Để xác định phạm vi được hòa giải, tại Điều 3 của Luật quy định, việc hòa giải ở cơ sở được tiến hành đối với các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật, trừ các trường hợp: mâu thuẫn, tranh chấp xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng; các vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, giao dịch dân sự mà theo quy định của pháp luậttố tụng dân sự không được hòa giải; vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính; v.v…Phạm vi hòa giải ở cơ sởcũng được hướng dẫn cụ thể hơn tại Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Theo đó, tại Điều 5 Nghị định này quy định rõ về các mâu thuẫn, tranh chấp, vi phạm pháp luật được hoặc không được thực hiện hòa giải.Về cơ bản, những quy định này là khá rõ ràng và đã tạo được cơ sở pháp lý để áp dụng thực hiện được thuận lợi trên thực tế trong thời gian qua.
Tuy nhiên, đối với nội dung “được hòa giải đối với các vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính” và “không được hòa giải đối với vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính”được quy định trong 02 văn bản nêu trênvẫn khó xác định trên thực tế,còn nhiều cách hiểu, thắc mắc và tranh cãi, cụ thể:
Thứ nhất, làm sao xác định mức độ củavi phạm pháp luật (?)
Đọc lướt qua nội dung quy định trên, ai cũng hiểu rằng “được hòa giải đối với các vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật những vi phạm đó chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính” và “không được hòa giải đối với vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính”có nghĩa làhòa giải viên được tiếp nhận để hòa giải đối với những vi phạmchưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính; ngược lại,không được tiếp nhận và hòa giải đối với những vi phạm phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra là, khi tiếp nhận vụ việc hòa giải, làm sao xác định được vụ việc đó là vi phạm pháp luật chưa đến mức bị hoặc phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính để tiếp nhận hay từ chối vụ việc hòa giải? Liệu hòa giải viên có khả năng tự nhận định và đủ thẩm quyền quyết định không? Cách thức nhận định như thế nào? Và nếu nhận định không đúng, dẫn đến vẫn tiến hành hòa giải đối với vi phạm pháp luật phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính hoặc từ chối vụ việc vi phạm chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính thì sẽ xử lý hậu quả xảy ra như thế nào?
Liên quan đến các câu hỏitrên, hiện nay tại Điều 7, Nghị định số 15/2014/NĐ-CP có hướng dẫn cách thức xác định phạm vi hòa giải ở cơ sở là “Trong trường hợp chưa xác định được vụ, việc có thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở hay không, thì hòa giải viên đề nghị công chức Tư pháp – Hộ tịch hướng dẫn”.Song chúng tôi cho rằng, hướng dẫn này vẫn còn chung chung và khó thực hiện trên thực tế, vì: thứ nhất, cách thức phối hợp, đề nghị công chức Tư pháp-Hộ tịch hướng dẫn như thế nào vẫn chưa được quy định;thứ hai, ngay cả công chức Tư pháp – Hộ tịch cũng không đủ cơ sở, thẩm quyền khẳng định vụ việc có thuộc trường hợp phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính hay không nếu chỉ chỉ đơn thuần đối chiếu văn bản quy phạm pháp luật để nhận định vụ việc. Sau đây là ví dụ cụ thể:
Ví dụ : Anh A và anh B có mâu thuẫn, hiềm khích với nhau dẫn đến đánh nhau và có gây thương tích. Đối với trường hợp này, để kết luận vụ việc đến mức xử lý hình sự và hành chính hay chưa thì không thể suy đoán chủ quan được, bởi lẽ để xử lý hình sự phải tuân thủ những trình tự tố tụng theo quy định, như: phải khởi tố vụ án để điều tra làm rõ hành vi của mỗi bên, phải thực hiện giám định để xác định tỷ lệ thương tích,… Tương tự đó, để xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan nhà nước, cá nhân có thẩm quyền phải lập biên bản để xác định hành vi vi phạm mới đủ cơ sở để xử lý. Do đó, nếu hòa giải viên hoặc công chức Tư pháp – Hộ tịch chỉ tự nhận định theo quy định của pháp luật một cách chủ quan là chưa đảm bảo cơ sở pháp lý để khẳng định vụ việc có thuộc phạm vi hòa giải hay không (?)
Thứ hai, nếu vụ việc được xác định có hành vi vi phạm pháp luật phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính thì hoàn toàn không được hòa giải?
Một vụ, việc có hành vi vi phạm pháp luật sẽ liên quan đến nhiều mối quan hệ, bao gồm: liên quan đến quan hệ dân sự phát sinh giữa các bên; liên quan đến quan hệ hình sự phát sinh giữa Nhà nước và người thực hiện tội phạm; liên quan đến quan hệ hành chính phát sinh giữa cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền với công dân khi người này có hành vi vi phạm trật tự quản lý hành chính, xâm phạm đến lợi ích cá nhân, tổ chức, của Nhà nước, cộng đồng xã hội được Nhà nước bảo vệ. Mỗi loại quan hệ sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý tương ứng, cụ thể: trong quan hệ dân sự sẽ phát sinh trách nhiệm dân sự giữa các bên (bồi thường, xin lỗi…); trong quan hệ hình sự sẽ có trách nhiệm hình sự và trong quan hệ hành chính cũng sẽ phát sinh trách nhiệm pháp lý tương xứng theo quy định. Mỗi loại quan hệ cũng được điều chỉnh bởi một nhóm quan hệ pháp luật và theo trình tự, thủ tục riêng biệt.
Như vậy, “vi phạm pháp luật theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chínhthì không được hòa giải” được hiểu như thế nào? Có phải toàn bộ vụ, việc sẽ không được hòa giải, bao gồm cả quan hệ dân sự, quan hệ hình sự và hành chính phát sinh từ vụ, việc đó sẽ không được hòa giải? Hiện nay, theo quan sát, chúng tôi thấy đa số ý kiến thiên về cách hiểu này và sẽ từ chối hòa giải vụ việc.
Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi, thì nếu có vụ, việc như trên xảy ra, thì hòa giải viên vẫn có thể hòa giải đối với mâu thuẫn, tranh chấp về mặt dân sự giữa các bên phát sinh từ vụ, việc; pháp luật chỉ không cho phép hòa giải giữa người có hành vi vi phạm với Nhà nước vì hành vi đó có xâm phạm đến trật tự, lợi ích của cộng đồng xã hội mà Nhà nước bảo vệ. Nói cách khác, Nhà nước chỉ không cho hòa giải để miễn trừ (loại bỏ) trách nhiệm về hình sự hoặc hành chính do hành vi vi phạm pháp luật gây ra. Bởi lẽ:các mâu thuẫn, tranh chấp về dân sự cần khuyến khích hòa giải để các bên hàn gắn tình cảm, chấm dứt hiềm khích, thù oán – những yếu tố có thể làm phát sinh những mâu thuẫn, xung đột mới. Đây cũng chính là mục đích cốt lõi mà pháp luật về hòa giải ở cơ sở hướng đến. Trong trường hợp này, nếu hòa giải viên có thể hòa giải được các mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên thì hoàn toàn đúng pháp luật và cần được khuyến khích vì họ chỉ hòa giải về mặt dân sự, còn trách nhiệm pháp lý về mặt hình sự và hành chính với Nhà nước thì hòa giải viên không can thiệp. Có nghĩa là, người có hành vi vi phạm pháp luật, nếu được hòa giải về mặt dân sự rồi, thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý với Nhà nước nếu hành vi đó xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước, xâm phạm đến lợi ích của cá nhân, tổ chức, của cộng đồng xã hội được Nhà nước bảo vệ. Sau đây là ví dụ cụ thể để làm rõ hơn về lập luận này.
Ví dụ 1: Cơ sở sản xuất A có hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu dân cư. Hành vi này dẫn đến mâu thuẫn, tranh chấp với các hộ gia đình lân cận; đồng thời xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính do Nhà nước bảo vệ theo quy định phải bị xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, trong vụ việc này cùng tồn tại 02 mối quan hệ cần được giải quyết: một là, quan hệ dân sự giữa cơ sở sản xuất với các hộ gia đình lân cận (các hộ gia đình có thể khởi kiện để bồi thường thiệt hại); hai là mối quan hệ giữa hành chính giữa Nhà nước với cơ sở sản xuất.
Trong trường hợp này, hòa giải viên có thể hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa cơ sở sản xuất với các hộ gia đình để chấm dứt xung đột,hướng các bên tự thỏa thuận (bồi thường thiệt hại, …), để ngăn chăn một vụ việc khởi kiện có thể xảy ra tại Tòa án. Tuy nhiên, trách nhiệm pháp lý của cơ sở sản xuất đối với Nhà nước vẫn còn đó, vì cơ sở này đã có hành vi vi phạm trật tự hành chính do Nhà nước quản lý. Do đó, cho dù hòa giải viên đã hòa giải mâu thuẫn tranh chấp giữa cơ sở sản xuất với các hộ gia đình, thì Nhà nước vẫn có thể xử lý về mặt hành chính theo quy định. Ngược lại, nếu toàn bộ vụ việc không được hòa giải, thì ngay cả khi Nhà nước đã xử lý về mặt hành chính thì mâu thuẫn, tranh chấp giữa cơ sở sản xuất với các hộ gia đình vẫn tồn tại và có nguy cơ làm phát sinh một tranh chấp, xung đột mới.
Ví dụ 2: Anh A có hành vi cố ý gây thương tích với anh B. Giả sử theo quy định của pháp luật thì hành vi này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, nếu chỉ để xử lý về mặt hình sự mà không cho hòa giải về mặt dân sự giữa các bên thì mâu thuẫn, hiềm khích, thù oán giữa các bên vẫn tồn tại. Ngược lại, nếu được hòa giải, thì hòa giải viên cũng chỉ giúp các bên thỏa thuân về mặt dân sự, tránh làm mâu thuẫn thêm nghiêm trọng, chứ không loại bỏ trách nhiệm pháp lý về hình sự của anh A đối với Nhà nước.
Như vậy, chúng tôi cho rằng, trong tất cả các hành vi vi phạm pháp luật, thì về mặt dân sự, các bên có thể tự thỏa thuận và hòa giải được với nhau, nhưng về trách nhiệm với Nhà nước, thì nếu hành vi đó xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của cộng đồng xã hội vẫn sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vậy, nên chăng quy định “không được hòa giải đối với vi phạm pháp luật mà theo quy định phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử lý vi phạm hành chính”trong Luật Hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 15/2014/NĐ-CP cần được hiểu theo hướng đó!?
Hòa giải ở cơ sở là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta đã được cụ thể hóa thành pháp luật.Hoạt động này đang được chính quyền các cấp đẩy mạnh thực hiện thông qua các hòa giải viên nhằm giải quyết các mẫu thuẫn, tranh chấp phát sinh từ cơ sở trên cơ sở tự nguyện của các bên, qua đó góp phần ổn định an ninh, trật tự tại cơ sở. Vì vậy, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần có hướng dẫn cụ thể hơn về những vướng mắc nêu trên để các cơ quan, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các hòa giải viên hiểu và áp dụng được thống nhất.
Hoàng Trọng Hùng