Liên kết website

Bàn về tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật

06/06/2013

Mặc dù phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được xác định là khâu quan trọng hàng đầu, là cầu nối giữa hoạt động xây dựng và thực thi pháp luật, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia và nhà quản lý, việc triển khai thực hiện ở các ngành, địa phương thời gian qua không đồng đều, vẫn còn mang tính hình thức, chưa đi sâu vào những nội dung pháp luật mà người dân cần. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả của công tác PBGDPL không dễ, nếu không nói là rất chung chung, trừu tượng.

 

Về mặt lý luận, hiệu quả hoạt động PBGDPL là kết quả cụ thể đạt được trong quá trình PBGDPL tác động vào các đối tượng nhằm đạt được các mục đích và yêu cầu đặt ra. Trước hết, phải căn cứ vào trạng thái ý thức pháp luật và hành vi của các chủ thể khi chưa tiến hành công tác PBGDPL cùng với những biến đổi về ý thức pháp luật và hành vi sau khi được PBGDPL. Trong khi đó, mục đích PBGDPL là nâng cao nhận thức, ý thức và hành động chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Nội dung PBGDPL là những quy định pháp luật cần được truyền đạt đến đối tượng cần phổ biến. Dựa vào mục tiêu phổ biến, giáo dục; đối tượng được PBGDPL và hình thức, phương pháp PBGDPL, mà nội dung pháp luật cần phổ biến, giáo dục ở ba cấp độ: Nội dung pháp luật cơ bản cho mọi công dân, nội dung pháp luật chuyên ngành cho từng đối tượng và nội dung pháp luật chuyên sâu cho những người làm công tác tư pháp.

Để đánh giá hiệu quả của công tác PBGDPL, nhiều ý kiến cho rằng có ba tiêu chí cơ bản, đó là: nhóm tiêu chí chung về nhận thức, thái độ và hành vi của đối tượng; nhóm tiêu chí về người làm công tác PBGDPL và nhóm tiêu chí về hình thức, phương pháp PBGDPL. Có ý kiến lại cho rằng, hiệu quả của PBGDPL được thể hiện ở kết quả cuối cùng là hình thành văn hóa pháp luật trong đời sống xã hội, nên đánh giá hiệu quả PBGDPL phải tính từ “đầu vào” là các văn bản quy phạm pháp luật, điều kiện tổ chức thực hiện và cả quá trình thực hiện…

Như vậy, có thể nói, để xác định được hiệu quả của hoạt động PBGDPL trên thực tế, chúng ta cần một hệ thống tiêu chí đồng bộ, rõ ràng và thống nhất. Hay nói cách khác, việc xây dựng công cụ đánh giá một cách hệ thống, đồng bộ, toàn diện thực trạng điều kiện tiếp cận pháp luật là cần thiết, nhằm định lượng kết quả hoạt động PBGDPL ở các bộ, ngành, đoàn thể và địa phương trong cả nước theo từng năm hoặc từng giai đoạn cụ thể. Ngày 24/01/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định s 09/2013/QĐ-TTg quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật, trong 08 tiêu chí được ban hành thì tiêu chí thứ 3 về Phổ biến, giáo dục pháp luật, gồm:

- Đội ngũ Tuyên truyền viên pháp luật của xã, phường được bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ trong năm;

- Có mạng lưới truyn thanh cơ s tham gia ph biến, giáo dục pháp luật;

- Tỷ lệ văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được phổ biến cho người dân;

- Tủ sách pháp luật có đủ các loại sách, báo theo quy định và được cập nhật, bổ sung hàng năm;

- Có Thư viện xã, phường (hoặc Bưu điện văn hóa xã, phường) hoặc địa điểm thuận lợi do Ủy ban nhân dân xã, phường quản lý để phục vụ người dân khai thác miễn, giảm phí cơ sở dữ liệu pháp luật qua máy vi tính;

- Người dân tra cứu trực tiếp văn bản, tài liệu, sách, báo pháp luật hoặc máy vi tính nối mạng tại các địa điểm Ủy ban nhân dân xã, phường quản lý.

Những tiêu chí này không chỉ góp phần nâng cao trách nhiệm địa phương trong truyền tải kiến thức pháp luật mà còn giúp người dân chủ động tiếp cận các văn bản pháp luật, giảm bớt tình trạng vi phạm pháp luận do hạn chế, yếu kém trong nhận thức cũng như ý thức chấp hành. 

Thế nhưng, đây mới chỉ là quy định về các tiêu chí tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở (xã, phường, thị trấn), chưa kể việc đánh giá tiêu chí và cách tính điểm đối với từng vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đô thị cũng khác nhau, trong khi đó, việc đánh giá địa phương đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải được thực hiện toàn diện ở tất cả các cấp, do vậy không thể thiếu trách nhiệm của cơ quan cấp trên. Tuy nhiên cũng cần phân tích và làm rõ các nội dung trách nhiệm của từng cấp trong việc thực hiện các tiêu chí để có đánh giá chuẩn xác.

Như vậy, để đánh giá được một cách cụ thể hiệu quả của hoạt động PBGDPL, chúng ta còn phải thay đổi về phương cách tiếp cận với PBGDPL, và phải xã hội hóa mạnh hơn, cụ thể hơn, trong từng chương trình PBGDPL, phải xác định rõ đối tượng được PBGDPL là ai, họ cần gì để tuyên truyền thì mới đạt hiệu quả.

Phan Thanh Long

Các tin đã đưa ngày: