Liên kết website

Các yếu tố tác động và biện pháp bảo đảm hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên hiện nay

18/04/2018

Từ thực tiễn thực hiện và kết quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên thời gian qua có thể đúc kết một số nội dung về các yếu tố tác động và biện pháp bảo đảm hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên như sau:

Thứ nhất, các yếu tố tác động đến công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh.
            Một là, các yếu tố tác động tích cực
            - Nhận thức ý nghĩa, tầm quan trọng công tác PBGDPL: Trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN ở Việt Nam hiện nay theo định hướng của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hiến pháp năm 2013. Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ và có tính khả thi cao, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách pháp luật lãnh đạo, chỉ đạo làm thay đổi căn bản công tác PBGDPL nói chung và PBGDL cho thanh, thiếu niên nói riêng như Chỉ thị 32 của Ban Bí thư, Nghị quyết Đại hội XII, Hiến pháp 2013, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật thanh niên, Luật trẻ em, các chương trình, đề án về PBGDPL giai đoạn 2008-2012, Quyết định 419/QĐ-TTg...Đây là những điều kiện quan trọng bậc nhất có tác động tích cực đến công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên thời gian qua và chắc chắn sẽ tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới. Nó làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, khắc phục căn bản nhận thức sai lệch: coi công tác PBGDPL là của riêng ngành tư pháp, giao khoán cho ngành tư pháp hoặc công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên là của Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp thanh niên, các nhà trường, từ đó thiếu quan tâm đầu tư nguồn lực dẫn đến hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên hiệu quả chưa tương xứng hoặc chồng chéo làm lãng phí nguồn lực.
            - Đánh giá đúng vai trò của thanh, thiếu niên: Vai trò của thanh, thiếu niên với tư cách là người chủ của đất nước, nguồn lực to lớn để xây dựng, phát triển đất nước và khẳng định bản thân trong những năm qua đã được chú trọng ghi nhận và có nhiều quyết sách phù hợp phát huy vai trò của thanh, thiếu niên, trong đó có công tác PBGDPL. Theo đó, đối với thanh, thiếu niên tùy thuộc vào lứa tuổi đã được thụ hưởng nhiều nội dung, hình thức PBGDPL hiệu quả thông qua giáo dục pháp luật trong nhà trường, các hình thức PBGDPL lồng ghép trong hoạt động ngoại khóa, các diễn đàn, cuộc thi tìm hiểu pháp luật...Nhà nước, xã hội, nhà trường, gia đình đánh giá đúng vai trò của thanh, thiếu niên hiện tại và tương lai cũng là điều kiện thuận lợi để thanh, thiếu niên tự xác định được trách nhiệm của mình đối với đất nước, xã hội, gia đình và bản thân từ đó vươn lên lập thân, lập nghiệp, xây dựng ý thức chấp hành pháp luật từ những hành động nhỏ nhất trong nhà trường, gia đình và xã hội.
            - Xu thế thời cuộc, sự khẳng định của tuổi trẻ và khát vọng làm chủ của thanh, thiếu niên: Xu thế xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, tôn trọng quyền con người là những nội dung mà thanh, thiếu niên được tiếp nhận và định hướng tương đối rõ ràng. Theo đó, chuẩn mực tìm hiểu và chấp hành pháp luật dần đã trở thành phong cách, lẽ sống trong đa số thanh, thiếu niên hiện nay. Các hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội dần sẽ bị lên án, đào thải, đó là xu thế chung của thời đại, thế giới và Việt Nam. Bên cạnh đó, sự khẳng định của tuổi trẻ và khát vọng làm chủ về mọi mặt cũng là yếu tố tích cực tác động đến công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên. Bởi suy cho cùng, chỉ khi nào thanh, thiếu niên tự mình thấy cần phải tìm hiểu, chấp hành pháp luật và những lợi ích của nó mang lại thì việc PBGDPL mới mang lại hiệu quả thực tế và lâu bền. Thanh, thiếu niên tự khẳng định mình, tự hào vị thế và khát vọng sẽ trách nhiệm hơn với chính mình, gia đình, xã hội và đất nước. Đồng thời, cũng chính họ sẽ góp phần hạn chế các hành vi sai trái trong xã hội, khi đó pháp luật sẽ thực sự đi vào cuộc sống, chấp hành pháp luật thực sự là lẽ sống của người dân.
            - Sự phát triển tột bậc của khoa học công nghệ và mạng xã hội: Trong điều kiện có sự phát triển tột bậc của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, các thông tin pháp luật rất nhanh chóng được chuyển tải, lan tỏa rộng khắp và thanh, thiếu niên là những người trẻ, nhanh nhạy với công nghệ sẽ có điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận với pháp luật, vận dụng pháp luật nếu có nhận thức và được định hướng đúng đắn. Bên cạnh đó, mạng xã hội với đa số người dùng là người trẻ cũng là kênh thông tin pháp luật có hiệu quả nếu khắc phục được mặt trái để thanh, thiếu niên tìm hiểu, xây dựng cho mình niềm tin vào pháp luật và chấp hành pháp luật.
            - Hình thức, nội dung PBGDPL phong phú, đa dạng là yếu tố tác động tích cực đến thanh, thiếu niên. Hiện nay, bên cạnh các hình thức PBGDPL truyền thống như tuyên truyền miệng, thông qua giảng dạy trong nhà trường, báo đài, thi tìm hiểu, sách pháp luật, sân khấu hóa...thì các hình thức PBGDPL mới dần dần được thanh, thiếu niên tiếp nhận và mang lại hiệu quả như hình thức thi trực tuyến, tọa đàm trực tuyến, tư vấn trực tuyến...Nội dung pháp luật cũng được chắt lọc phù hợp tâm lý lứa tuổi cũng là yếu tố rất quan trọng. Thay vì dàn trải chung chung, nội dung pháp luật dành cho thanh thiếu niên đã được biên tập phù hợp hơn, đặc biệt là phục vụ ngay những nhu cầu, hành vi ứng xử của thanh, thiếu niên. Đối với học sinh THPT, với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có môn giáo dục công dân, pháp luật khiến học sinh thấy hứng thú hơn trong tìm hiểu và tiếp thu kiến thức pháp luật.
            - Ngoài ra còn một số yếu tố khác như vai trò định hướng, cung cấp thông tin pháp luật, việc chấp hành pháp luật của các phương tiện thông tin, đại chúng. Các hành vi chấp hành pháp luật của người lớn, gia đình, người thi hành công vụ, cơ quan, tổ chức là tấm gương phản chiếu và có tác động tích cực đến thanh, thiếu niên.
            Hai là, các yếu tố tác động tiêu cực
            - Mặt trái kinh tế thị trường: Kinh tế thị trường mang lại rất nhiều lợi ích, tuy nhiên những tác động của nó về giá trị, đồng tiền, cạnh tranh....ít nhiều có ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và thanh, thiếu niên. Những nhận thức làm giàu bằng mọi giá, cái gì cũng có thể giải quyết bằng tiền hoặc rất nhiều tiền sẽ tạo ra những người trẻ lệch lạc về nhân cách, vô cảm hoặc thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Những giá trị đạo đức gia đình, cộng đồng, xã hội bị phá bỏ và thay vào đó sự ích kỉ lên ngôi, điều này có tác động tiêu cực đến nhận thức tìm hiểu và chấp hành pháp luật của thanh, thiếu niên.
            - Nhận thức của tuổi trẻ và ảnh hưởng của mạng xã hội: Thanh, thiếu niên là lớp người trẻ ít có điều kiện kiểm nghiệm, dễ bị lôi cuốn bởi những yếu tố độc, lạ, mới mà ít có sự đánh giá, phân tích để định hướng hành động đúng. Nếu gia đình, nhà trường, xã hội lơ là hoặc thiếu tích cực thì những tư tưởng, hành vi lệch lạc sẽ rất dễ ăn sâu, bám rễ vào thanh, thiếu niên không phân biệt đúng sai, không phân biệt thiện ác. Những vụ án mạng do người trẻ gây ra như vụ Lê Văn Luyện, Nguyễn Hải Dương, Nguyễn Đức Nghĩa gây ra, phần nhiều người trẻ đều lên án, kinh sợ, nhưng một thực tế là nhiều thanh, thiếu niên lại có suy nghĩ, việc làm ngược lại, những hội, nhóm fan hâm mộ trên mạng xã hội được lập ra. Những chi tiết rùng rợn của vụ án, đời tư của tội phạm được khai thác triệt để, câu like...cho thấy sự lệch lạc về nhận thức sẽ dẫn đến hành vi sai trái sau này. Đã đến lúc, phải có biện pháp định hướng, giáo dục hiệu quả dành cho thanh, thiếu niên trong thời gian tới. Đồng thời, đối với các hành vi vi phạm cần phải bị nghiêm trị.
            - Việc làm và thu nhập của thanh, thiếu niên: “Nhàn cư, vi bất thiện” một bộ phận thanh, thiếu niên hiện nay không có việc làm, việc làm không phù hợp, thu nhập thấp, bấp bênh...là điều kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống và ý thức tuân thủ pháp luật của họ.
            - Những hành vi lệch chuẩn trong xã hội có lúc, có nơi chưa bị lên án, xử lý đúng đắn tạo nên tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin và công lý vào pháp luật của người dân và thanh, thiếu niên.
            - Tâm lý, lứa tuổi và ý thức tuân thủ pháp luật của thanh thiếu niên cũng là một yếu tố có tác động tiêu cực đến hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên.
            Thứ hai, các điều kiện đảm bảo hiệu quả công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên
            - Thể chế chính sách: Mặc dù thể chế, chính sách về PBGDPL nói chung và PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói riêng đã được ban hành thực hiện tương đối tốt trong thời gian qua, tuy nhiên thể chế, chính sách vẫn cần phải tiếp tục có sự hoàn thiện theo hướng thiết thực, phù hợp, hiệu quả và khả thi để trách sự dàn trải, chồng chéo, hình thức và lãng phí nguồn lực.
            - Nguồn lực trong công tác PBGDPL nói chung và PBGDPL cho thanh, thiếu niên cần tiếp tục được kiện toàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả không lấn sân, dẫm chân nhau. Các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phải được tăng cường đầu tư mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
            - Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và quyết tâm thay đổi mạnh mẽ cả về nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh, thiếu niên và các điều kiện bảo đảm khác.
            Thanh, thiếu niên là những chủ nhân và chủ nhân tương lai của đất nước cần có sự quan tâm đặc biệt về mọi mặt, đẩy mạnh công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong tình hình mới là góp phần xây dựng lớp công dân có tri thức, sự hiểu biết, tuân thủ pháp luật thực hiện thành công mục tiêu xây dựng đất nước giàu đẹp, văn minh./.
NGUYỄN VĂN ĐẠI
SỞ TƯ PHÁP BẮC NINH
Các tin đã đưa ngày: