Liên kết website

QUÁ TRÌNH SOẠN THẢO VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG CHÍNH DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, KHAI THÁC TỦ SÁCH PHÁP LUẬT

01/01/0001

Thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2009 và nhằm triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn đã được đề cập trong Báo cáo số 29/BC-BTP ngày 13 tháng 02 năm 2009 của Bộ Tư pháp về tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Tủ sách pháp luật cấp xã), trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật (sau đây gọi là Quyết định). Quyết định được xây dựng nhằm cụ thể hoá chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật thời gian qua và thống nhất các quy định của pháp luật về xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật.

 

1. Quá trình soạn thảo Quyết định

Để xây dựng Quyết định, Bộ Tư pháp đã triển khai thực hiện các hoạt động sau:

a) Trong năm 2007, khảo sát, kiểm tra việc thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Quyết định số 1067/QĐ-TTg) tại Hải Dương, Hòa Bình, TP Hà Nội để tìm hiểu, đánh giá thực tiễn công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở địa phương, cơ sở.

b) Tổ chức 03 Tọa đàm về công tác xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn tại ba miền: miền Bắc (tại Hà Nội) vào tháng 9/2007, miền Trung (tại Bình Định) và miền Nam (tại Tiền Giang) vào tháng 11/2007 để trao đổi, đánh giá việc triển khai thời gian qua và đề ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

c) Tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg (khu vực phía Bắc tổ chức tại Ninh Bình vào ngày 04 và 05/12/2008, khu vực phía Nam tổ chức tại Lâm Đồng vào ngày 08 và 09/12/2008) để tổng kết, đánh giá kết quả qua 10 năm triển khai công tác này, qua đó rút ra các luận cứ về lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Quyết định; xây dựng và trình Lãnh đạo Bộ ký Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg ngày 25/11/1998 của Thủ tướng Chính phủ.

d) Sau Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg, Bộ Tư pháp đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đưa việc xây dựng Quyết định về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật vào Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2009. Trên cơ sở kế thừa Quyết định số 69/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 về việc phát hành Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho xã, phường, thị trấn, Quyết định số 1067/QĐ-TTg, các văn bản hướng dẫn thi hành và đánh giá qua 10 năm thực hiện Quyết định số 1067/QĐ-TTg tại Hội nghị tổng kết, Bộ Tư pháp đã xây dựng dự thảo Quyết định.

Dự thảo đã được lấy ý kiến của 28 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 04 tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế có liên quan như: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); 25 Ủy ban nhân dân và Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đại diện cho các vùng, miền trong cả nước. Bộ Tư pháp đã nhận được 50/57 ý kiến góp ý bằng văn bản, trong đó có 24 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; 4 tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế; 22 địa phương. Tất cả các ý kiến đóng góp đều nhất trí với việc Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định này, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân trong tình hình mới.

đ) Ngày 18/8/2009, Hội đồng thẩm định dự thảo Quyết định đã tổ chức họp thẩm định dự thảo văn bản và nhất trí để Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định. Trên cơ sở ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Hội đồng thẩm định, Bộ Tư pháp đã tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Quyết định và các tài liệu có liên quan. Ngày 09 tháng 11 năm 2009, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ký Tờ trình số 45 /TTr-BTP trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

2. Một số nội dung cơ bản của Dự thảo Quyết định và những điểm mới của dự thảo Quyết định so với Quyết định số 1067/QĐ-TTg

2.1. Một số nội dung cơ bản của dự thảo Quyết định

Dự thảo Quyết định gồm 11 điều, cụ thể như sau:

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Điều 1 dự thảo Quyết định quy định về việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi chung là Tủ sách pháp luật cấp xã) và Tủ sách pháp luật ở cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân (gọi chung là Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị).

Để làm rõ khái niệm Tủ sách pháp luật, Điều 2 dự thảo Quyết định đã giải thích các cụm từ: Tủ sách pháp luật, Tủ sách pháp luật cấp xã và Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị.

Điều 3 Dự thảo Quyết định quy định các nguyên tắc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật, trong đó có nguyên tắc về địa điểm đặt Tủ sách pháp luật phải đảm bảo thuận tiện cho nhân dân trong việc đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật và Tủ sách pháp luật được xây dựng, quản lý, khai thác theo hình thức, biện pháp phù hợp với đặc điểm từng vùng, miền; bảo đảm tiết kiệm và được khai thác sử dụng có hiệu quả thiết thực.

Về kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, Điều 4 dự thảo Quyết định quy định kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cấp xã do ngân sách cấp xã bảo đảm; khuyến khích ngân sách cấp tỉnh, cấp huyện hỗ trợ xây dựng, bổ sung sách, báo, tài liệu cho Tủ sách pháp luật cấp xã. Mức chi cho mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm căn cứ đặc điểm của từng vùng, miền và dân số của từng xã, phường, thị trấn do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể với định mức tối thiểu là 02 triệu đồng/năm. Đối với các đơn vị cấp xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo có thể quy định mức cao hơn nhằm đảm bảo có đủ số sách luân chuyển giữa các bản, làng. Đối với các cơ quan, đơn vị, kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật được dự toán trong ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị quản lý Tủ sách pháp luật theo quy định của pháp luật về tài chính. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho các địa phương trong việc bố trí kinh phí, Điều 4 dự thảo Quyết định còn quy định cụ thể nguồn kinh phí xây dựng, quản lý Tủ sách pháp luật.

Việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật được quy định từ Điều 5 đến Điều 8 dự thảo Quyết định đã kế thừa, pháp điển hóa các quy định của Quyết định số 1067/QĐ-TTg, Quyết định số 355/1999/QĐ-BTP ngày 22 tháng 11 năm 1999 của Bộ Tư pháp về việc ban hành Quy chế về xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, Thông tư liên tịch số 02, đồng thời có bổ sung một số quy định cho phù hợp với tình hình mới. Để nâng cao hiệu quả quản lý Tủ sách pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác của cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật, Điều 5 dự thảo Quyết định quy định việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật, tài liệu pháp luật. Tại Điều 7, dự thảo Quyết định còn quy định về cán bộ phụ trách Tủ sách, trong đó đề xuất cán bộ làm công tác này được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,1 so với mức lương tối thiểu chung.

Để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng có hiệu quả, khả thi, Điều 9 dự thảo Quyết định quy định về tổ chức thực hiện, trong đó giao Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cấp xã, cơ quan, đơn vị; đôn đốc, theo dõi các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Quyết định và định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, bên cạnh việc quy định nhiệm vụ chung của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp, dự thảo Quyết định còn quy định trách nhiệm cụ thể của một số Bộ, ngành, đoàn thể có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật.

2.2. Những điểm mới của dự thảo Quyết định so với Quyết định số 1067/QĐ-TTg
            a) Về hình thức văn bản:

Dự thảo Quyết định được xây dựng dưới hình thức văn bản quy phạm pháp luật của Thủ tướng Chính phủ còn Quyết định số 1067/QĐ-TTg không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà là văn bản điều hành của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án xây dựng và quản lý Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn.

b) Về đối tượng áp dụng:

Quyết định số 1067/QĐ-TTg chỉ có đối tượng áp dụng là Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, trong khi đó dự thảo Quyết định có đối tượng áp dụng rộng hơn trên cơ sở kế thừa đối tượng áp dụng loại hình Tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn và bổ sung thêm đối tượng áp dụng là Tủ sách pháp luật ở cơ quan, đơn vị quy định tại Thông tư liên tịch số 02.

c) Nội dung dự thảo Quyết định:

Quyết định được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn, kế thừa, pháp điển hóa các quy định của pháp luật hiện hành về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm tốt trong công tác này thời gian qua, đưa ra các phương thức khai thác Tủ sách pháp luật có hiệu quả để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi mới của công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế.

Điểm mới quan trọng trong nội dung dự thảo Quyết định là đã đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật, tiến tới kết hợp mô hình Tủ sách pháp luật truyền thống với Tủ sách pháp luật điện tử, đồng thời quy định chế độ phụ cấp hàng tháng đối với cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật.

2.3. Một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau

Khi lấy ý kiến các Bộ, ngành có liên quan, tuyệt đại đa số nhất trí với nội dung cơ bản của Dự thảo Quyết định. Tuy nhiên, còn hai vấn đề chủ yếu có ý kiến khác nhau, đó là:

a) Về kinh phí xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm (khoản 1 Điều 4 Dự thảo)

Đa số ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Hội đồng thẩm định nhất trí quy định mức chi cho mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm tối thiểu là 02 triệu đồng/năm. Đối với các đơn vị cấp xã thuộc các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo có thể quy định mức cao hơn nhằm đảm bảo có đủ số sách, tài liệu luân chuyển giữa các bản, làng. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị không nên quy định cụ thể mức kinh phí chi cho công tác này hàng năm vì đã có Thông tư số 63/2005/TT-BTC ngày 05 tháng 8 năm 2005 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó có Tủ sách pháp luật.

Về vấn đề này, tại Tờ trình số 45/TTr-BTP ngày 09/11/2009, Bộ Tư pháp cho rằng, quy định mức chi cho mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm tối thiểu là 02 triệu đồng/năm là phù hợp vì những lý do chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, ngày 28 tháng 01 năm 1999, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/1999/TTLT-TC-TP hướng dẫn thực hiện Dự án với mức tối thiểu chi cho mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm từ 1,2 triệu đến 2,2 triệu đồng. Kế thừa và phát triển quy định về định mức tối thiểu chi cho mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm tại Thông tư liên tịch số 05/1999/TTLT-TC-TP, dự thảo Quyết định quy định tăng mức tối thiểu chi cho mỗi Tủ sách pháp luật cấp xã hàng năm từ 1,2 triệu đồng/năm lên 02 triệu đồng/năm cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và điều kiện cụ thể của địa phương.

Thứ hai, mặc dù, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 63/2005/TT-BTC quy định về kinh phí chi cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật nhưng còn chung chung (“Căn cứ hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp, hợp lệ và được cấp có thẩm quyền phê duyệt dự toán trước khi thực hiện”), chưa quy định cụ thể mức chi cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật. Do vậy, qua thực tế chi cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật ở nhiều địa phương cho thấy còn bất cập, khó áp dụng, địa phương nào quan tâm hoặc ngân sách có nguồn thu thì đầu tư kinh phí, còn địa phương nào chưa quan tâm thì không bố trí kinh phí hoặc bố trí rất ít cho công tác này dù ngân sách không khó khăn.

Chính vì vậy, dự thảo Quyết định đã quy định cụ thể mức chi nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương, cơ sở trong việc bố trí kinh phí chi cho xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật hàng năm.

b) Về chế độ phụ cấp hàng tháng cho cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật (khoản 3 Điều 7)

Đa số ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương và ý kiến của Hội đồng thẩm định nhất trí quy định chế độ phụ cấp hàng tháng cho cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đề nghị bỏ quy định này với lý do “không có cơ sở thực tế để quy định phụ cấp (không có tính đặc thù, không độc hại, nguy hiểm… theo quy định tại Nghị định số 204/20004/NĐ-CP và các văn bản quy định về cán bộ, công chức cấp xã)”.

Về vấn đề này, tại Tờ trình số 45/TTr-BTP ngày 09/11/2009, Bộ Tư pháp thấy rằng, cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật hiện đảm nhiệm rất nhiều việc, đó là bên cạnh phụ trách Tủ sách pháp luật, cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật với tư cách là công chức Tư pháp - Hộ tịch còn đảm nhiệm 12 đầu việc theo quy định tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28 tháng 4 năm 2009 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ. Mặt khác do quản lý, kiểm kê, bảo quản các loại sách, báo, tài liệu của Tủ sách pháp luật và phục vụ bạn đọc nên tương tự như cán bộ làm việc trong thư viện, môi trường làm việc của cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật rất ồn ào, lại tiếp xúc nhiều với sách, báo, tài liệu in nên ít nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe. Theo Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21 tháng 2 năm 2006 của Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa – thông tin thì cán bộ kiểm kê, bảo quản tài liệu, sách báo trong thư viện được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,2 so với lương tối thiểu, nên dự thảo Quyết định đề xuất cán bộ phụ trách Tủ sách pháp luật được hưởng phụ cấp hàng tháng bằng 0,1 so với mức lương tối thiểu do quy mô Tủ sách pháp luật nhỏ hơn thư viện.

Phạm Thị Hòa – Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp
Các tin đã đưa ngày: