Để thực tốt công tác đấu tranh và phòng ngừa tội phạm xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, ngày 19/6/2020, Quốc hội khóa XIV ban hành Nghị quyết số 121/2020/QH14 về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong đó, giao Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch về công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Trên cơ sở đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phối hợp với Toà án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh & xã hội ban hành Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH ngày 18/02/2022 quy định về công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi (sau đây gọi tắt là Thông tư liên tịch số 01/2022).
Theo đó, Thông tư liên tịch số 01/2022 quy định quan hệ phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Thông tư liên tịch này áp dụng đối với các đối tượng gồm các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng; người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi.
Trong quá trình phối hợp, các cơ quan, người có thẩm quyền phải bảo đảm nguyên tắc: Phối hợp thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng; bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác, báo tin có liên quan đến hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi; bảo đảm tuân thủ các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan.
Về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân: Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình khi tham gia giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ thực hiện các nội dung theo quy định (bảo mật thông tin cá nhân của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục; có biện pháp ứng phó kịp thời, loại trừ những nguy cơ dẫn đến người dưới 18 tuổi có thể tiếp tục bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác; kịp thời thu thập, bảo quản chứng cứ và nhanh chóng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ ổn định tinh thần cho người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật; bảo đảm quyền có người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dưới 18 tuổi trong hoạt động tố tụng; thực hiện các hoạt động khác trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi theo quy định của pháp luật. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan bảo vệ và tạo điều kiện để cho người dưới 18 tuổi yên tâm học tập và lao động, đồng thời tham gia tố tụng thuận lợi)…
Để phổ biến nội dung của Thông tư liên tịch số 01/2022, ngày 28/7/2022, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến quán triệt nội dung của Thông tư cho đội ngũ Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm phán, Thư ký phiên tòa và công chức thuộc Cơ quan Lao động - Thương binh & xã hội các cấp được phân công tham gia hoạt động tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã trao đổi, được giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Kết thúc Hội nghị, các đại biểu tham dự Hội nghị đã được quán triệt đầy đủ các quy định của Thông tư liên tịch số 01/2022 và các quy định pháp luật khác có liên quan để áp dụng ngay, kịp thời vào thực tiễn công tác; các cơ quan tiếp tục xây dựng quy trình hướng dẫn nghiệp vụ của từng ngành, phù hợp với đơn vị, địa phương./.
Đinh Thị Ánh Hồng
Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật