1. BỐI CẢNH VÀ YÊU CẦU NHIỆM VỤ ĐẶT RA ĐỐI VỚI ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
Trong công cuộc xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, thời gian tới phải đẩy mạnh việc tổ chức thi hành pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hình thành nếp sống theo Hiến pháp, pháp luật. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 cũng đã xác định: “
Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật…”
[1]. Tinh thần trên tiếp tục được thể hiện tại Kết luận số 84-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, theo đó cần:
“Nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân”. Hiện nay, hội nhập quốc tế sâu rộng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ, đa chiều đối với tất cả các quốc gia, dân tộc; tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống chính trị, kinh tế và xã hội của nước ta. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đã xác định thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội. Quá trình người dân tham gia vào các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự, quan hệ xã hội đã nảy sinh nhu cầu tham gia vào hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật ngày càng gia tăng.
Kết luận số 80/KL-TW ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 09/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân, đã xác định yêu cầu:
“Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật”; “Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật”; “ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật tiếp tục yêu cầu tạo chuyến biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật; đổi mới phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác PBGDPL, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian gần đây cũng yêu cầu cần chú trọng công tác truyền thông, đẩy mạnh công tác phổ biến chính sách, pháp luật theo hướng truyền thông dẫn dắt, chủ động tuyên truyền về các chính sách, các văn bản pháp luật mới đề người dân biết, đồng tình, tin tưởng, ủng hộ, thực hiện, kiểm tra và người dân được thụ hưởng kết quả.
Báo cáo viên pháp luật là người thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Để pháp luật đến với người dân, đi vào cuộc sống thì hoạt động của báo cáo viên phải bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ, chính xác, bảo đảm
quyền tiếp cận thông tin pháp luật của người dân; giúp người dân dễ dàng, thuận lợi tìm hiểu pháp luật, bảo vệ và thực thi các quyền, nghĩa vụ pháp lý; tạo sức lan tỏa sự đồng thuận của xã hội trong thực thi chính sách, pháp luật.
Là người truyền thông chính sách, pháp luật, báo cáo viên pháp luật phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác;
- Có khả năng truyền đạt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm.
Báo cáo viên pháp luật phải được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận. Theo đó, báo cáo viên pháp luật trung ương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định công nhận trên cơ sở đề nghị của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên Mặt trận. Báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh do Chủ tịnh Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Bộ chỉ huy quân sự…cấp huyện. Báo cáo viên pháp luật cấp huyện do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận trên cơ sở đề nghị của các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện, Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân, Ban chỉ huy quân sự… cấp huyện
[2].
Để bảo đảm hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của báo cáo viên pháp luật, báo cáo viên pháp luật có các quyền sau:
- Được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Được hưởng thù lao và chế độ theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, báo cáo viên pháp luật có các nghĩa vụ:
- Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công; truyền đạt chính xác nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Không được tiết lộ bí mật nhà nước và thực hiện các hành vi bị cấm khác;
- Hằng năm, báo cáo về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do mình thực hiện với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp
[3].
Trong giai đoạn hiện nay và thời gian tới, thực hiện chủ trương “hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường…” được nêu tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, với yêu cầu đề cao, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013, báo cáo viên pháp luật có trọng trách truyền tải đầy đủ chủ trương, chính sách pháp luật đến với người dân, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin pháp luật của người dân cũng như đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội của Nhà nước. Theo đó, nhiệm vụ đặt ra đối với báo cáo viên pháp luật như sau:
- Tăng cường truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình đề xuất chính sách và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” (phê duyệt kèm theo Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ). Việc truyền thông phải tiến hành ngay từ khâu đề xuất chính sách và soạn thảo văn bản, nhất là những vấn đề khó, nhạy cảm, có ý kiến khác nhau, chú trọng về lĩnh vực được dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.
- Đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm theo kịp sự phát triển của cuộc cách mạng công nghệ thông tin, đáp ứng thói quen sử dụng internet, thiết bị điện tử thông minh của người dân và giúp người dân dễ dàng, thuận lợi tìm hiểu pháp luật.
- Hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo hướng lấy người dân làm trung tâm, chú trọng việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu thông tin pháp luật của đối tượng được phổ biến.
- Tăng cường các hoạt động đối thoại, giải đáp vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành pháp luật nhằm giúp người dân thực hiện thuận lợi quyền, nghĩa vụ; đồng thời là cơ sở để giúp Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội bằng pháp luật.
- Quan tâm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân tộc thiểu số, vùng núi, biên giới, hải đảo bằng cách thức phù hợp với trình độ, văn hóa, phong tục tập quán của vùng, miền, địa phương.
2. THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, bảo đảm đây là lực lượng nòng cốt của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, là cầu nối đưa pháp luật vào cuộc sống. Thời gian vừa qua, các cấp chính quyền và Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp trên toàn quốc đã chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật, kỹ năng nghiệp giỏi, có trách nhiệm và tâm huyết với công việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 1.624 báo cáo viên pháp luật trung ương, 7.460 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh; 17.548 báo cáo viên pháp luật cấp huyện
[4]. Một số ngành xây dựng lực lượng báo cáo viên pháp luật của ngành (Lực lượng quân đội nhân dân, Công an nhân dân). Thời gian vừa qua, đội ngũ báo cáo viên pháp luật đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới nhiều hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp với nhóm đối tượng, vùng miền với nội dung thiết thực, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ; đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chủ động đổi mới nội dung pháp luật được tuyên truyền theo hướng thiết thực, phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn, khu vực.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của đội ngũ báo cáo viên pháp luật chưa đáp ứng được yêu cầu, đang đối diện với một số thách thức cần tháo gỡ:
- Vẫn còn quan niệm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là trách nhiệm của ngành tư pháp nên chưa gắn kết chặt chẽ hoạt động chuyên môn với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn mang nặng về hình thức, nặng thành tích về số lượng, chưa chú trọng đến chất lượng, hiệu quả.
- Hình thức, biện pháp và nội dung pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chưa phù hợp với trình độ, văn hóa của người được tuyên truyền, phổ biến và đặc điểm của địa phương, vùng, miền.
- Báo cáo viên pháp luật làm việc kiêm nhiệm
[5], thiếu tính chuyên nghiệp và chưa đề cao nhiệm vụ làm báo cáo viên; công việc phổ biến pháp luật được xác định mang tính hỗ trợ, giúp đỡ; chưa được xác định là trách nhiệm, nghĩa vụ của báo cáo viên (Báo cáo viên ưu tiên làm nhiệm vụ chuyên môn, chỉ tham gia hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật khi thu xếp được thời gian).
- Còn tồn tại tỷ lệ nhất định báo cáo viên pháp luật không thực hiện phổ biến pháp luật trực tiếp. Theo số lượng thống kê năm 2021, có 480/1.624 báo cáo viên pháp luật trung ương không thực hiện phổ biến pháp luật trực tiếp (chiếm tỷ lệ 29,5%); số lượng này ở cấp tỉnh là 1.460/7.460 (chiếm tỷ lệ 19,6%); cấp huyện là 2.960/17.548 (chiếm tỷ lệ 15,3%). Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực khi các cơ quan nhà nước tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, phương pháp tập huấn cho báo cáo viên, nhưng họ không tham gia làm báo cáo viên trực tiếp.
- Chất lượng của đội ngũ báo cáo viên chưa đồng đều, nhất là lực lượng ở cơ sở; thiếu phương pháp sư phạm; thiếu kỹ năng thuyết trình, vận động; thậm chí có báo cáo viên pháp luật không có kỹ năng trình bày trước đông người, từ chối tham gia phổ biến pháp luật trực tiếp.
- Chưa có cơ chế đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật bài bản.
3. GIẢI PHÁP NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT
Để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn mới, ngoài việc thực hiện đồng bộ các giải pháp như: tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này, đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong nhà trường, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị…, thì việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên pháp luật cần được quan tâm, chú trọng; xác định xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật chuyên nghiệp là một trong những giải pháp có ý nghĩa “then chốt” của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Nghiên cứu ban hành cơ chế về “tiêu chuẩn thời gian cho công việc” của cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay, trong bối cảnh Nhà nước thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, yêu cầu mỗi cán bộ, công chức phải thực hiện nhiều công việc, trong khi đó lại chưa xây dựng được cơ chế rõ ràng về “tiêu chuẩn thời gian cho công việc” của cán bộ, công chức, viên chức. Thực tế này dẫn đến nhiều cán bộ, công chức phải làm việc ngoài giờ hành chính, làm việc thứ Bảy, Chủ Nhật để bảo đảm hoàn thành hết khối lượng công việc được giao
[6]; nhưng cũng có cán bộ, công chức chưa sử dụng hết thời gian hành chính cho công việc chuyên môn. Vì thế vẫn có hiện tượng, cơ quan thì thiếu cán bộ, công chức; nhưng lại có cơ quan “thừa” cán bộ, công chức. Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Thời gian làm việc của cán bộ, công chức, viên chức về cơ bản chỉ đáp ứng đủ công việc chuyên môn. Vì vậy họ không còn quỹ thời gian dành cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, do đó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
- Đào tạo, bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật bài bản.
Báo cáo viên pháp luật phải là chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể, am hiểu sâu về lĩnh vực phụ trách thì có thể phổ biến, hướng dẫn, tư vấn cặn kẽ cho người dân. Tuy nhiên, điểm yếu của báo cáo viên pháp luật hiện nay là rất hạn chế về phương pháp truyền đạt, một số người còn yếu về diễn đạt, bố cục nội dung pháp luật phổ biến không mạch lạc, không khoa học, thậm chí còn lúng túng trong cách trình bày. Khi phổ biến pháp luật trực tiếp, đa số các báo cáo viên pháp luật sử dụng phương pháp thuyết trình một chiều (không có sự tương tác với người nghe, không có kỹ năng tạo cảm hứng cho người nghe và không kích thích người nghe tham gia vào quá trình phố biến). Vì vậy, việc bồi dưỡng, trang bị phương pháp sư phạm, kỹ năng truyền đạt cho báo cáo viên là cần thiết.
- Tăng cường quản lý hoạt động của báo cáo viên pháp luật. Thực tế cho thấy, các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức là báo cáo viên pháp luật chưa quản lý sát sao hoạt động của báo cáo viên; không thống kê số lượng hội nghị, tọa đàm, buổi nói chuyện…thời gian thực hiện hoạt động của báo cáo viên của cơ quan, đơn vị mình; chưa tiến hành đánh giá chất lượng buổi tuyên truyền, phổ biến do báo cáo viên thực hiện trong năm. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên không tác động tới việc đánh giá cán bộ, công chức hàng năm.
- Bổ sung trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật
+ Miễn nhiệm báo cáo viên khi không thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật
Cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật cần nghiên cứu, ban hành quy định về hoạt động của báo cáo viên pháp luật để tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”. Thực tiễn cho thấy, số lượng báo cáo viên pháp luật tương đối nhiều, nhưng không phải tất cả báo cáo viên pháp luật đều tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trực tiếp (số lượng này tăng dần từ cơ sở đến trung ương
[7]). Do đó, cần bổ sung trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật khi không thực hiện hoạt động phổ biến pháp luật trong 02 năm liên tiếp.
+ Miễn nhiệm báo cáo viên khi kết quả đánh giá của đối tượng được phổ biến đánh giá là không đạt.
Cần có cơ chế đánh giá hiệu quả hoạt động phổ biến pháp luật của báo cáo viên, từ đó mạnh dạn đưa ra khỏi danh sách những báo cáo viên có đánh giá của đối tượng được phổ biến pháp luật là “không hiểu thông điệp/nội dung pháp luật được phổ biến”.
- Nghiên cứu, xây dựng mức kinh phí thù lao cho hoạt động của báo cáo viên tương xứng với nhiệm vụ.
Như trên đã nêu, báo cáo viên đều là những chuyên gia trong từng lĩnh vực cụ thể, là người có kiến thức, trình độ chuyên môn, do đó thù lao cho hoạt động phổ biến pháp luật của báo cáo viên pháp luật phải tương xứng với công sức, năng lực, trình độ của báo cáo viên. Cụ thể, cần xây dựng cơ chế về kinh phí thù lao cho báo cáo viên theo ngày làm việc, bao gồm cả thời gian nghiên cứu tài liệu, khảo sát đánh giá về đối tượng được phổ biến pháp luật (hoàn cảnh, nhu cầu, đặc điểm kinh tế, văn hóa…), thời gian chuẩn bị và thời gian tiến hành phổ biến pháp luật. Hiện nay, mức chi thù lao cho báo cáo viên thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, Khoản 2 Điều 5 của Thông tư quy định: Mức chi thù lao giảng viên, báo cáo viên tối đa là 2.000.000 đồng/người/buổi (04 tiết học). Thông tư chưa tính đến thời gian chuẩn bị bài giảng của báo cáo viên (gồm nghiên cứu tài liệu, khảo sát đánh giá đầu vào, xây dựng kịch bản giảng dạy, xây dựng slide bài giảng, chuẩn bị dụng cụ phục vụ giảng dạy (như chuẩn bị trò chơi ô chữ, trò chơi đuổi hình bắt chữ, sử dụng các ứng dụng mạng xã hội để kiểm tra trắc nghiệm kiến thức, mức độ am hiểu của đối tượng…).
Việc thực hiện những giải pháp trên sẽ góp phần củng cố. nâng cao năng lực của đội ngũ báo cáo viên pháp luật, đây là hoạt động thiết thực để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hạn chế tình trạng “chạy theo thành tích” của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật mà không đánh giá hiệu quả đầu ra của công tác này.