ động chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; chưa huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tham gia PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nên công tác này ở một số địa phương chưa được chú trọng, chưa đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân. 

Thứ hai, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thực hiện công tác PBGDPL tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đội ngũ báo cáo viên pháp luật biết ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nhất là đội ngũ có kỹ năng, nghiệp vụ, hiểu biết về văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế (theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay các địa phương trên cả nước có khoảng 1.137 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 1.752 báo cáo viên pháp luật cấp huyện và 13.115 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã là người dân tộc thiểu số hoặc biết tiếng dân tộc thiểu số).

Thứ ba, nguồn lực phục vụ cho tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án liên quan đến PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khiêm tốn. Một số địa phương, nhất là cấp cơ sở chưa bố trí kinh phí cho công tác này. Một số định mức chi tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác PBGDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở còn thấp, nội dung chi chưa bao quát các hoạt động đặc thù để nâng cao hiệu quả PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số như: Cập nhật tin, bài, tiểu phẩm tuyên truyền, vận động, câu chuyện pháp luật, sách, tài liệu pháp luật điện tử bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số; hỗ trợ các báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện là người dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL; xây dựng, hỗ trợ các báo viết bằng ngôn ngữ các dân tộc thiểu số để PBDGPL… Đây là những hoạt động đảm bảo người dân dễ tiếp cận, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân, phát huy được ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số nên dễ hiểu, dễ nhớ, vận dụng sáng tạo, lồng ghép việc PBGDPL phù hợp với bản sắc văn hoá, tập quán của từng dân tộc, vùng miền.

Thứ tư, ở một số nơi, nội dung PBGDPL chưa sát với nhu cầu của đồng bào dân tộc thiểu số; hình thức PBGDPL chưa phong phú, đa dạng; chưa nhân rộng được hình thức PBGDPL có hiệu ứng lan tỏa mạnh để phát huy vai trò chủ động tìm hiểu pháp luật của Nhân dân. Việc tìm hiểu pháp luật thông qua luật sư tư vấn, tự tìm hiểu qua sách, báo, các trang tin điện tử, internet còn rất hạn chế. 

Thứ năm, hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã được sự quan tâm, phối hợp, ủng hộ của một số cơ quan, tổ chức như tài trợ giải thưởng cho các hội thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa và tổ chức truyền hình trực tiếp trên đài phát thanh - truyền hình ở trung ương và địa phương (trong giai đoạn 2017-2021 đã thu hút được khoảng 400 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa cho công tác này) nhưng còn rất khiêm tốn so với nguồn lực của xã hội.

Thứ sáu, chỉ số thống kê đối tượng được PBGDPL là người dân tộc thiểu số chưa được quy định cụ thể nên chưa thống kê đầy đủ, chính xác các số liệu về PBGDPL cho người dân tộc thiểu số để có chính sách và các giải pháp kịp thời nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số (chẳng hạn: nhu cầu PBGDPL gắn với các lĩnh vực pháp luật, hình thức PBGDPL, địa điểm PBGDPL...).

2. Định hướng và giải pháp
Tại Kết luận số 80-KL/TW ngày 20/6/2020 về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân, Ban Bí thư đã tiếp tục khẳng định chủ trương ưu tiên bố trí nguồn lực cho công tác PBGDPL đối với nhóm đối tượng là đồng bào dân tộc. Cụ thể hóa chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (ban hành kèm theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, trong thời gian tới, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần đẩy mạnh thực hiện các hình thức PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số; ưu tiên nguồn lực PBGDPL cho các nhóm đối tượng đặc thù, yếu thế, dân tộc thiểu số thông qua gắn việc thực hiện công tác PBGDPL với việc thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án liên quan[7] . Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương tăng cường PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số; tham mưu, thực hiện chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL.

Xuất phát từ chủ trương lớn nêu trên và đòi hỏi của thực tiễn trong giai đoạn mới, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam thời gian tới, chúng ta cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp cụ thể như sau:

Một là, tiếp tục phát huy vai trò, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL. Nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo, cán bộ các cấp, các ngành và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong PBGDPL nói chung, PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng gắn với vận động quần chúng Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở.

Hai là, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đến công tác PBGDPL; ban hành văn bản hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động PBGDPL và tuyên truyền, vận động tại Tiểu dự án 1 thuộc Dự án 10 - Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; ban hành “chính sách ưu tiên sử dụng người biết tiếng dân tộc thiểu số, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo ở vùng dân tộc thiểu số tham gia công tác PBGDPL” theo quy định tại Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ và khoản 3 Điều 17 Luật PBGDPL để xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng và huy động lực lượng này tham gia PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chú trọng chính sách đãi ngộ, thu hút các em sinh viên là người dân tộc thiểu số đang theo học tại các cơ sở đào tạo luật trong nước và nước ngoài về công tác và làm việc tại các cơ quan pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên bố trí làm báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật. Bổ sung nội dung một số kỹ năng PBGDPL (trong đó, có kỹ năng PBGDPL đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số) vào trong sách giáo khoa, giáo trình đào tạo sinh viên luật cho phù hợp.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp trong chỉ đạo triển khai PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số có trọng tâm, trọng điểm, nội dung, hình thức phù hợp với từng địa bàn cụ thể. Đặc biệt, cần có cơ chế huy động mạnh mẽ hơn nữa lực lượng Bộ đội biên phòng tham gia công tác PBGDPL ở vùng sâu, vùng xa gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021-2027”.

Bốn là, xây dựng mô hình PBGDPL đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số có hiệu quả. Tích cực học tập kinh nghiệm, nghiên cứu mô hình PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số của các nước trên thế giới để áp dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam. Đối với người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông phải PBGDPL bằng tiếng dân tộc thiểu số hoặc tờ gấp pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số.... Việc tổ chức PBGDPL phải được thực hiện đến tận thôn, bản, thậm chí đến từng nhà để tiếp cận trực tiếp với người dân. Có như vậy, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số mới có điều kiện để nghe giới thiệu các văn bản pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ quan làm công tác PBGDPL tích cực phối hợp với các tổ chức xã hội tổ chức nói chuyện chuyên đề về các vấn đề pháp luật có tính thời sự, giải thích, hướng dẫn các tình huống pháp luật cụ thể, quy định pháp luật mới có liên quan trực tiếp đến đồng bào dân tộc thiểu số.

Năm là, tăng cường năng lực và kỹ năng PBGDPL chuyên biệt cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Thường xuyên tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, người làm công tác PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là tuyên truyền viên pháp luật cấp xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số về kiến thức pháp luật, cập nhật các văn bản pháp luật về chế độ, chính sách của đồng bào dân tộc thiểu số và kỹ năng PBGDPL đặc thù cho đồng bào dân tộc thiểu số (kỹ năng nắm bắt tâm lý, giao tiếp, tiếp cận...), đạo đức nghề nghiệp (sự cảm thông, chia sẻ, tận tâm ...) vì đây là đối tượng có điều kiện tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số và có thể là người được tìm đến đầu tiên khi đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu tìm hiểu pháp luật. Bên cạnh đó, trước mắt có thể hình thành các nhóm tình nguyện viên, sinh viên các cơ sở đào tạo luật là người đồng bào dân tộc thiểu số hoặc thông thạo tiếng dân tộc thiểu số, am hiểu pháp luật và được trang bị kỹ năng PBGDPL để thực hiện PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số ngay tại cơ sở.

Sáu là, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực cho hoạt động PBGDPL đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Trên thực tế, có thể nói việc tham gia vào hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số của các cơ quan, tổ chức, cá nhân rất hạn chế vì thiếu nguồn lực. Vì vậy, để tăng cường hiệu quả hoạt động PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số đòi hỏi cần đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động PBGDPL này. Theo đó, cần mở rộng mạng lưới người tham gia PBGDPL (chú trọng huy động, mời đội ngũ tham gia PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số là cán bộ, công chức có kinh nghiệm công tác tại các cơ quan pháp luật đã nghỉ hưu (Tòa án nhân dân, Tư pháp, Viện Kiểm sát nhân dân, Thi hành án, Thanh tra ...) hoặc người am hiểu pháp luật đang công tác tại Bộ đội biên phòng, Công an, Hải quan, Kiểm lâm, các Trung tâm, Chi nhánh trợ giúp pháp lý, các tổ chức chính trị, xã hội như: Luật sư, Luật gia...; các Tổ hòa giải, hòa giải viên ở cơ sở; người có uy tín trong cộng đồng dân cư, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo vùng dân tộc thiểu số ...), thể hiện sự tham gia đóng góp của các cấp, ngành, các tổ chức, cá nhân cho hoạt động đầy tính nhân văn này.

Bảy là, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL gắn với vận động đồng bào dân tộc thiểu số chấp hành pháp luật, hướng hoạt động PBGDPL về cơ sở, trong đó tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước chuyển đổi số trong công tác PBGDPL cho Nhân dân nói chung, cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, trước hết là xây dựng các chuyên trang, chuyên mục riêng về PBGDPL dành cho dồng bào dân tộc thiểu số.

Tám là, tổ chức các hoạt động giám sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả công tác PBGDPL cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; chia sẻ, trao đổi kỹ năng, nghiệp vụ hiệu quả, phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số./.
Minh Tùy
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật
[1] Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Ban Chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và Nhà ở trung ương và Báo cáo số 1170/BC-UBDT ngày 23/8/2021 của Ủy ban Dân tộc về tổng kết Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2021.
[2] Theo Báo cáo đánh giá nhận thức pháp luật và nhu cầu pháp luật của các nhóm yếu thế, Bộ Tư pháp, UNDP, tháng 8/2020.
[3] Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015, một trong các đối tượng không phải đóng học phí là học sinh tiểu học tại các cơ sở giáo dục công lập.
[4] Khoản 3 Điều 17 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012.
[5] Một số địa phương đã có sáng kiến mô hình ứng dụng Infographic trong tuyền truyền, PBGDPL giúp trình bày nội dung cần tuyên truyền, vận động một cách dễ hiểu, hấp dẫn, đỡ nhàm chán, thu hút sự chú ý của cán bộ, công chức và đồng bào dân tộc thiểu số.
[6] Như: Trà Vinh thực hiện lồng ghép nội dung PBGDPL nhân dịp mừng Tết Chôl Chnam Thmây và lễ Sêne Đolta cùng với các ngày quy y tại 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, 27 cơ sở thờ tự của đồng bào Hoa và Thánh đường Hồi giáo của đồng bào Chăm; Phú Yên tổ chức 12 chương trình Giao lưu văn hóa gắn với chiếu phim tuyên truyền nội dung PBGDPL về ý thức tôn trọng, chấp hành, bảo vệ pháp luật; Quảng Ninh tổ chức gần 70 buổi tuyên truyền thông qua hình thức văn hóa, văn nghệ phục vụ trên 20.000 lượt người; thực hiện trên 250 buổi chiếu phim lưu động/1 năm phục vụ cho 200-300 ngàn lượt người; tổ chức 150 buổi tuyên truyền lưu động/1 năm phục vụ cho 300-400 ngàn lượt người; Thanh Hóa tổ chức 675 buổi biểu diễn, 7000 buổi chiếu phim, 8832 buổi sinh hoạt về bình đẳng giới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống....
[7] Điểm a, mục 3 phần II Kế hoạch thực hiện Kết luận số 80-KL/TW (ban hành kèm theo Quyết định số 1521/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ).
Các tin đã đưa ngày: